Tên lửa chống tăng tầm xa nhất thế giới Hermes của Nga mặc dù nhận rất nhiều kỳ vọng như nó vẫn chưa xuất hiện trên chiến trường Ukraine, điều này gây ra rất nhiều thắc mắc cần giải đáp.
Hermes là tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) tầm xa thế hệ mới nhất của Nga, chỉ vừa mới được chấp nhận đưa vào thành phần chiến đấu cách đây ít lâu. Ngoài tiêu diệt xe tăng, vũ khí này thậm chí có thể sử dụng để chống lại máy bay và tàu thuyền cỡ nhỏ.
Cơ chế hoạt động của Hermes như sau: radar hoặc máy bay không người lái sẽ sục sạo, tìm kiếm mục tiêu. Sau đó tên lửa được phóng đi với tốc độ 1.300 m/s, bay đến khu vực đã định và tự tìm kiếm đối tượng tấn công ở đó.
Khi xác định được tọa độ của mục tiêu và vector chuyển động (đối với trực thăng còn thêm cả độ cao), tên lửa Hermes ngóc lên cao, sau đó bổ nhào thẳng đứng xuống, không để cho mục tiêu có cơ hội trốn thoát.
Uy lực của phần chiến đấu phá mảnh có trọng lượng 30 kg thuốc nổ mạnh TNT, cộng thêm động năng làm nó tương đương một quả bom nặng 250 kg trút xuống đầu đối phương.
Hermes hoạt động bất kể ngày đêm. Xạ thủ chỉ cần phát hiện mục tiêu, ra chỉ thị bám bắt, sau đó nhấn nút phóng rồi "quên".
Ngoài phiên bản Hermes lắp trên xe bánh lốp dành cho lục quân còn có biến thể Hermes-A để trang bị cho cường kích và trực thăng; Hermes-K lắp trên các tàu/xuồng nhỏ và cả Hermes-S là biến thể cố định dùng để phòng thủ bờ biển.
Nhờ sự tương đồng với bệ phóng và cơ chế dẫn đường của Pantsir-S1, Nga thậm chí còn lên kế hoạch tích hợp Hermes vào hệ thống phòng không nói trên để tạo ra một tổ hợp vũ khí đa năng tương tự IM-Shorad của Mỹ.
Việc tên lửa Hermes chưa tham gia chiến trường Ukraine đã được một số chuyên gia quân sự trong và ngoài nước Nga cố gắng tìm lời giải đáp, họ đã đưa ra một số quan điểm của riêng mình.
Luồng ý kiến đầu tiên cho rằng tên lửa Hermes chưa hoàn thiện hết tính năng, những nguyên mẫu trưng bày tại các cuộc triển lãm vũ khí chỉ là mô hình kích thước thật và chưa đạt được tính năng kỹ chiến thuật như quảng cáo của Nga.
Nhưng bên cạnh đó cũng có nhận xét cho rằng tên lửa Hermes đã hoàn thiện, tuy nhiên nó mới chỉ được sản xuất trong vài nguyên mẫu phục vụ trưng bày, chưa biên chế cho các đơn vị tác chiến và binh sĩ cũng chưa được huấn luyện làm chủ vũ khí.
Giá thành của tên lửa Hermes cũng bị xem là một trở ngại, nó sử dụng phương thức dẫn đường tương tự như đạn pháo có điều khiển Krasnopol, vì vậy quân Nga vẫn dành ưu tiên cho hệ thống vũ khí đã quen thuộc và dễ triển khai hơn.
Mặc dù vậy, dưới áp lực của chiến trường, Nga nhiều khả năng sẽ sử dụng những cuộc giao tranh tại Ukraine để thử nghiệm tính năng loại tên lửa chống tăng tầm xa của mình, tương tự điều mà họ làm tại Syria.
Trước tình hình trên, sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài ngày tới tên lửa Hermes được báo cáo đã tham chiến, thành công của "dao găm" Kh-47M2 Kinzhal có thể sẽ là chất xúc tác để Nga cho loại ATGM tầm xa của mình "thử lửa".
Việt Dũng