Techcombank coi bảo hiểm là động lực tăng trưởng chiến lược

Với 2 mảng bảo hiểm phi nhân thọ TCGIns và bảo hiểm nhân thọ Techcom Life, lãnh đạo Techcombank xác định lĩnh vực này sẽ là động lực tăng trưởng chiến lược trong hệ sinh thái tài chính toàn diện của ngân hàng.

Techcombank ghi nhận doanh thu từ phí bảo hiểm tăng 18% sau 6 tháng đầu năm. Ảnh TCB

Techcombank ghi nhận doanh thu từ phí bảo hiểm tăng 18% sau 6 tháng đầu năm. Ảnh TCB

Doanh thu phí bảo hiểm Techcombank tăng 18% sau 6 tháng

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank, mã: TCB) diễn ra vào ngày 23/7, ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc khối ngân hàng doanh nghiệp và định chế tài chính cho rằng, Techcombank đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện, trong đó bảo hiểm là mảnh ghép chiến lược. Từ mô hình hợp tác, ngân hàng đã chuyển hướng sang chủ động nắm quyền kiểm soát bằng việc thành lập và sở hữu các công ty bảo hiểm riêng.

"Chúng tôi muốn nắm trọn trải nghiệm khách hàng, từ thiết kế sản phẩm bảo hiểm phù hợp từng phân khúc, đến tích hợp liền mạch vào hành trình số hóa và tài chính hằng ngày," ông Hưng chia sẻ.

Techcom Life – công ty bảo hiểm nhân thọ do ngân hàng sở hữu 80% vốn đã được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Đây là bước đi quan trọng sau khi Techcombank nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns) lên 68% hồi đầu năm.

Ông Hưng tin rằng bảo hiểm sẽ là động lực tăng trưởng mới, mang lại nguồn thu không chỉ trước mắt mà còn bền vững lâu dài, phù hợp với chiến lược hệ sinh thái của ngân hàng. Ông cũng chỉ ra rằng doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 1,2% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực (5–10%), cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn.

"Chúng tôi kỳ vọng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có thể tăng trưởng gấp 3,5 lần trong vòng 5 - 10 năm tới," ông Hưng nhấn mạnh.

Techcombank hiện nắm giữ 80% vốn tại Techcom Life và 68% tại TCGIns. Ảnh: TCB

Techcombank hiện nắm giữ 80% vốn tại Techcom Life và 68% tại TCGIns. Ảnh: TCB

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tại Techcombank đã lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn điều chỉnh.

Doanh thu từ phí bảo hiểm hiện đã phục hồi hoàn toàn về mức trước quý 2/2024 – thời điểm Techcombank chấm dứt hợp tác với Manulife Việt Nam. Tổng phí bảo hiểm hàng năm (APE) của ngân hàng hiện xếp thứ ba toàn thị trường.

Theo báo cáo, trong quý 2/2025, doanh thu từ phí bảo hiểm tại Techcombank tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt mức tăng 18%.

Củng cố lợi thế cạnh tranh từ hệ sinh thái bảo hiểm - ngân hàng

Khi được hỏi về tác động tài chính từ khoản đầu tư vào công ty bảo hiểm nhân thọ mới thành lập, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ Techcombank cho biết, ở giai đoạn đầu, khoản đầu tư này sẽ chưa tạo ra biến động lớn trên báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng.

"Lý do là trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng nền tảng, phát triển danh mục sản phẩm và định hướng tăng trưởng bền vững cho công ty bảo hiểm. Tuy chưa tác động ngay đến lợi nhuận hợp nhất, nhưng về dài hạn, tôi tin rằng lĩnh vực này sẽ đóng góp đáng kể," ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông, có hai lý do cốt lõi khiến Techcombank quyết định thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ riêng.

Thứ nhất, sau giai đoạn đầy biến động của ngành bảo hiểm trong năm 2023–2024, Techcombank nhận thấy thị trường đang chuyển mình và mở ra cơ hội tái cấu trúc sâu rộng. Nhìn vào các thị trường châu Á như Singapore, Thái Lan hay Indonesia, ngân hàng nhận thấy các quốc gia này đều từng trải qua chu kỳ phát triển nóng của bảo hiểm nhân thọ, sau đó là giai đoạn điều chỉnh, rồi mới bước vào thời kỳ tăng trưởng bền vững. Việt Nam hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh đó, và đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu một chiến lược dài hơi.

Hiện tại, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chủ yếu được phân phối qua các đại lý hoặc ngân hàng, trong khi chính các đơn vị bảo hiểm mới là bên chịu trách nhiệm về trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ và xử lý quyền lợi cho khách hàng. Với vai trò chỉ là kênh phân phối, ngân hàng sẽ bị giới hạn khả năng kiểm soát chất lượng trải nghiệm khách hàng.

"Chúng tôi hiểu rất rõ khách hàng của mình cần gì. Nhưng để mang đến một hành trình trọn vẹn từ sản phẩm đến dịch vụ hậu mãi, ngân hàng cần tham gia sâu hơn. Chính vì thế, Techcombank quyết định không chỉ dừng lại ở vai trò phân phối, mà tiến tới sở hữu và điều hành toàn bộ quy trình từ thiết kế sản phẩm đến chăm sóc sau bán," ông Tuấn lý giải.

Thứ hai, theo ông Tuấn, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện đang chín muồi để phát triển bảo hiểm nhân thọ. Với GDP bình quân đầu người khoảng 4.500 USD, Việt Nam đang tiệm cận ngưỡng mà ở đó, các thị trường như Trung Quốc và Indonesia từng chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu bảo hiểm khi thu nhập đạt mức 7.000–10.000 USD/người, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm tăng từ 3 đến 5 lần.

Dữ liệu hiện tại cho thấy tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,2–1,3% GDP – thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam đang sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, nhưng cũng sắp bước vào giai đoạn già hóa nhanh. Dự kiến đến năm 2037, sẽ có khoảng 20 triệu người dân trên 60 tuổi, mở ra nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bảo hiểm dài hạn và hưu trí.

"Chúng tôi có đủ dữ liệu, công nghệ và tầm nhìn để chủ động tạo ra giải pháp phù hợp với từng phân khúc khách hàng, đồng thời tích hợp sâu các dịch vụ bảo hiểm vào hệ sinh thái tài chính – điều mà trước đây, vai trò phân phối đơn thuần không thể làm được," ông Tuấn nói.

Ông cũng cho biết việc được Bộ Tài chính cấp phép thành lập Techcom Life, cùng với việc ngân hàng đã sở hữu phần lớn cổ phần tại công ty bảo hiểm phi nhân thọ TCGIns, đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng toàn diện của ngân hàng. Cụ thể, Techcombank hiện nắm giữ 80% vốn tại Techcom Life và 68% tại TCGIns.

"Chúng tôi tin rằng sở hữu trọn vẹn hai trụ cột là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, cộng hưởng cùng hệ sinh thái ngân hàng, sẽ giúp Techcombank tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn – không chỉ về doanh thu, mà còn về chất lượng trải nghiệm khách hàng và khả năng phát triển bền vững," ông Tuấn chia sẻ với nhà đầu tư.

Đồng thời, đại diện Techcombank cũng cho biết, với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, nền tảng công nghệ mạnh mẽ và sự hậu thuẫn vững chắc từ ngân hàng mẹ, ngân hàng kỳ vọng sẽ xây dựng được một hệ sinh thái tài chính toàn diện – nơi bảo hiểm trở thành một cấu phần quan trọng, không chỉ góp phần tăng trưởng lợi nhuận mà còn định hình lại chuẩn mực trải nghiệm của khách hàng trên thị trường.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/techcombank-coi-bao-hiem-la-dong-luc-tang-truong-chien-luoc-44137.html