Teen 'mờ ê mê' lớp học trải nghiệm Khí động học và Xe tự hành bám làn đường

Lớp học trải nghiệm 'Khí động học' và 'Xe tự hành bám làn đường' tại Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ khiến teen mê mẩn bởi những kiến thức thực tiễn và hoạt động tương tác thú vị, hấp dẫn.

Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ diễn ra vào ngày 18/5, do báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Teen thích thú với lớp học trải nghiệm "Khí động học"

Là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ, lớp học trải nghiệm "Khí động học" mang đến cho học sinh cơ hội khám phá cơ chế bay của máy bay thông qua hoạt động mô phỏng dòng khí chuyển động quanh cánh.

Tại đây, teen được tìm hiểu về nguyên lý tạo lực nâng, vai trò của thiết kế khí động và trực tiếp quan sát sự tương tác giữa dòng khí và vật thể. Đây là một lớp học thú vị dành cho những teen đam mê vật lý ứng dụng và mong muốn tìm hiểu về thế giới chuyển động trong tự nhiên.

Lớp học trải nghiệm thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh đam mê tìm hiểu về kỹ thuật hàng không - một ngành nghề tiềm năng trong những năm gần đây.

Lớp học trải nghiệm thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh đam mê tìm hiểu về kỹ thuật hàng không - một ngành nghề tiềm năng trong những năm gần đây.

Theo giảng viên Bùi Văn Tuấn (khoa Hàng không, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội), lớp học thử giúp học sinh hiểu cách định luật Bernoulli được ứng dụng trong ngành hàng không. Ví dụ, khi thả diều, ta cần tạo ra lực đủ lớn để thắng lực hấp dẫn và lực cản. Dựa trên định luật này, phần dưới của diều hay cánh máy bay được thiết kế cong và ngắn lại, giúp luồng khí phía trên di chuyển nhanh hơn phía dưới, tạo ra lực nâng giúp vật thể bay lên không trung.

Giảng viên Bùi Văn Tuấn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và giải đáp thắc mắc cho các học sinh.

Giảng viên Bùi Văn Tuấn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và giải đáp thắc mắc cho các học sinh.

Giảng viên Bùi Văn Tuấn chia sẻ thêm: "Tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, những sinh viên có trình độ tiếng Anh đạt tiêu chuẩn sẽ theo học chương trình cử nhân trong 3 năm. Bên cạnh việc học lý thuyết, trường đặc biệt chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng thực hành cho sinh viên kể từ năm nhất. Ngoài ra, sinh viên khoa Hàng không có cơ hội trải nghiệm thực tập tại nhiều công ty như: Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO), công ty Hàng không Hải Âu,... tạo ra một môi trường học tập kết hợp cả lý thuyết và thực tế, giúp ích nhiều cho công việc sau này".

Cô bạn Hoàng Mỹ Anh cảm thấy thích thú với lớp học trải nghiệm "Khí động học".

Cô bạn Hoàng Mỹ Anh cảm thấy thích thú với lớp học trải nghiệm "Khí động học".

Chia sẻ về trải nghiệm tham gia lớp học, bạn Hoàng Mỹ Anh (lớp 12 Sinh, THPT chuyên Đại học Sư phạm) cho hay: "Mình rất ấn tượng với lĩnh vực khí động học trong vật lý. Việc được trực tiếp thực hành thí nghiệm và lắng nghe chia sẻ từ các giảng viên là chuyên gia đầu ngành đã tiếp thêm động lực cho mình theo đuổi đam mê khoa học công nghệ. Buổi trải nghiệm cũng giúp mình có cái nhìn thực tế hơn về ngành học, môi trường đào tạo và định hướng tương lai".

Teen "mê tít" với lớp học trải nghiệm "Xe tự hành bám làn đường"

Lớp học trải nghiệm "Xe tự hành bám làn đường" giúp teen tìm hiểu các cảm biến cơ bản như IMU, camera, lidar, cách hoạt động của cơ cấu chấp hành và nguyên lý xử lý ảnh để nhận diện làn đường.

Thầy giáo hướng dẫn và chỉ dạy tỉ mỉ, giúp teen hiểu hơn về các cảm biến cơ bản.

Thầy giáo hướng dẫn và chỉ dạy tỉ mỉ, giúp teen hiểu hơn về các cảm biến cơ bản.

Đặc biệt, khi tham gia lớp học, teen có cơ hội trải nghiệm, thực hành trực tiếp thu thập dữ liệu, lập trình và triển khai mô hình xe tự hành chạy trên sa hình mô phỏng bài toán bám làn đường. Đây là một trải nghiệm lý tưởng cho những bạn trẻ yêu thích công nghệ, trí tuệ nhân tạo và điều khiển tự động.

Các bạn học sinh chăm chú quan sát và theo dõi thầy giáo hướng dẫn.

Các bạn học sinh chăm chú quan sát và theo dõi thầy giáo hướng dẫn.

Thông qua những kiến thức và hoạt động thực hành thú vị, teen phần nào hiểu hơn về về cách các cảm biến hoạt động, cách xử lý hình ảnh trong xe tự hành, cũng như vai trò quan trọng của lập trình và công nghệ điều khiển trong cuộc sống hiện đại. Đây cũng là cơ hội để teen khám phá sớm định hướng nghề nghiệp trong các ngành khoa học - công nghệ trong tương lai.

Hoài Lan - Ánh Dương

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/teen-mo-e-me-lop-hoc-trai-nghiem-khi-dong-hoc-va-xe-tu-hanh-bam-lan-duong-post1743370.tpo