Tên lửa Falcon 9 bị đình chỉ sau khi sự cố làm hỏng hàng loạt vệ tinh Starlink

Ngày 12/7, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã bị Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh cấm bay sau khi một tên lửa vỡ ra trong không gian và làm hỏng toàn bộ vệ tinh Starlink mà nó mang theo.

Khoảng một giờ sau khi Falcon 9 cất cánh từ Căn cứ Không gian Vandenberg ở California vào đêm 11/7, tầng thứ hai của tên lửa đã không thể tái khởi động và triển khai 20 vệ tinh Starlink vào quỹ đạo thấp hơn kế hoạch, khiến chúng xâm nhập trở lại bầu khí quyển của Trái đất và bốc cháy.

 Falcon 9 của SpaceX phóng vệ tinh lên quỹ đạo trong không gian sau khi cất cánh từ Căn cứ Không gian Vandenberg ở California, Mỹ. Ảnh: SpaceX

Falcon 9 của SpaceX phóng vệ tinh lên quỹ đạo trong không gian sau khi cất cánh từ Căn cứ Không gian Vandenberg ở California, Mỹ. Ảnh: SpaceX

Nỗ lực tái khởi động động cơ "đã gây ra hiện tượng RUD động cơ mà hiện chưa rõ lý do", CEO của SpaceX Elon Musk viết trên mạng xã hội X vào sáng 12/7. RUD (Rapid Unscheduled Disassembly) là thuật ngữ trong ngành công nghiệp vũ trụ thường có nghĩa là phát nổ.

Falcon 9 sẽ bị đình chỉ cho đến khi SpaceX điều tra nguyên nhân sự cố, sửa chữa tên lửa và nhận được sự chấp thuận của FAA. Quá trình đó có thể mất vài tuần hoặc vài tháng, tùy vào mức độ phức tạp của sự cố và kế hoạch khắc phục của SpaceX.

Sự cố xảy ra trong sứ mệnh thứ 354 của Falcon 9. Đây là lần đầu tiên Falcon 9 thất bại kể từ năm 2016, khi một tên lửa phát nổ trên bệ phóng ở Florida.

Nhiều quốc gia và công ty vũ trụ dựa vào SpaceX để đưa vệ tinh và phi hành gia của họ vào không gian. Việc tên lửa bị đình chỉ hoạt động có thể ảnh hưởng đến các nhiệm vụ tiếp theo của khách hàng SpaceX.

Thất bại này có thể sẽ cản trở tốc độ phóng Falcon 9 ngày càng tăng của SpaceX. 96 lần phóng tên lửa vào năm ngoái là nhiều nhất cho đến nay và vượt quá tổng số lần phóng hàng năm ở bất kỳ quốc gia nào. Để so sánh, Trung Quốc, đối thủ không gian của Mỹ, đã có 67 vụ phóng vào không gian trong năm 2023 bằng nhiều tên lửa khác nhau.

Tối 12/7, SpaceX tuyên bố trên X rằng các vệ tinh Starlink bị rơi trở lại Trái đất không gây ra mối đe dọa nào cho công chúng. Công ty không ước tính thời điểm chúng sẽ quay trở lại, điều này sẽ xuất hiện dưới dạng những vệt sáng trên bầu trời giống sao băng.

SpaceX cho biết độ cao của chúng quá thấp đến nỗi lực hấp dẫn của Trái đất kéo chúng lại gần bầu khí quyển hơn 5 km với mỗi quỹ đạo, đồng thời xác nhận chúng sẽ "đi vào lại bầu khí quyển của Trái đất và hoàn toàn biến mất".

Falcon 9 là tên lửa duy nhất của Mỹ có khả năng đưa phi hành đoàn NASA lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). NASA dự kiến sẽ phóng sứ mệnh phi hành gia tiếp theo vào tháng 8, với tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX được phóng lên trên tên lửa này.

SpaceX đã phóng khoảng 7.000 vệ tinh Starlink với nhiều thiết kế khác nhau vào không gian kể từ năm 2018 cho mạng internet băng thông rộng toàn cầu của mình.

Ngọc Ánh (theo NASA, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ten-lua-falcon-9-bi-dinh-chi-sau-khi-su-co-lam-hong-hang-loat-ve-tinh-starlink-post303331.html