Tế bào T 'sát thủ' giúp Nhật có số ca mắc Covid-19 chạm đáy
Một đặc điểm di truyền liên kết với các tế bào bạch cầu được tìm thấy ở hơn một nửa số người Nhật Bản giúp chống lại Covid-19, kích hoạt các tế bào miễn dịch nhận biết virus cảm lạnh theo mùa.
Ngày 11-12, thông tin trên được tạp chí Nikkei dẫn nguồn nghiên cứu của Viện Riken (Nhật Bản), được công bố trên tạp chí Communications Biology. Đây là một phần nỗ lực để đào sâu nguyên nhân giúp tỉ lệ bệnh nặng và tử vong vì Covid-19 ở Nhật Bản tương đối thấp so với thế giới.
Nghiên cứu tập trung vào các tế bào T "sát thủ", một phần của phản ứng miễn dịch khi virus xâm nhập cơ thể. Các tế bào này tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus, xác định chúng thông qua peptit hoặc các đoạn protein từ các loại virus cụ thể.
Nhóm nghiên cứu của Riken đã xem xét một loại kháng nguyên bạch cầu ở người được gọi là HLA-A24. HLA, loại protein nằm trên bề mặt của tế bào bạch cầu, đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ của cơ thể, kích hoạt các tế bào T.
HLA-A24 được tìm thấy trong cơ thể của 60% người Nhật Bản. Khi một peptit gọi là QYI có nguồn gốc từ protein đột biến của virus SARS-CoV-2 được đưa vào mẫu máu có HLA-A24 của những người hiến tặng, tế bào T "sát thủ" trong mẫu phản ứng bằng cách nhân lên.
Nhóm nghiên cứu phát hiện các tế bào phản ứng với QYI cũng có phản ứng tương tự với các virus khác trong họ corona. Nghiên cứu kết luận với những người có HLA-A24, tế bào T "sát thủ" ghi nhớ những lần nhiễm virus corona theo mùa trong quá khứ và có thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại Covid-19.
Trong khi HLA-A24 phổ biến trong một số nhóm người châu Á, kháng nguyên bạch cầu này lại hiếm hơn ở phương Tây, chỉ xuất hiện trong khoảng 10% - 20% dân số châu Âu và Mỹ.
"Nó có thể được xem là "nhân tố X"" - ông Shin-ichiro Fujii, trưởng nhóm tại phòng thí nghiệm liệu pháp miễn dịch của Riken, nói.
Tuy nhiên, thí nghiệm này chỉ xem xét một số tế bào cụ thể. Họ vẫn cần các nghiên cứu sâu hơn về việc hệ miễn dịch của những người có HLA-A24 phản ứng như thế nào khi bị nhiễm SARS-CoV-2.