Tên lửa Fire Dragon của Trung Quốc có thể đánh chìm tàu chiến Mỹ?

Kết quả từ một chương trình giả lập máy tính chỉ ra rằng tên lửa tầm xa Fire Dragon của Trung Quốc có thể đánh chìm tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ.

Một chương trình giả lập máy tính do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (Quân đội Trung Quốc) thực hiện cho thấy, tên lửa đạn đạo chiến thuật Fire Dragon 480 của nước này, vốn đã được xuất khẩu sang Trung Đông, "có khả năng đánh chìm một tàu tuần dương Mỹ đang tuần tra trên Biển Đỏ".

 Tên lửa tầm xa Fire Dragon 480 do Tập đoàn Norinco của Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu. (Ảnh: SCMP)

Tên lửa tầm xa Fire Dragon 480 do Tập đoàn Norinco của Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu. (Ảnh: SCMP)

Theo một bài báo được bình duyệt đăng trên tạp chí học thuật Command Control & Simulation vào ngày 15/5, với sự phối hợp chặt chẽ của phi đội máy bay không người lái (UAV) cùng các chiến thuật mới, "trung bình sẽ cần sáu quả Fire Dragon 480 để tiêu diệt một tàu chiến lớn của Mỹ".

Fire Dragon 480, một loại tên lửa tầm xa do Tập đoàn Norinco, một trong những tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất ở Trung Quốc, sản xuất độc quyền để xuất khẩu.

Tên lửa này được công nhận rộng rãi là tên lửa đạn đạo chiến thuật do các cảm biến dẫn đường chính xác của nó, cho phép tấn công các mục tiêu di chuyển với độ chính xác cao.

"Tên lửa Fire Dragon 480 có đầu đạn hơn 400 kg, vượt xa trọng lượng của một tên lửa chống hạm thông thường. Hơn nữa, vận tốc va chạm của nó đạt hơn 500 m/s, đảm bảo rằng một tàu tuần dương 10.000 tấn sẽ bị phá hủy chỉ với hai quả tên lửa này", Li Jiangjiang, một nhà khoa học thuộc đơn vị 92228 của Quân đội Trung Quốc, viết trong bài báo.

Cho đến nay, tài liệu duy nhất được tiết lộ công khai về việc xuất khẩu loại vũ khí này là một thỏa thuận trị giá 245 triệu USD giữa Trung Quốc với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Các nhà phân tích cho rằng tầm bắn của Fire Dragon 480 có thể bị giới hạn ở mức 290 km, nhưng ông Li cho biết trên thực tế, tầm tấn công của nó có thể vượt quá 500 km.

Tên lửa này có thể được phóng từ bệ phóng bánh xe di động tốc độ cao được thiết kế để chịu được môi trường khắc nghiệt, khiến chúng trở thành vũ khí tương đối đơn giản và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khi đọ sức với các tàu chiến Mỹ được trang bị hệ thống phòng thủ mạnh mẽ, các cuộc tấn công như vậy sẽ không hiệu quả.

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower cùng đội hộ tống đang tuần tra Biển Đỏ. Đội này bao gồm tàu tuần dương USS Philippine Sea, một tàu tuần dương lớp Ticonderoga, loại tàu được sử dụng trong chương trình giả lập của Quân đội Trung Quốc.

Theo bài báo của ông Li, tàu tuần dương lớp Ticonderoga được trang bị hai hệ thống phóng thẳng đứng Mk41, có khả năng bắn hơn 200 tên lửa phòng không, bao gồm Standard 6 và Sea Sparrow.

Một tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Một tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Diễn biến cuộc giao tranh giả lập

Trong chương trình giả lập về một cuộc đụng độ quân sự, 12 quả tên lửa Fire Dragon 480 đã được phóng để tấn công 2 tàu tuần dương lớp Ticonderoga.

Trước khi giao chiến, người điều khiển tên lửa phía Trung Quốc có quyền truy cập vào ảnh vệ tinh độ phân giải thấp, cho phép họ ước tính sơ bộ vị trí của các tàu chiến Mỹ. Khi đến khu vực mục tiêu, tên lửa kích hoạt sẽ cảm biến trên khoang để tìm kiếm mục tiêu và điều chỉnh đường bay cho phù hợp.

Để đáp trả, các tàu tuần dương lớp Ticonderoga phóng nhiều tên lửa phòng không và kích hoạt hệ thống vũ khí tầm ngắn Phalanx.

Trong số các tên lửa này, Standard 6 với tầm bắn 240 km, đạt tỷ lệ bắn trúng 71%, trong khi tên lửa tầm ngắn Sea Sparrow có tỷ lệ bắn trúng 44%.

Khi khói tan, một trong hai tàu tuần dương bị đánh chìm.

Trong một kịch bản khác, các nhà khoa học quân sự đã thay thế đầu đạn của 8 tên lửa bằng “đầu đạn chùm”, mỗi đầu đạn chứa 6 UAV.

Khi những tên lửa được cải tiến này đến gần hạm đội Mỹ, chúng giảm tốc độ và phóng ra "đàn" UAV. Mục tiêu của những UAV này là đánh lạc hướng hỏa lực phòng không của tàu tuần dương và cung cấp tọa độ mục tiêu chính xác hơn cho lượt tấn công tên lửa thứ hai.

Sau nhiều vòng chạy giả lập máy tính, các nhà khoa học quân sự Trung Quốc ước tính tỷ lệ sống sót của hai tàu tuần dương lớp Ticonderoga dưới chiến thuật này "gần như bằng 0".

Theo Li, UAV được sử dụng cho các cuộc tấn công kiểu "bầy đàn" có thể là loại Switchblade 600 hoặc các mẫu tương tự. Với bán kính hoạt động hơn 40 km, những chiếc UAV này tiết kiệm chi phí và có sẵn trên thị trường quốc tế.

Li giải thích thêm, những loại UAV này dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng thủ tầm gần như Phalanx, nhưng khi được tích hợp với các loại tên lửa tầm xa, chúng lại trở thành mối đe dọa đáng kể đối với các tàu chiến.

Nghiên cứu lưu ý rằng, để chiến thuật Fire Dragon 480 phối hợp với "bầy đàn" UAV phát huy hết tiềm năng, hệ thống phóng tên lửa tầm xa của Trung Quốc cần nhận được một số nâng cấp và sửa đổi về công nghệ.

Khả năng chống nhiễu và liên kết dữ liệu không đồng nhất giữa tên lửa và UAV cũng phải được cải thiện để đáp ứng nhu cầu chiến đấu thực tế.

Trong khi đó, Mỹ đang dần ngừng hoạt động các tàu tuần dương lớp Ticonderoga để chuyển sang sử dụng các tàu hiện đại hơn, và chiếc cuối cùng sẽ nghỉ hưu vào năm 2027.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ten-lua-fire-dragon-cua-trung-quoc-co-the-danh-chim-tau-chien-my-ar878352.html