Thành phố Vinh - thủ phủ tỉnh Nghệ An - là một trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu ở khu vực Bắc Trung Bộ. Về mặt danh xưng, đây là thành phố có tên gọi ngắn thứ hai Việt Nam (sau thành phố Huế). Vậy tên gọi thành phố Vinh bắt nguồn từ đâu? Ảnh: Thành phố Vinh nhìn từ núi Quyết.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thuở xa xưa, thành phố Vinh thuộc vùng đất nằm ở bờ Bắc, gần hạ nguồn sông Lam, được dân gian gọi là Kẻ Vang hoặc Kẻ Vịnh. Vào thời hậu Lê, nơi đây được gọi là trấn Vinh Doanh, có thôn Vĩnh Yên, Yên Vinh, và chợ Vĩnh. Ảnh: Sông Lam ở Vinh.
Từ các các địa danh kể trên, theo thời gian, người dân rút gọn lại còn một từ, tạo thành tên gọi“Vinh” hay "Vĩnh” cho toàn khu vực. Ảnh: Đền thờ hoàng đế Quang Trung ở núi Quyết, thành phố Vinh.
Theo cuốn Sổ tay địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh thì cái tên Vinh đã ra đời từ một sự kiện cụ thể. Đó vào thời thuộc địa, năm 1897, Tòa Công sứ Pháp được xây dựng phía Tây thành Nghệ An. Ảnh: Di tích thành cổ Nghệ An ở Vinh.
Vì Tòa Công sứ Pháp đóng ở địa phận thôn Yên Vinh nên về sau tên gọi Vinh dần dần thay thế cho tên gọi cũ là Vĩnh (hay Vịnh, theo cách phát âm ở xứ Nghệ). Ảnh: Chùa Cần Linh (chùa Sư Nữ) ở Vinh.
Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập thị xã Vinh, được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y một năm sau đó. Kể từ thời điểm này, một đô thị tên là “Vinh” chính thức xuất hiện trên bản đồ hành chính Việt Nam. Ảnh: Sông Lam nhìn từ núi Quyết.
Đến năm 1927, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp nhất thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy (thành lập năm 1914) và thị xã Trường Thi (thành lập năm 1917) thành thành phố Vinh - Bến Thủy. Nghị định này đã xác lập ranh giới thành phố Vinh hiện đại. Ảnh: Tượng đài Công nông Xô-viết Trường Thi ở Ngã ba Bến Thủy, Vinh.
Khi đất nước độc lập năm 1945, Vinh trở thành thị xã tỉnh lị của tỉnh Nghệ An. Đến ngày 28/12/1961, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 32 về việc thành lập thành phố Vinh. Ảnh: Quảng trường Hồ Chí Minh ở thành phố Vinh.
Ngày nay, thành phố Vinh thu hút du khách gần xa nhờ các địa điểm tham quan đặc sắc như đền thờ hoàng đế Quang Trung trên núi Quyết, Quảng trường Hồ Chí Minh, du thuyển sông Lam... cùng các đặc sản nổi tiếng như lươn, kẹo cu đơ... Ảnh: Cháo lươn ở Vinh.
Mời quý độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa | VTV Travel.
Quốc Lê