Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Trident thất bại được thực hiện từ tàu ngầm hạt nhân HMS Vanguard, đúng vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps có mặt.
Được biết, tên lửa đã khởi động bình thường, nhưng sau khi rời mặt nước thì xảy ra sự cố, rơi tại chỗ.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, năng lực răn đe hạt nhân vẫn "an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả" nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết vì lý do an ninh quốc gia.
Mặc dù vậy, tiếng nói từ những đảng đối lập cho rằng những vụ phóng thử thất bại liên tiếp đối với dòng ICBM chủ lực của nước này là một tín hiệu đáng báo động
Cuộc thử nghiệm gần đây nhất được thực hiện vào năm 2016 đã kết thúc trong thất bại sau khi tên lửa đạn đạo Trident 2 D5 đi chệch hướng ban đầu ở ngoài khơi bờ biển Florida.
Trident do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, nó được coi là một trong những tên lửa hạt nhân tầm xa tiên tiến nhất thế giới trang bị cho tàu ngầm chiến lược.
Các phiên bản của loại ICBM này có tầm hoạt động tối đa từ 6.437 km đến 11.265 km và hệ thống dẫn đường của nó sử dụng kết hợp giữa cơ chế quán tính và tham chiếu qua định vị vệ tinh.
Tên lửa Trident II D5 đã tiến hành 167 lần phóng thử thành công kể từ khi thiết kế hoàn thành vào năm 1989. Đây là kỷ lục chưa từng có tên lửa đạn đạo cỡ lớn hay phương tiện phóng vũ trụ nào sánh kịp.
Trong khi đó tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo HMS Vanguard - soái hạm của dòng "V", bao gồm 4 chiếc đã được chế tạo, chính thức vào biên chế từ năm 1993.
Ngày nay do sự phức tạp về kỹ thuật và số lượng nhân viên kỹ thuật chuyên môn cao không đủ nên chỉ có một tàu ngầm hạt nhân được sử dụng để tuần tra các đại dương trên thế giới.
Cách đây ít lâu, sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi một tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Anh cùng thủy thủ đoàn 140 người suýt bị chìm trong một sự cố liên quan đến việc hỏng máy đo độ sâu.
Theo tiết lộ từ ấn phẩm The Sun, chiếc tàu ngầm lớp Vanguard đã rơi xuống độ sâu cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.Vụ việc xảy ra ngay sau khi con tàu rời căn cứ.
Máy đo độ sâu - một thiết bị quan trọng theo dõi quá trình lặn của tàu ngầm, đã ngừng hoạt động. Hậu quả của sự cố là chiếc chiến hạm vô tình đi xuống độ sâu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc của nó và sự an toàn đối với thủy thủ đoàn.
May mắn thay, kíp điều khiển đã kịp thời phát hiện sự cố và điều chỉnh vị trí của tàu ngầm, ngăn ngừa khả năng xảy ra tai nạn. Vụ việc làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về sự an toàn của hạm đội tàu ngầm Anh và tình trạng của các thiết bị đi kèm.
Hải quân Hoàng gia Anh sau đó mặc dù không đưa ra bình luận chính thức về vụ việc, tuy nhiên theo nguồn tin của tờ The Sun, một cuộc điều tra kỹ lưỡng đã được tiến hành.
Hiện nay Hải quân Anh đã có tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Dreadnaugt mới được chế tạo và sẽ biên chế đủ theo số lượng dự tính vào năm 2028, do vậy thời hạn phục vụ của những chiếc Vanguard dự báo không còn nhiều.