Tên lửa Patriot 'Hit-To-Kill' hay F-16 Ukraine bắn hạ Su-34 Nga?
Gần đây, mạng xã hội rộ lên thông tin về việc một chiếc Su-34 của Không quân Vũ trụ Nga (RuAF) bị lực lượng vũ trang Ukraine bắn hạ.
Dù vậy, cả Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine vẫn chưa chính thức xác nhận sự kiện này.
Theo tạp chí Forbes, báo cáo từ nhiều nguồn cho thấy, chiếc Su-34 bị bắn rơi cách tiền tuyến khoảng 50 km. Nguồn tin tiết lộ, một chiếc F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất đã bắn hạ máy bay Nga, khiến toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng.
Cùng lúc đó, kênh Telegram FighterBomber cũng đăng tải thông tin tương tự với dòng thông báo ẩn ý: "Trái đất là bầu trời, anh em ạ", kèm theo hình ảnh Su-34 rơi. Dù không khẳng định trực tiếp chiếc máy bay bị bắn hạ, nhưng ẩn ý cho thấy đây có thể là tổn thất trong chiến đấu.
Phân tích khả năng bị tấn công
Nếu thông tin về việc Su-34 bị bắn hạ là thật, có một số yếu tố đáng chú ý. Máy bay này được cho là cách tiền tuyến 50 km, rất phù hợp với tầm hoạt động khi nó thả bom lượn gắn bộ UMPK, một loại vũ khí thường được dùng để tấn công các mục tiêu xa. Khi thả bom, Su-34 bay ở độ cao trên 6 km, trở thành mục tiêu dễ bị phát hiện và tấn công.
Trong hoàn cảnh này, Su-34 có thể đã bị bắn bởi tên lửa phòng không Patriot MIM-104 hoặc tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM từ F-16 của Ukraine.
Mặc dù có thông tin cho rằng F-16 đã bắn hạ chiếc Su-34, nhiều chuyên gia nghiêng về giả thuyết hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 của Ukraine đã thực hiện vụ tấn công. Tên lửa PAC-3 hoạt động theo phương pháp "hit-to-kill", tức là đánh trúng trực tiếp mục tiêu mà không cần gây nổ phân mảnh. Công nghệ radar tiên tiến giúp PAC-3 có thể nhắm trúng buồng lái máy bay, gây nguy hiểm ngay lập tức cho phi hành đoàn.
Ngược lại, tên lửa AIM-120 của F-16 chỉ tạo ra các mảnh vỡ xung quanh mục tiêu, gây hư hại nhưng ít khả năng nhắm trúng buồng lái một cách chính xác.
F-16 có thật sự bắn hạ Su-34?
Dù giả thuyết Patriot khả dĩ hơn, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng chiếc F-16 đã bắn rơi Su-34. Một số chuyên gia suy đoán rằng tên lửa AIM-120 của Ukraine có thể đã được trang bị đầu đạn đặc biệt, như đầu đạn văng mảnh liên tục hình khuyên – khi nổ, các thanh kim loại giãn nở và cắt xuyên mục tiêu như lưỡi cưa.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng phi hành đoàn Su-34 đã cố gắng thoát thân sau vụ tấn công, hoặc F-16 của Ukraine đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để tránh bị radar Nga phát hiện.
Cho đến nay, chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy chiếc F-16 thực sự bắn hạ Su-34, sự im lặng của Ukraine chỉ làm tăng thêm sự tò mò. Có thể đây là một phần của chiến dịch truyền thông nhằm tạo ra một "huyền thoại" xung quanh F-16, giống như câu chuyện "Bóng ma Kiev", bởi loại máy bay này chưa thể hiện được nhiều vai trò nổi bật trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.