Tể tướng thứ ba triều Lê Sơ
Lê Ngân người xã Đàm Đi cùng hương Lam Sơn với Lê Lợi. Xã Đàm Đi thời kỳ chiến tranh Lê – Mạc, Tây Sơn – Nguyễn bị ly tán, xóa sổ, khoảng thế kỷ 18-19 nhiều làng thuộc hương Lam Sơn xưa mới khôi phục được. Nhưng không còn thấy địa danh Đàm Đi. Có lẽ Đàm Đi tục danh làng Đầm nay thuộc xã Xuân Thiên, Thọ Xuân. Lê Ngân là một võ tướng dưới cờ khởi nghĩa Lam Sơn.
Ngày 9 tháng Giêng Mậu Tuất (1418) tướng Minh là Mã Kỳ đem đại binh đánh vào căn cứ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi lúc ấy đã xưng Bình Định vương lui quân đóng ở Lạc Thủy thuộc huyện Cẩm Thủy (tên huyện do nhà Minh đặt) bố trí quân mai phục. Mã Kỳ đem quân tiến đánh với lực lượng hùng hậu. Quân phục xông ra đánh. Các tướng Lê Ngân, Lê Thạch, Đinh Bồ, Nguyễn Lý... dẫn quân hăng hái xông lên trước, tung hoành trong đám giặc, chém được hơn 3 nghìn thủ cấp, thu khá nhiều quân tư, khí giới.
Trận đầu thắng lớn, tướng sĩ nức lòng, nhưng Lê Lợi đoán chắc giặc Minh sẽ kéo đến với lực lượng đông đảo hơn để trả thù, quân ta liệu sức sẽ bị tổn thất nhiều nếu đương đầu với chúng, cần tránh mạnh, đánh yếu như binh pháp đã dạy. Vì thế, vương nhanh chóng lui binh về núi Chí Linh để bảo toàn lực lượng.
Năm 1424, sau thời gian quanh quẩn ở Thanh Hóa, lúc thắng, lúc thua, Lê Lợi nghe theo kế của tướng Nguyễn Chích (Vạn Lộc, Đông Sơn), đem toàn quân tiến thẳng vào Nghệ An. Trận đầu thắng lớn, quân ta chém tại trận đô tướng Trần Trung, giết hơn hai nghìn tên, bắt hơn trăm con ngựa. Tiếp theo nghĩa quân lại đại thắng ở thượng lưu sông Lam, quân giặc bị chém đầu và chết đuối tổng cộng hàng vạn tên. Lê Ngân và các chiến tướng dũng mãnh Đỗ Sát, Đinh Lễ, Phạm Vấn, Lưu Nhân Chú, Trương Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Khôi, Phạm Bôi, Nguyễn Văn An... tranh nhau lên trước phá trận, chém đầu giặc rụng như sung. Thuyền giặc bị vỡ đắm chắn ngang dòng nước, xác giặc chết đuối lấp sông, khí giới chúng vứt bỏ đầy núi. Nghĩa quân chém tướng Hoàng Thanh, bắt sống Đô ty Chu Kiệt cùng hàng nghìn tên giặc. Các tướng Minh đầu sỏ Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy thẳng một mạch về thành Nghệ An cố thủ.
Năm Ất Tỵ, tháng 7 (1425) Bình Định vương Lê Lợi biết rõ thành quân Minh đóng ở các xứ Thuận Hóa, Tân Bình lâu nay không thông tin tức với Nghệ An và Đông Đô (Hà Nội) bèn sai Trần Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem hơn một nghìn quân cùng voi chiến đi đánh các thành, đánh chiếm các châu phủ xứ Tân Bình, Thuận Hóa và thu phục Nhân dân. Đến sông Bố Chính, quân ta gặp quân Minh, bố trí trận địa mai phục, địch bị tan vỡ, chúng thua to. Tuy nhiên, quân chúng rất đông, lực lượng mạnh, quân ta ít, Trần Hãn, Lê Nỗ phải sai người chạy gấp về Nghệ An xin thêm quân, Lê Lợi liền sai Lê Ngân, Lê Bôi, Nguyễn Văn An đem 70 thuyền chiến vào thẳng Thuận Hóa (Huế, Quảng Nam). Vừa lúc được tin quân ta chiến thắng ở Bố Chính (Quảng Bình, Quảng Trị), Lê Ngân, Lê Bôi, Nguyễn Văn An lập tức đánh gấp lấy Tân Bình, Thuận Hóa. Quan và dân nơi đây trước theo giặc, nay đều quy phục Bình Định vương Lê Lợi. Nghĩa quân Lam Sơn và Nhân dân hai xứ Tân Bình, Thuận Hóa nhất trí suy tôn Lê Lợi làm “Đại thiên hành hóa”.
Năm 1426, tham tướng Minh là Trần Trí lo sợ thành Đông Quan trơ trọi có thể bị nguy hiểm, gọi các tướng Lý An, Phương Chính từ Nghệ An về cứu lấy chỗ căn bản, chỉ để Thái Phúc ở lại giữ thành (Nghệ An). Lê Lợi liền đem cả đại binh thủy bộ đi gấp đuổi theo bọn Lý An, Phương Chính, giao trách nhiệm vây đánh thành Nghệ An cho Lê Ngân cùng Nguyễn Văn An, Phạm Bôi, Lê Điền, Lê Lĩnh, Trần Văn Linh, Bùi Quốc Hưng.
Đô đốc Thái Phúc trấn giữ thành Nghệ An tức Lam Thành, là viên tướng lão luyện, có bản lĩnh, đã từng làm tướng chỉ huy trong đội quân xâm lược Đại Việt đánh bại nhà Hồ năm 1406-1407. Bọn tướng Minh là Trần Trí, Lý An, Phương Chính tin chắc Thái Phúc đủ sức giữ vững thành Nghệ An trong thời gian chúng cần tập trung lực lượng để đối phó nghĩa quân Lê Lợi vây đánh thành Đông Quan (tức Đông Đô). Nhưng Thái Phúc cũng đang bị Lê Ngân cùng các tướng chỉ huy nghĩa quân siết chặt vòng vây rất dữ. Thái Phúc chỉ chống đỡ được từ tháng 9 Bính Ngọ (1426) đến đầu tháng Giêng năm sau (1427) buộc phải mở cửa thành Nghệ An xin hàng. Tiếp theo, các thành trọng yếu Diễn Châu, cùng các thành khác do Chu Quảng, Vũ Toàn, Lỗ Quý, Lý Trung chỉ huy đều lần lượt trói tay, cúi đầu quy hàng nghĩa quân. Lê Ngân cùng các tướng đều đối xử tử tế với hàng binh giặc Minh.
Nhận được tin vui từ Nghệ An, Lê Lợi sai đem 15 chiếc thuyền đến đón tiếp các hàng tướng (theo sử nhà Minh Trung Quốc). Thế là Nghệ An hoàn toàn giải phóng, công Lê Ngân đứng đầu các tướng. Ông đem quân ra Bắc, yết kiến Lê Lợi ở Đông Kinh, cùng đại quân vây thành Đông Quan, diệt viện binh giặc Minh từ các nơi kéo đến.
Năm thứ nhất niên hiệu Thuận Thiên (1428), Lê Ngân được phong suy trung Tán trị Hiệp mưu công thần, Nhập nội Tư mã, tham dự triều chính. Năm thứ hai (1429) khắc biển công thần gồm 93 người, Lê Ngân đứng hàng thứ tư, sau Phạm Vấn, Đỗ Sát, Phạm Văn Xảo.
Đầu niên hiệu Thiệu Bình tức vua Thái tông, con trai Thái tổ, Lê Ngân làm Tư khấu Đô tổng quản hành quân ở Bắc Đạo, cùng phụ chính với Đỗ Sát phò giúp vua nhỏ Thái tông lúc ấy mới 13, 14 tuổi (Thái tổ mất năm 1433). Vua nhỏ thích chơi bời, nên hay bị Đỗ Sát lấy tư cách Phụ chính can ngăn khiến vua không thích muốn phế bỏ. Bản thân Đỗ Sát lại ghét người hiền, ghét kẻ hay nói thẳng, mưu thâu tóm quyền hành vào tay mình. Vua Thái tông dần dần lớn, ý thức vai trò đế vương lớn lao của mình nên cũng muốn tự tay quyết định tất cả. Cuối cùng Đỗ Sát rước họa vào thân.
Năm 1434 Lê Ngân làm Tư khấu Đô tổng quản hành quân ở Bắc Đạo, cùng Phụ chính với Đỗ Sát, Phạm Vấn giúp vua nhỏ. Trong chính sự, đặc biệt việc xét xử hình án, Lê Ngân thường bất đồng với Đỗ Sát. Điều này cũng có cái hay là buộc người nắm quyền sinh sát phải cân nhắc thận trọng (ví dụ vụ Nguyễn Đức Minh, vụ bảy tên ăn trộm tái phạm...). Mùa thu năm 1437 vua Thái tông bãi chức Đỗ Sát, cho Lê Ngân lên làm Thủ tướng, phong là Nhập nội Đại đô đốc... Thượng trụ quốc Huyện thượng hầu (tước hầu cao nhất). Bài chế văn vua Thái tông ban cho Lê Ngân viết:
“Trẫm nghĩ: Quyền giữ việc quân là quyền lớn nhất nước nhà, trách nhiệm tướng phủ phải chọn người tin cậy được. Phải có người hiền mới xứng chức trọng. Xét: Lê Ngân đây là khí thiêng của sông núi, là tài lớn của triều đình. Lúc trời đất tối tăm, đã biết có thánh nhân xuất hiện, khi giáo gươm ngang dọc đã biết vì thiên hạ tiên ưu. Đối với thù nước, chẳng đội trời chung, thấy dân đắm chìm coi như mình chung chịu. Gan trung dạ nghĩa mài chẳng mòn mà bôi cũng chẳng nhơ; đánh Đông dẹp Tây, tiến quân là thắng, đánh thành là hạ. Giữ tiết bền trong lúc nguy nan, từng nếm trải mọi mùi gian khổ. Khi bị vây ở Ai Lao thì đùi vế khinh thường giáo mác; khi hết lương ở Lương Sơn như cây tùng dạn với tuyết sương. Rồi thì quét sạch đàn ong ở Bồ Đằng, Khả Lưu, sau lại phá tan lũ kiến ở Nghệ An, Thuận Hóa. Trận đánh bên Tây Việt mấy chục năm, cây cỏ còn ghi; công khôi phục Đông Đô nghìn muôn thuở sử xanh còn chép. Giúp nên nghiệp lớn ngày nay là nhờ công lao đặc biệt. Trải những ngày tham dự việc nước, làm khuôn mẫu cho trăm quan; lại thăng lên coi giữ việc quân, bọn gian phi phải khiếp sợ. Sửa sang trong nước, chính sự được hòa; đánh dẹp ngoài biên, man di đều phục”.
“Mới đây hoàng thiên giáng họa, tiên đế chầu trời, người đã nhặt cung rơi ở Đình Hồ (nơi Hoàng đế chầu trời) thần chịu cố mệnh, ôm vừng hồng dưới vực thẳm đặt lên mây xanh, vậy nên phụ đạo chuyên cần. Nay ủy cho việc tâm phúc, sung vào súy phủ, lên đến ngôi cao. Để vỗ về trăm họ, yên nước, yên nhà, để cai quản trăm quan, nắm giữ then chốt”.
“Than ôi! Cho ngôi cao, cho lộc trọng, trẫm đã ủy người làm tướng văn tướng võ trong ngoài. Trên vì vua dưới vì dân, ngươi phải cáng đáng trách nhiệm an nguy của xã tắc”. (Theo bản dịch của Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục).
Vua Thái tông tiến phong con gái Lê Ngân là Lê Thị Nhật Lệ từ Chiêu Nghi lên làm Huệ Phi (một trong ba bậc phi). Tháng 11 năm ấy, hai người vợ lẽ của Lê Ngân vì ghen ghét địa vị thứ bậc trong nhà cáo giác Lê Ngân làm điện thờ Phật để bí mật cầu mong vua yêu. Vua ngự ra cửa Đông thành sai 50 võ sĩ do thái giám Đỗ Đại chỉ huy lục soát nhà Lê Ngân bắt được tượng phật và vàng bạc, lụa tấm các thứ. Hôm sau Lê Ngân vào chầu, trút mũ tạ tội, trình bày: Thần theo tiên đế, được ở vào nơi đất cũ, vốn xưa có ngôi chùa, thần phải thờ Phật để trấn áp ma quái. Nay hai người thiếp họ Nguyễn và họ Trần nguyên là vợ lẽ của Đỗ Sát, vì Đỗ Sát có tội bị bệ hạ tịch thu ban cho thần, hai người lỗi đạo vợ chồng thần không thể dung thứ nên đuổi đi, họ bèn kiếm chuyện thêu dệt để làm hại hạ thần.
Theo lệnh vua, Lê Ngân phải uống thuốc độc chết.
Lê Ngân làm Thủ tướng từ mùa thu đến mùa đông chỉ mới được mấy tháng. Bài chế văn khen ông hết lời chưa ráo mực!
Lê Ngân là một công thần khai quốc mà chết không đáng tội, nhiều người thương xót. Nhưng khi Lê Ngân bị khép tội tử hình, triều thần không ai dám can ngăn vì biết ý vua đã quyết.
Con trai Lê Ngân là Lê Nho Tông bị chìm đắm nơi quân ngũ, đến năm 1448 đời Lê Nhân tông mới được các quan tâu lên, vua minh oan cho làm đại đội trưởng Bảo ứng quân. Năm 1453, nhân kỳ đại xá, nhà vua cấp trả cho Nho Tông 100 mẫu ruộng. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Thánh tông truy tặng Lê Ngân Thái phó Hoằng quốc công và cháu là Lê Thế An được ấn phong Giả Hành đại phu.
Sau khi Lê Thái tổ mất đến đời vua Lê Thái tông chỉ mới ba bốn năm triều Lê thay đổi tới 3 Thủ tướng. Từ đó triều Lê bỏ hẳn chức này (1437).
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/te-tuong-thu-ba-trieu-le-so/133405.htm