Thế hệ 8X, 9X chắc hẳn không còn xa lạ gì với cụm từ " Teen code". Đặc biệt ở gian đoạn mà Yahoo Messenger thịnh hành nhất thì loại mật mã này cũng ở giai đoạn hoàng kim của mình.
Dành cho những ai chưa hiểu về ngôn ngữ Teen code được biết. Nó được định nghĩa là loại ký tự riêng của giới trẻ, được mã hóa bằng những quy ước do những người trẻ tự đặt ra và truyền cho nhau.
Nhiều người sử dụng Teen code để thể hiện bản sắc riêng và ngược lại, loại mật mã này giúp họ dễ dàng hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.
Bên cạnh đó, Teen code cũng là loại mật mã được giới trẻ ở tuổi "nổi loạn" cảm thấy tự do hơn trong ngôn ngữ và tránh sự nhòm ngó góc riêng tư của phụ huynh.
Ngược dòng lịch sử, Teen code lần đầu xuất hiện ở Việt Nam trước những năm 2000 dưới dạng mã hóa kí tự chữ thành con số. Tuy nhiên phải đến vài năm sau khi những chiếc điện thoại “cục gạch” được nhiều bạn trẻ sở hữu thì ngôn ngữ của giới trẻ này mới chính thức bước vào thời đại cực thịnh của mình. Đỉnh điểm của nó là giai đoạn các quán chat mọc lên như nấm sau mưa và Yahoo Messenger trở thành kênh "chat quốc dân".
Cũng giống như nhiều trào lưu khác, Teen code đạt thời gian cực thịnh thì cũng đến lúc hạ nhiệt, nhường sân cho các văn bản chuẩn mực.
Tới những năm 2012-2013 khi thế hệ Millennials dần trưởng thành dần chán nản với kiểu viết ngôn ngữ chẳng giống tiếng Việt nên Teen code cũng đi vào giai đoạn thoái trào.
Thời kỳ này lại tạo ra một xu hướng mới, là "cảnh sát chính tả". Đây là nhóm người tuân theo tất cả các quy tắc viết, đến mức trở thành kỹ tính và thường đi bắt lỗi chính tả, ngữ pháp của người khác. Thậm chí, trên mạng xã hội xuất hiện những tuyên ngôn như "Cãi nhau mà sai chính tả, lý lẽ cỡ nào cũng trở nên vô nghĩa".
Sau thời kì thoái trào, thời gian gần đây Teen code lại nhăm nhe "comeback" và người sử dụng chúng là thế hệ Gen Z với diện mạo hoàn toàn khác.
Teen code thời Gen Z được vận dụng bằng cách nói trại, nói ngọng hoặc cách phát âm của ngoại ngữ Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… để viết thành từ tiếng Việt thay vì quy ước con số, ký tự thành chữ như thế hệ tiền nhiệm.
Sự biến tấu từ ngữ của Gen Z khiến dân mạng chóng mặt khi tạo ra các từ mới không theo quy tắc gì như trước.
Bộ Teen code của Genz cũng giữ được đủ các yếu tố như người anh 2.0 của mình là thể hiện bản sắc riêng , hài hước, sáng tạo, độc nhất nhưng hơn ở điểm là không bị gò bó bởi nguyên tắc, tiêu chuẩn nào.
Mời quý độc giả xem video: GAME HACK NÃO: Dịch Teen Code khiến ai cũng choáng váng, lắc đầu - Nguồn: Schannel
Thiên Anh