Telegram có gì mà khiến tỷ phú sáng lập bị bắt?

Sở hữu tiềm năng để trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến nhất, tuy nhiên Telegram cũng đồng thời là nền tảng bị lợi dụng để tuyên truyền những hành động cực đoan.

Ra mắt vào năm 2013, Telegram hiện là một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới.

Là một người ủng hộ quyền tự do ngôn luận, Pavel Durov, người còn được ví là Mark Zuckerberg của nước Nga, cùng với anh trai mình đã thành lập Telegram như một “công cụ riêng tư” để cặp đôi này liên lạc khi không có ứng dụng nhắn tin an toàn nào khác.

Tuy nhiên, cũng chính lý tưởng này đã khiến Durov bị tạm giữ với cáo buộc Telegram tiếp tay cho các hành vi phạm tội do không có đủ người kiểm duyệt.

"Thiên đường" cho tội phạm cực đoan

Telegram sử dụng biện pháp mã hóa đầu cuối giống như WhatsApp và Signal.

Loại mã hóa này chuyển đổi tin nhắn thành mật mã mà không cần sự trợ giúp của máy chủ ở giữa, khiến nó gần như không thể truy cập vào giao tiếp giữa hai người dùng khi không có sự đồng ý của họ.

Tuy nhiên, khác với WhatsApp, Telegram sử dụng giao thức bảo mật của riêng họ được gọi là MTProto. Hiện có rất nhiều tranh luận xung quanh hệ thống này.

"Không ai biết cách nó hoạt động, và rất nhiều phân tích an ninh đã chỉ ra rằng nó không an toàn như nhiều người nghĩ", Giáo sư Alan Woodward, chuyên gia bảo mật tại đại học Surrey (Anh) nhận định.

Khác với những nền tảng như X, TikTok hoặc Facebook, nội dung trên Telegram không được phân phối đến người dùng dựa trên lịch sử tương tác.

 Minh họa về giao thức bảo mật của Telegram. Ảnh: Telegram API.

Minh họa về giao thức bảo mật của Telegram. Ảnh: Telegram API.

Tuy nhiên, những lời nói thù địch và thông tin sai lệch vẫn có thể lan truyền dễ dàng trên ứng dụng này. Theo Bloomberg, lý do cho điều này là người dùng có thể đăng chéo nội dung của họ từ kênh này sang kênh khác.

Ví dụ, người dùng theo dõi một kênh ủng hộ Donald Trump có thể bị những người theo thuyết âm mưu nhắm đến bằng cách đăng liên kết đến kênh của họ với nội dung chính trị hung hăng hơn.

Nếu người dùng nhấp vào những liên kết đó, họ có thể thấy mình đang tương tác với những người dùng chia sẻ những câu chuyện cực đoan hơn.

Cách tiếp cận này đã giúp thúc đẩy tăng trưởng của Telegram. Từ việc tập trung vào tính bảo mật khi trò chuyện, mỗi năm, nền tảng này bổ sung cả chục tính năng mới, bao gồm giao diện có thể tùy chỉnh, công cụ chia sẻ tệp lớn.

Mỗi nhóm trong Telegram có thể chứa tới 200.000 thành viên. Các kênh phát tin nhắn một chiều của ứng dụng này cũng không giới hạn số lượng thuê bao.

Kể từ khi thành lập, Pavel Durov đã biến Telegram trở thành một giải pháp thay thế cho các nền tảng thuộc Big Tech.

Nói cách khác, Telegram là một nền tảng không thể bị chính phủ can thiệp, một nơi "trú ẩn" an toàn cho những công dân ở các khu vực có chế độ kiểm duyệt gắt gao như Belarus, Iran.

Đây cũng chính là cách mà các nhóm cực hữu có ý định gây rối sau vụ tấn công bằng dao ở Southport vào tuần trước khiến 3 bé gái tử vong, 8 trẻ và 2 người lớn bị thương.

Nghi phạm, Axel Rudakubana, sinh ra tại Anh. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau vụ tấn công, thông tin sai lệch về danh tính nghi phạm, như Rudakubana là người di cư không giấy tờ, đã lan truyền nhanh chóng trên mạng. Các nhà hoạt động cực hữu đã dùng Telegram kêu gọi công chúng xuống đường.

 Telegram được cho là công cụ chính giúp các nhóm cực đoan chống Hồi giáo và tân phát xít kích động tình trạng bạo lực ở Anh. Ảnh: Gary Calton/The Observer.

Telegram được cho là công cụ chính giúp các nhóm cực đoan chống Hồi giáo và tân phát xít kích động tình trạng bạo lực ở Anh. Ảnh: Gary Calton/The Observer.

Theo một tổ chức nghiên cứu chống chủ nghĩa cực đoan có trụ sở tại London, Anh, đã có tới 16 kênh và nhóm Telegram "tích cực đăng, lưu trữ và chuyển tiếp nội dung chống người Hồi giáo và chống người nhập cư liên quan đến các cuộc bạo loạn”.

Bên cạnh đó, báo cáo còn phát hiện thêm 6 kênh Telegram được tạo để phản ứng trực tiếp với cuộc bạo loạn đã bị xóa khỏi nền tảng này vào ngày 5 và 6/8.

Thay đổi hay sụp đổ?

Trong cuộc phỏng vấn với TechCrunch vào năm 2015, Pavel Durov thậm chí còn thừa nhận ông biết IS sử dụng ứng dụng của họ, nhưng vẫn bày tỏ nền tảng này không dính líu đến các hoạt động khủng bố.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính những ứng dụng như Telegram đang làm cuộc chiến chống khủng bố dường như khó hơn trên không gian mạng.

Trong khi có những bộ luật về việc cải tạo những tên khủng bố, việc uốn nắn tư tưởng của họ khó hơn khi các ứng dụng chat như Telegram được những kẻ cực đoan dùng để liên lạc.

Có hàng trăm nhóm như vậy trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt ở Malaysia, Indonesia và Philippines.

Chính quyền phương Tây thực tế đã rất quan tâm đến chính sách quyền riêng tư của Telegram. Trước Telegram, các cơ quan thực thi pháp luật đã thực hiện nhiều biện pháp để thuyết phục Meta - chủ sở hữu của Facebook, WhatsApp để giúp họ xác định người dùng tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp.

 Kênh Telegram của Lữ đoàn al-Qassam, cánh vũ trang của phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza thu hút hơn 500.000 người dùng. Ảnh: The Times.

Kênh Telegram của Lữ đoàn al-Qassam, cánh vũ trang của phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza thu hút hơn 500.000 người dùng. Ảnh: The Times.

Với Telegram, mọi chuyện khó khăn hơn nhiều khi mạng xã hội này có trụ sở chính tại Dubai. Đây là yếu tố then chốt giúp Telegram có thể thoát khỏi phần lớn sự giám sát theo quy định và các yêu cầu thủ tục pháp lý, vốn là thứ đã gây khó khăn cho các nền tảng tương tự ở Thung lũng Silicon trong những năm gần đây.

“Ở Dubai, chính phủ không làm phiền chúng tôi", Durov nói với Financial Times.

Từ một ứng dụng hoạt động với chỉ khoảng 50 nhân viên trong giai đoạn đầu tiên, chỉ trong vài năm trở lại đây, Telegram đã vươn lên trở thành ứng dụng trò chuyện phổ biến nhất thế giới.

Mặc dù vậy, việc kiểm duyệt lỏng lẻo - thứ làm nên "thương hiệu" của Telegram lại đang khiến nhà sáng lập nền tảng trả giá sau khi bị bắt tại sân bay Bourget ngoại ô Paris vào tối 24/8.

Các cuộc điều tra đối với Durov tập trung vào việc thiếu người kiểm duyệt trên Telegram, và cảnh sát cho rằng tình trạng này cho phép các hoạt động tội phạm thoải mái được triển khai trên ứng dụng nhắn tin.

Dự kiến, phiên tòa được tổ chức vào ngày 25/8 và Durov có thể đối mặt án tù đến 20 năm.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/telegram-co-gi-ma-khien-ty-phu-sang-lap-bi-bat-post1494002.html