Tây Quảng Nam phát triển kinh tế từ rừng gỗ lớn và nông nghiệp công nghệ cao
Huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đang tranh thủ mọi nguồn lực về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu, các chương trình, chính sách đặc thù đối với an toàn khu để tạo cú hích phát triển các xã vùng cao.
Ngày 30/4/1972, quận Hiệp Đức (nay là huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) được giải phóng. Sự kiện này đã ảnh hưởng lớn đến tình hình trên chiến trường khu 5, đập tan cánh cửa phòng thủ của địch ở phía Tây Quảng Nam, tạo điều kiện củng cố và mở rộng vùng giải phóng.
Từ đây, Hiệp Đức là căn cứ vững chắc cho cả chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà. Đây cũng là nơi Khu ủy 5 đóng tại xã Phước Trà tiếp tục lãnh đạo quân và dân khu 5 lập nhiều chiến công, góp phần cùng với quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau 50 năm quê hương được giải phóng, vùng căn cứ cách mạng năm xưa ngày càng có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Đến nay, người dân đã chủ động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng rừng gỗ lớn, đời sống và thu nhập của đồng bào các dân tộc ngày càng nâng cao.
Trở lại thôn Trà Nhang, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, khó ai nhận ra dấu tích của làng Ông Tía, dưới chân núi Vin. Cái nắng gắt của ngày cuối tháng 4 gợi nhớ bao ký ức về ngọn lửa Trà Nô bừng bừng góc núi vào một đêm tháng 3/1960.
Ông Hồ Văn Loan, người duy nhất trong số 11 người trong đội tự vệ làng Ông Tía còn sống nay cũng đã ở vào tuổi xưa nay hiếm. Nhắc lại sự kiện ngày ấy, mắt ông Loan sáng lên niềm tự hào về cuộc khởi nghĩa diễn ra sớm nhất ở Quảng Nam, tại ngôi làng nhỏ mở đầu cho phong trào đấu tranh khởi nghĩa vũ trang của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Nam. 50 năm sau chiến tranh, làng Ông Tía xưa, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức ngày nay, bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng gỗ lớn.
“Từ ngày đó đến nay, tại xã Phước Trà phát triển mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, đến đường xá đi lại, đời sống bà con được nâng lên, số hộ nghèo cũng giảm bớt, trẻ em được học hành đầy đủ, nhiều con cháu được học Đại học”, ông Hồ Văn Loan lại say xưa kể về sự đổi thay trên quê hương mình.
50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Bhnong, Kinh và Ca Dong ở 3 xã vùng cao Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia, huyện Hiệp Đức luôn đoàn kết, nỗ lực vượt khó xây dựng quê hương vùng căn cứ cách mạng. Bộ mặt từng thôn, bản đổi thay từng ngày, tạo nên bức tranh mới ở vùng cao huyện Hiệp Đức. Từ chỗ hơn 1/2 là hộ nghèo trong ngày mới thành lập, nay giảm còn dưới 12%. Đời sống được nâng lên, người dân không còn du canh, du cư, các phong tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi.
Những năm qua, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam tranh thủ mọi nguồn lực về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu, các chương trình, chính sách đặc thù đối với an toàn khu để tạo cú hích phát triển các xã vùng cao.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước, chính sự chuyển biến trong nhận thức của người dân đã giúp các chương trình mục tiêu lớn đạt hiệu quả rõ rệt và bền vững hơn. “Điều kiện kinh tế- xã hội của huyện phát triển một cách toàn diện. Hiện nay Hiệp Đức dù là huyện miền núi, nhưng các chỉ số kinh tế - xã hội đã gần như các huyện đồng bằng, qua đó góp phần đưa Quảng Nam ngày càng phát triển”, ông Tỉnh cho biết.
Trong giai đoạn tới, huyện Hiệp Đức tiếp tục chọn phát triển lâm nghiệp là hướng kinh tế mũi nhọn thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Hiện nay, người dân vùng cao huyện Hiệp Đức đã tham gia trồng rừng gỗ lớn, chế biến sâu các sản phẩm về lâm nghiệp hướng đến giá trị gia tăng cao. Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng đã tạo ra nguồn lực đáng kể để khớp nối và mở rộng hệ thống giao thông, tạo động lực để phát triển lâm nghiệp quy mô, bài bản hơn.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện Hiệp Đức được quy hoạch để phát triển thành trung tâm công nghiệp chế biến chung cho phía Tây của tỉnh. “Huyện Hiệp Đức đang trở thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu về ngành gỗ. Khi có các nhà máy chế biến sâu, huyện sẽ thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp, từ đó sẽ cùng với doanh nghiệp và các hộ dân đang trồng rừng gỗ nhỏ trên địa bàn liên kết với nhau, hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến sâu”, ông Thanh khẳng định./.