Tên làng ven biển gắn với sự tích về Thành hoàng làng
Vốn là làng biển, vì thế làng Triều, hay còn gọi là làng Triều Dương (nay thuộc phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) nổi tiếng với nghề xăm súc (đan lưới). Điều đặc biệt ở đây là tên làng cũng chính là tên Thành hoàng làng.
Sách “Địa chí thành phố Sầm Sơn” ghi rất rõ: Triều Dương là làng biển nhưng người dân không sống bằng nghề chài lưới như các làng Giữa, làng Trấp, làng Hới... Họ chuyên đan lưới, dệt súc để cung cấp cho ngư dân đi thuyền, đi mảng. Từ nghề đan lưới họ phát triển thêm nghề dệt lương, the, nhiễu, lĩnh... thành thương hiệu “the, lĩnh làng Triều” được ưa chuộng nhiều nơi. Phải nói rằng, có một thời kỳ “súc làng Triều” nổi tiếng miền Bắc, với loại kỹ thuật dệt không đâu có. Để có được chiếc lưới đánh bắt hải sản nhỏ yêu cầu kỹ thuật dệt cao hơn nhiều. Bởi thế mà người làng Triều rất giữ bí mật kỹ thuật dệt súc. Họ có quy ước nghiêm ngặt cấm truyền bá ra ngoài. Thông thường chỉ con trai trong làng mới được truyền nghề. Con gái những ai không có chồng hoặc lấy chồng trong làng thì không cấm học nghề.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, thuở xa xưa Sầm Sơn vốn là vùng đất hoang vu nơi đầu sóng ngọn gió. Con người mưu sinh chỉ có thể dựa vào thiên nhiên. Lúc bấy giờ, làng nghèo bên bờ biển Gầm Sơn (Sầm Sơn) bỗng xuất hiện một bà lão ăn xin nghèo khó. Trước đấy, bà đi đến đâu cũng bị xa lánh bởi sự già nua, đói khổ của mình. Tuy nhiên, khi đến làng chài nghèo bên bờ sóng vỗ, bà lão ăn xin lại được một cô gái mồ côi có tấm lòng nhân hậu giúp đỡ, nhường cơm sẻ áo, đêm xuống cho ngủ nhờ trong túp lều tranh. Cảm động trước tấm lòng thương người của cô gái mồ côi, bà lão ăn xin đã ở lại để bà cháu cùng nhau nương tựa.
Sống cùng cô gái mồ côi, bà lão dạy cô kéo sợi, đan lưới, dệt vải, dệt xăm súc (một loại ngư cụ) đem bán cho ngư dân. Những tấm lưới, xăm súc do bà lão ăn xin và cô gái mồ côi đan, dệt khi ra khơi đều bắt được rất nhiều tôm cá, nên sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đấy. Vì thế mà cuộc sống của hai bà cháu mỗi ngày thêm no đủ. Tiếng lành đồn xa, phụ nữ trong vùng rủ nhau đến nơi ở của cô gái mồ côi xin bà lão dạy cho nghề dệt xăm súc.
Khi nghề đan lưới, dệt xăm súc ở Sầm Sơn hình thành, phát triển mang đến cuộc sống no đủ cho người dân biển thì vào một ngày trời âm u, khi nước triều dâng, người ta thấy bà lão ăn xin năm xưa hóa thân mình vào trong sóng nước. Bà lão đến và đi đều vô cùng kỳ lạ. Không ai biết tên bà, người ta gọi là bà Triều, vừa để nhắc nhớ buổi triều dâng bà ra đi; vừa thể hiện ý nghĩa, bà đã hóa thân vào không gian biển, mãi mãi bất tử để luôn dõi theo và phù trợ, giúp đỡ cho người dân. Tên bà được đặt cho cả vùng Triều Dương rộng lớn ven biển, nay thuộc hai phường Trung Sơn và Quảng Cư của TP Sầm Sơn.
Nhờ có nghề dệt súc mà người dân làng Triều xưa ổn định cuộc sống giải quyết việc làm cho không ít lao động nghề biển. Về sau khoảng những năm 50 của thế kỷ XX, kỹ thuật dệt súc làng Triều mới được lưu truyền rộng rãi. Một phần bởi cuộc sống hiện đại, người thuyền chài ưa chuộng lưới công nghiệp vì giá thành rẻ, độ bền cao. Nghề dệt xăm súc dần mai một, những người thợ thủ công mất việc làm hoặc bỏ việc đi kiếm nghề khác.
Song, người dân vùng Triều Dương thì luôn nhớ công lao của bà. Vì thế mà đến nay ở trên địa bàn TP Sầm Sơn có 3 đền gồm: đền thờ Kỳ Phúc, đền thờ Bà Triều (phường Quảng Cư) và đền Bà Triều (phường Trung Sơn).
Giới thiệu với chúng tôi về làng Triều, nay là khu phố Tiến Lợi (phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn), ông Nguyễn Văn Chiến, trưởng khu phố, cho biết: Nằm trên đất bãi bồi ven biển, đền Kỳ Phúc, nơi thờ bà Triều được dựng trên một gò đất nổi trước mặt là biển. Vì nằm trong vùng đất trũng thấp lại thường xuyên phải gánh chịu những đợt thiên tai bão lũ nên ngôi đền đã bị hư hỏng nặng. Bà Triều không chỉ là tổ sư của nghề dệt săm xúc mà còn là thần bảo hộ cho những chuyến ra khơi, vào lộng.
Theo thời gian, những cuộc xâm thực của thần biển đã lấy đi diện tích đất canh tác ít ỏi của dân làng. Tuy nhiên, nhờ có sự phù trợ của bà mà người dân làng vẫn làm ăn sinh sống ổn định.
“Dù đến nay, có nhiều tư liệu khác nhau khẳng định đền chính thờ bà Triều. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nếu đền Kỳ Phúc không phải là nơi chính thì không thể cứ đến ngày lễ hội, mùng 10 tháng 2 âm lịch hằng năm, tất cả đồng gia bản hội đều rước kiệu về đây tế bà”, ông Phạm Văn Quang, ban quản lý đền Kỳ Phúc cho biết. Tại đền thờ vẫn còn bộ khung dệt xăm súc của bà. Cũng vì thế mà vào ngày lễ hội, trong khi các cụ ông, cụ bà mặc áo dài, đầu đội khăn xếp đến đền lễ dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của bà thì ở sân đền vẫn tổ chức thi dệt nhiễu để dâng bà.
Khu phố Tiến Lợi có 1.199 nhân khẩu với 280 hộ. Đất ở và sản xuất ít vì thế các hộ gia đình sống khá chật chội. Lại thêm xa vùng du lịch, dân sống hoàn toàn nhờ biển cả. Những năm gần đây, nghề biển khó khăn hơn trước, chi phí tàu thuyền lớn, nên đời sống bà con khá chật vật.
“Cũng chính vì điều kiện kinh tế của dân làng còn khó khăn mà đền Kỳ Phúc - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1999, nhưng thiếu nhiều hạng mục và khá nhỏ bé", ông Phạm Văn Quang cho biết.