Quân đội Mỹ đặt định danh chính thức cho trực thăng siêu dị V-280

Quân đội Mỹ đã đặt định danh chính thức MV-72 cho phiên bản trực thăng siêu dị V-280. Hiện dòng máy bay này đang được đẩy mạnh sản xuất để thay thế cho trực thăng UH-60.

Máy bay tấn công tầm xa tương lai (FLRAA) của quân đội Mỹ sẽ được đặt đinh danh là MV-75, hãng tin TWZ dẫn lời quân đội Mỹ cho biết hôm 14/5.

Năm 2022, quân đội Mỹ đã chọn trực thăng siêu dị V-280 thắng trong dự án FLRAA để thay thế dòng UH-60.

Về mặt chỉ định, “M” là viết tắt của “đa nhiệm vụ” và “V” ám chỉ thiết kế có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Việc sử dụng tiền tố “M” cho biến thể FLRAA cơ bản là điều thú vị vì các trực thăng vận tải của quân đội trước đây như Black Hawk và Chinook đều có chỉ định bắt đầu bằng “U” để chỉ tiện ích hoặc “C” để chỉ hàng hóa.

Chỉ định MV “đa nhiệm vụ” ở đây có thể, một phần, phản ánh các tính năng đặc biệt tích hợp sẵn cho yêu cầu của quân đội Mỹ.

Thông báo chính thức về tên gọi MV-75 cho FLRAA được đưa ra khi Quân đội đang tìm cách đẩy nhanh việc triển khai các máy bay trực thăng cánh quạt nghiêng này.

Mục tiêu đã nêu của quân đội là đưa MV-75 vào hoạt động vào năm 2030, nhưng gần đây đã nói rằng họ hiện đang cố gắng hướng tới khung thời gian năm 2028.

Sư đoàn Nhảy dù 101, đơn vị tấn công trên không hàng đầu của quân đội, được thiết lập để trở thành đơn vị đầu tiên nhận được MV-75.

Nếu quân đội đạt được mục tiêu, ít nhất là theo như thông báo hiện nay, những chiếc MV-75 đầu tiên có thể được chuyển giao trước khi thập kỷ này kết thúc.

Dòng trực thăng này được kỳ vọng sẽ thay đổi kế hoạch tác chiến truyền thống nhờ vào tốc độ, tầm bay và khả năng sống sót.

Sự xuất hiện sắp tới của trực thăng MV-75 đã dẫn đến một khái niệm mới về hoạt động tác chiến linh hoạt của quân đội Mỹ hay được biết tới với định danh L2A2.

Theo Thiếu tướng Brett Sylvia, L2A2 được định nghĩa là khả năng “chuyển một Lữ đoàn Chiến đấu di chuyển nhanh chóng 800 km đến sau phòng tuyến đối phương, từ đó có thể tiến hành các hoạt động chiến đấu kéo dài”.

Được biết MV-75 (Bell V-280 Valor) là ứng viên của chương trình trực thăng đa nhiệm do Lục quân Mỹ khởi xướng từ năm 2004.

Tham gia cuộc đua này có 4 hãng sản xuất trực thăng nổi tiếng gồm Bell Helicopter, Sikorsky, AVX Aircraft và Karem Aircraft.

Trong số những sản phẩm của chương trình này, V-280 Valor của hãng Bell Helicopter nổi lên với những tính năng độc đáo và thiết kế ấn tượng.

V-280 Valor có thiết kế đặc biệt với đuôi hình chữ V, cánh rộng bằng vật liệu carbon và thân bằng vật liệu tổng hợp. Máy bay có 2 cánh cửa rộng 1,8 m hai bên tạo thuận lợi cho việc chở quân hoặc bốc dỡ hàng hóa.

Theo Giám đốc các dự án quân sự của hãng Bell Helicopter Chris Gehler cho biết, các kỹ sư thiết kế V-280 dựa trên những tiêu chí thực dụng, độ tin cậy cao và giá thành rẻ.

V-280 còn dự định sử dụng các vật liệu composite để vừa có kết cấu vững chắc trong khi lại giảm được trọng lượng.

V-280 Valor đạt tốc độ tối đa khoảng 322 dặm một giờ (518,2 km/h), đây là tốc độ của một số phản lực cơ cánh bằng thông thường.

Có khả năng cất cánh thẳng đứng, bay nhanh như phản lực cơ cánh bằng, điều này giúp trực thăng đa nhiệm V-280 Valor có tính linh hoạt để thực hiện một số nhiệm vụ vốn bất khả thi với các trực thăng thông thường.

V-280 có hai phiên bản vận tải và tấn công với các thông số cơ bản: dài: 15.4 m; rộng: 24.93 m; cao: 7 m; trọng lượng rỗng: 15.000 kg; trọng lượng cực đại khi cất cánh: 26.000 kg.

Trực thăng sử dụng 2 động cơ tua-bin T64; cánh quạt: đường kính 11 m; tốc độ hành trình: 519 km/h; phạm vi tác chiến: 900 - 1.400 km

Trực thăng V-28 có kíp lái 4 người; có thể chuyên chở: 14 binh sỹ, hoặc 5,4 tấn hàng hóa.

Ngoài ra, tập đoàn Bell, phối hợp với tập đoàn Lockheed Martin và quân đội Mỹ đã trình diễn công nghệ nhìn xuyên trên trực thăng V-280 Valor.

Đây là lần đầu tiên công nghệ này được trang bị và thử nghiệm trên V-280, nó cho phép phi công quan sát toàn cảnh xung quanh máy bay.

Cảm biến mới được gọi là Hệ thống phân phối khẩu độ (DAS) do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo.

Hệ thống DAS vốn được phát triển và trang bị cho tiêm kích tàng hình F-35, nó được ví von là "mắt của Chúa" khi kết hợp với mũ bay tích hợp HMDS. Phiên bản trang bị cho máy bay V-280 được gọi là PDAS.

Hệ thống có 6 cảm biến được tích hợp vào thân máy bay V-280, trong đó 2 cảm biến ở phía trước, 2 ở phía sau, một cái trên lưng máy bay và một cái phía dưới bụng.

Mỗi cảm biến nặng khoảng 4,5 kg. Các cảm biến được kết nối với nhau thông qua bộ vi xử lý sử dụng thuật toán không gian mở, tạo ra bộ nhận thức tình huống 360 độ, từ hoa tiêu, cảnh báo tên lửa và điều hướng chiến thuật.

Hình ảnh thu được từ cảm biến bên ngoài có thể được hiển thị lên màn hình trong buồng lái, mũ bay tích hợp của phi công, hoặc máy tính bảng của binh sĩ đi cùng.

Ngoài ra, V-280 sẽ sử dụng một số thành phần cảm biến phát hiện và nhắm mục tiêu của trực thăng tấn công AH-64 Apache.

Tập đoàn Bell đang áp dụng các kỹ thuật che chắn hồng ngoại, thiết kế khí động học độc đáo giúp trực thăng V-280 khó bị kẻ thù phát hiện hơn.

Bell kỳ vọng mỗi chiếc V-280 Valor sẽ có chi phí sản xuất tương đương với các mẫu máy bay như Boeing AH-64E Apache Guardian hay Sikorsky MH-60M Black Hawk.

Việt Hùng

Theo TWZ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quan-doi-my-dat-dinh-danh-chinh-thuc-cho-truc-thang-sieu-di-v-280-post612076.antd