Tây Ninh: Triển khai chương trình bán hàng lưu động
Đóng góp tích cực cho Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' (CVĐ), thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) phân phối trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tích cực triển khai các chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa Việt.
Cùng với quá trình triển khai CVĐ, từ năm 2012 đến nay, hệ thống siêu thị Co.opMart Tây Ninh và các DN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 225 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu gần 8 tỷ đồng. Theo Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Tây Ninh, đây là mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng (NTD), đồng thời nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt của người dân.
Đơn cử, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại công nghiệp dịch vụ Hùng Duy đã tổ chức hàng ngàn chuyến hàng phục vụ nhân dân vùng nông thôn, trên 60 chiếc xe chở hàng in khẩu hiệu cổ động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các huyện bán hàng bình ổn giá cho bà con nghèo nông thôn với mức giảm từ 20-30%.
Hoặc, siêu thị Co.opMart Tây Ninh tổ chức 46 cuộc bán hàng lưu động đến các huyện nông thôn trên địa bàn, doanh thu 38,5 tỷ đồng. Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) và UBND các huyện Bến Cầu, Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Tràng Bảng, Dương Minh tổ chức 26 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, cụm công nghiệp trên địa bàn với doanh thu hơn 40 tỷ đồng.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, CVĐ đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm đến hàng Việt nhiều hơn; loại bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận người dân. Về phía DN sản xuất, CVĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các DN, nhà sản xuất trong tỉnh với phương châm sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ cho người dân. Đây cũng là cơ hội để các DN phân phối "đo" mức tiêu thụ của thị trường, từ đó lên kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối đến các khu vực mà tỷ lệ hàng Việt còn khiêm tốn.
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 109/111 chợ đang hoạt động, 5 siêu thị, 7 cửa hàng thực phẩm an toàn và 1 trung tâm thương mại. Các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội và giao lưu hàng hóa của người dân địa phương.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả CVĐ, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giúp NTD nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam; tiếp tục củng cố, nâng cao trách nhiệm các thành viên Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh để tăng cường hiệu quả tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai đạt hiệu quả cao hơn.
Các DN địa phương được khuyến cáo tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, phát huy vai trò, vị thế đi đầu trong triển khai thực hiện CVĐ. Các DN, nhà sản xuất cần đẩy mạnh, nghiên cứu, sáng tạo từng ngày để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, đồng thời xây dựng mạng lưới phân phối, tổ chức các hội thảo, hội chợ, hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất và sản xuất các hàng hóa có chất lượng cao; xây dựng và giữ uy tín thương hiệu, phát triển thị trường.
Một trong những giải pháp được tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống hàng nhái, hàng giả để bảo vệ các DN làm ăn chân chính.