'Té ngửa' khi nhận hóa đơn tiền điện ở TP.HCM
Từ người sống một mình cho đến gia đình hai thế hệ, đặc biệt là những người ở trọ, đều tá hỏa với hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng gấp đôi so với mức bình quân hàng tháng.
Cầm trên tay hóa đơn phòng trọ tính đến ngày 26/4, chị An (30 tuổi) trầm ngâm hồi lâu vì không hiểu sao hai mẹ con dùng đến 258 kWh điện, tương đương 1.161.000 đồng. Như vậy, tiền điện tháng 4 đang là khoản sinh hoạt phí cao thứ hai mà chị phải trả, chỉ sau tiền phòng (1,8 triệu đồng).
"Tôi 'té ngửa' khi kiểm tra hóa đơn, trước đó đinh ninh nhà mình dùng ít điện vì thường xuyên đi học, đi làm. Tôi cũng tưởng 900.000 tiền điện trong tháng 3 là mức cao nhất phải trả, ai ngờ tháng 4 còn nhiều hơn...", chị An cười ngao ngán, nói với Tri thức - Znews.
Không riêng chị An, nhiều người dân TP.HCM đều ghi nhận tiền điện tăng vọt 40-50% mà nguyên nhân chính là nhu cầu tiêu thụ máy lạnh cao trong bối cảnh nắng nóng gay gắt kéo dài.
"Cắn răng"
Chị An cho biết mình và đứa con 9 tuổi không có mặt ở nhà trong khoảng 7-18h, từ thứ 2 đến thứ 6. Riêng chị An đi làm cả thứ 7. Chiều tối, hai mẹ con chỉ cắm cơm và bật quạt chứ không mở máy lạnh liên tục.
"Tôi chỉ dám mở máy lạnh 1-2 tiếng vào những hôm trời quá nóng, cùng lắm là 3-4 tiếng ngày chủ nhật, đồng thời tiết kiệm nước tối đa bằng cách giặt quần áo 1 lần/tuần. Vậy mà tiền điện gần 1,2 triệu đồng, tiền nước 200.000 đồng. Tổng chi phí phòng trọ rơi vào khoảng 3 triệu đồng. Có mẹ hỗ trợ một khoản tiền hàng tháng, tôi vẫn chật vật xoay xở với mức lương 6 triệu", chị An bộc bạch.
Chị để ý giá tiền một kWh điện phòng trọ đã tăng từ 3.000 đồng lên 4.500 đồng. Những người sống cạnh chị An cũng ít khi ở nhà, chỉ dùng quạt và nồi cơm điện nhưng tổng sản lượng điện dùng trong 30 ngày có thể rơi vào khoảng 100 kWh.
"Nếu đợt nắng nóng tiếp diễn thời gian tới, tôi e là mình không đủ khả năng chi trả tiền điện", người mẹ một con lo lắng.
Hiện tại, chị An "cắn răng" dùng máy lạnh để con không khóc, nổi rôm sảy hay đổ mồ hôi tay trong lúc làm bài tập. Phòng trọ nhỏ của hai mẹ con lại không có cửa sổ, mỗi lần nấu ăn là "không thở nổi". Do đó, chị chỉ còn cách cố "trụ" thời gian này, đồng thời dự tính chuyển chỗ ở với hy vọng chi phí sinh hoạt giảm phần nào.
Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), ngay từ những ngày đầu tháng 4, đơn vị này đã liên tục cảnh báo khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến do lượng điện năng tiêu thụ, tần suất sử dụng các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt... tăng cao.
Dù lường trước vấn đề trên, anh Tâm An (27 tuổi, ngụ quận 1) cho biết bản thân vẫn "xịt keo" khi nhận được thông báo tiền điện thực tế khoảng 1.515.000 đồng - gần gấp đôi so với tháng 2 (878.000 đồng) và tháng 3 (858.000 đồng).
Gia đình anh có bốn người với hai máy lạnh được dùng thường xuyên, thậm chí tăng lên ba máy lạnh vào cuối tuần. Cả nhà gần như không có lựa chọn nào khác khi nhiệt độ ban đêm của các ngày trong tháng 4 đều ở mức 29, 30 độ C.
"Chúng tôi quán triệt tư tưởng dùng tiết kiệm; máy lạnh luôn ở mức 27-29 độ C và được mở cố định từ 21h đến 5h sáng hôm sau. Nhưng việc sử dụng liên tục kết hợp cách tính 'bậc thang' đã đẩy chỉ số điện lên bậc 5, 6, kéo theo tiền điện tăng chóng mặt", anh An nói.
Tuy nhiên, cả gia đình vẫn xem đây là khoản cần chi, phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà TP.HCM đang trải qua.
Ngoài chấp nhận dùng máy lạnh, anh An áp dụng một số cách "hạ nhiệt" khác như treo thêm khăn lên cửa sổ phòng để hạn chế ánh nắng rọi trực tiếp, xịt nước vào rèm cửa, sân thượng hay hiên nhà...
Trong công việc, anh An từng từ chối làm diễn giả tại một sự kiện học đường diễn ra vào khung giờ 15h30-16h30 vì không được hỗ trợ khoản phí di chuyển bằng taxi.
"Việc di chuyển bằng xe máy từ 14h30 trên quãng đường 11 km sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng truyền tải; các em học sinh ngồi nghe trong điều kiện thời tiết này, kể cả có mái che, cũng rất khó tập trung", anh An thẳng thắn nói.
Xoay xở đủ cách
Những người sống một mình cũng không thoát khỏi cảnh tiền điện tăng cao, buộc tìm cách thích nghi với hoàn cảnh.
Về đến nhà, Hoài An (21 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) lập tức vớ lấy điều khiển điều hòa vì không chịu nổi thời tiết nắng nóng bên ngoài. Sống một mình trong căn hộ chung cư mini, cô cho biết tiền điện hai tháng nay đều gần 1 triệu - gấp 2, 3 lần mọi khi.
Theo An, nguyên nhân chính cho sự tăng vọt này là việc dùng máy lạnh từ trưa đến chiều ở mức 25, 26 độ C. Chưa kể, nữ sinh viên còn đổ tiền vào trà sữa, sâm lạnh để giải nhiệt; kem chống nắng giờ đây "hết sạch" trong vòng 1,5 tháng, thay vì 3 tháng như trước kia.
"Tôi vốn thích đi hóng gió, bỏ ra khoảng 15.000-20.000 đồng để ngồi cà phê ngoài trời 'chill chill', nhưng giờ thì đổi sang cà phê máy lạnh với mức giá trung bình 40.000-70.000 đồng. Tần suất đi cà phê của tôi không cố định, có thể rơi vào 3-4 ngày/tuần; mỗi ngày 'cắm' khoảng 3 giờ tại quán", An nói thêm.
Với thời tiết hiện tại, An cũng ưu tiên nhận công việc freelance từ xa để gia tăng thu nhập và có lẽ sẽ "từ chối yêu cầu lên chỗ làm thường xuyên".
Một trường hợp khác là anh Nam Kha (31 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cũng chứng kiến tiền điện nước "tăng nhẹ", từ 350.000-500.000 đồng lên gần 600.000 đồng.
"Tôi sống một mình và đi làm thường xuyên nên chỉ ở nhà vào chiều tối. Thời điểm đó, trời đã tắt nắng nhưng không khí vẫn oi nồng nên tôi chủ yếu dùng quạt, điều hòa. Các thiết bị như wifi, tủ lạnh… không tốn đáng kể; một số khác còn bị 'vô hiệu hóa' như máy nước nóng - nước chảy ra từ bồn chung của chung cư vốn nóng sẵn", anh cho biết.
So với mặt bằng chung, tiền điện nước nhà anh Kha đợt này không quá cao đến nỗi phải cắt giảm chi phí khác để bù vào, song anh cũng chủ động cân đối tài chính bằng cách tạo ra "quán cà phê tại gia".
"Thay vì đi cà phê ngoài giờ làm để trò chuyện với bạn bè, tìm cảm hứng sáng tạo…, tôi ghé siêu thị mua đầy đủ nguyên liệu pha chế các món nước mình thích, rồi tự làm tại nhà và rủ bạn bè tới chơi. Điều này vừa giúp tôi không phải chạy xe dưới trời nắng, vừa tiết kiệm tiền xăng xe, nước uống và thoải mái giờ giấc hơn. Đó cũng là cách để tôi xả stress và nạp năng lượng cho tuần mới", anh Kha bày tỏ.
Dẫu vậy, anh thừa nhận nắng nóng tác động đáng kể đến giờ giấc làm việc của mình. Do tính chất công việc linh hoạt, anh có thể làm từ xa hoặc đến công ty trễ và tan ca khuya. Giờ đây, anh phải đến công ty trước khi nắng lên để tránh kẹt xe, cháy da…, đồng thời chỉ về nhà sau khi Mặt Trời lặn.
Ngoài ra, việc giao tiếp với đồng nghiệp thời gian này ưu tiên hình thức online để mọi người không cần di chuyển giữa các nơi có nhiệt độ chênh lệch. Ngay cả bình nước hay dùng ở công ty cũng được anh Kha đổi từ cỡ nhỏ sang cỡ lớn nhằm hạn chế rót nước nhiều lần trong ngày.
Bước sang tháng 5, nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM xuất hiện những "cơn mưa vàng" phần nào xua tan oi bức, dù chưa phải dấu chấm hết cho đợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 2.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nền nhiệt tháng 5 có giảm so với tháng 4 nhưng còn ở mức cao, do đó Tổng công ty Điện lực TP.HCM đề nghị các hộ gia đình tiếp tục thực hiện giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt với thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt hơi nước…
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/te-ngua-khi-nhan-hoa-don-tien-dien-o-tphcm-post1473801.html