Tên lửa phòng không Mỹ bị 'lật mặt': Israel choáng váng, báo khẩn cấp tới Washington
Israel, bản thân rất ngạc nhiên và thực sự choáng váng với diễn biến đặc biệt nguy hiểm này, đã không chậm trễ, báo cáo 'luôn và ngay' với người Mỹ.
Sau cuộc chiến tranh Ngày Tận thế (1973), tại Israel nổ ra một cuộc khủng hoảng chính trị, những cuộc biểu tình đã bùng lên.
Điều này phần nhiều là do Bộ Quốc phòng và tình báo Israel không thể đoán trước được những dự định sẵn sàng tấn công của đối phương (Ai Cập và Syria). Hệ quả là thủ tướng Golda Meir đã phải từ chức vào tháng 4/1974, các đảng đối lập đã đưa ra những buộc tội có sức nặng đối với chính phủ đất nước.
Một trong số đó là việc Israel mua của Mỹ vũ khí tên lửa phòng không rất đắt đỏ, nhưng không hiệu quả - tổ hợp tên lửa phòng không "Hawk" (Diều hâu).
Tuy nhiên, hệ thống "Hawk" của Mỹ, trong định nghĩa về phương diện quân sự, không chỉ đơn giản là vũ khí, mà còn là thành tựu kỹ thuật mới nhất. Hai tổ hợp "Hawk" được cho là đã tiêu diệt chiếc máy bay của kẻ địch với khả năng chính xác 100%.
Cơ hội giữ được nguyên vẹn trong trận chiến này đối với phi công là bằng 0. Ngoài ra, hệ thống radar của tổ hợp không chỉ có thời gian hoạt động liên tục rất dài mà còn có khả năng chống nhiễu khá cao. Nhưng như các phương tiện truyền thông Mỹ sau này viết: "Người Nga đã biến "Hawk" thành trò bẻ khóa con nít".
Những chuyên gia này làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật vô tuyến Trung ương Liên Xô mang tên Berg, mà người đứng đầu là Tướng Yury Mazorov. Ông đã chỉ đạo cả công việc nghiên cứu tổ hợp chế áp mới phải xứng tầm với tổ hợp tên lửa phòng không "Hawk" của Mỹ.
"Vào một buổi tối, khi các nhân viên của Viện đã về nhà, tôi cùng với cấp phó của mình là ông Zinichev, đã cùng thảo luận những vấn đề liên quan tới việc áp chế "Hawk". Khả năng dẫn hướng của quả tên lửa tới nguồn nhiễu sóng là điều lo lắng trước tiên.
Gần như cùng lúc một ý tưởng đã xuất hiện trong đầu chúng tôi: Nguồn nhiễu sóng cần phải được loại bỏ khỏi chiếc máy bay và đặt nó ở khu vực ngoài khả năng với tới của "Hawk". Như vậy, quả tên lửa sẽ không thể bay tới mục tiêu và tự sục sạo, diệt mục tiêu.
Một ý tưởng hay. Thoạt nhìn, để thực hiện nó không có gì khó khăn. Nhưng chúng tôi, những người chế tạo vũ khí, biết rằng điều gì đằng sau quan điểm này nếu như quan sát một cách kỹ hơn: Sẽ có một núi vấn đề phát sinh, dường như, cả đời cũng không đủ để giải quyết chúng", ông Yury Mazorov hồi tưởng lại.
Và cuối cùng sau vài tháng lao động miệt mài của các kỹ sư, công nhân, tổ hợp đã sẵn sàng. Nó được đặt tên là "Smalta". Các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành. Lắp đặt trạm, máy giả lập hệ thống radar được đưa ra xa - khoảng 6km. Kết quả, đúng như kỳ vọng, đã thành công.
Nhưng một vấn đề mới đã xuất hiện. Không có bất cứ dữ liệu tần sóng cụ thể về trạm radar của hệ thống "Hawk".
Làm sao có thể chống lại một tổ hợp mạnh như thế khi không biết những chỉ số quan trọng nhất của nó - các dải sóng, phổ tín hiệu. Thậm chí các thông tin về sức mạnh của tên lửa phòng không cũng khá rời rạc và mâu thuẫn.
Nhờ cơ quan nào giúp đỡ đây - chỉ có tình báo quân sự. Công văn đã được soạn. Tất nhiên cơ quan này đã phản hồi. Trong lưu trữ vẫn còn giữ công văn trả lời của họ mà tôi đã được xem qua.
"Tôi gửi thông tin "Hệ thống vũ khí tên lửa phòng không dẫn hướng "Hawk" của Mỹ và những tính năng chiến đấu của nó", Đại tướng Petr Ivashutin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) cho biết.
Hệ thống vũ khí tên lửa phòng không "Hawk" có chức năng bắn hạ các máy bay ném bom, tiêm kích và tên lửa hành trình ở độ cao từ 5-10m đến 18km và cự ly lên tới 35km.
Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của nó là bắn hạ những mục tiêu bay thấp. Theo ý kiến của các chuyên gia Mỹ, hệ thống được khi nâng cấp từng phần những trạm radar định vị của nó, cũng có thể áp dụng để đánh chặn các tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 110km.
Điều thú vị đó là nó được thiết kế dưới dạng phiên bản cơ động. Thời gian triển khai khẩu đội "Hawk" tại vị trí và đưa nó vào trạng thái sẵn sàng khai hỏa mất không quá 15 phút. Nó có khả năng khai hỏa nhằm vào hai mục tiêu đơn lẻ hoặc nhóm mục tiêu.
Để gia tăng xác suất bắn hạ, nó có thể phóng lên tới 3 quả tên lửa nhằm vào từng mục tiêu với khoảng cách 5 giây.
Tất cả những thứ này, tất nhiên, là điều thú vị, nhưng các dữ liệu cần thiết để triển khai những công việc tiếp theo của các nhà khoa học lại thiếu.
Ông Mazorov, lấy ví dụ, cần kích cỡ chiều ngang của phương tiện vận chuyển "Hawk" để làm gì nếu ông không có những dữ liệu về các tần sóng của trạm radar định vị của tổ hợp, phổ tín hiệu, những cánh hông, độ nhạy của các phương tiện tiếp nhận.
Tại buổi họp tiếp theo của Tiểu ban công nghiệp-quân sự, khi hiểu được rằng ông sẽ xung đột với GRU đầy quyền năng, ông vẫn tuyên bố rằng cơ quan này không có những dữ liệu cần thiết về hệ thống "Hawk".
Tướng Ivashutin, thực ra đã băn khoăn với "sự ngang ngược" của giám đốc Viện Nghiên cứu Berg và ngay lập tức gạt bỏ lời buộc tội: Không có căn cứ nào để lo lắng, cứ để ngày mai anh ta tới GRU và tiếp nhận tất cả thông tin tốt nhất.
Than ôi! Hóa ra khẳng định của lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự không hề có bất cứ căn cứ. Ông Mazorov ngày mai, ngày kia vẫn không hề tiếp nhận được bất cứ thông tin cần thiết nào về "Hawk".
Khi nhận thức được sự tính toán sai lầm của mình, các nhân viên tình báo, đương nhiên, bắt tay vào giải quyết vấn đề này, nhưng ông Mazorov không có ý định "há miệng chờ sung".
Các điệp viên GRU có lấy được những bí mật của "Hawk" hay không, nếu có thì mất bao lâu để họ tìm kiếm được những dữ liệu có giá trị như thế? Không ai có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Chỉ nên hi vọng vào chính mình. Cần phải tự thiết kế thiết bị để dò tìm các tín hiệu của "Hawk".
Chuyến công tác tới Ai Cập
Và họ cũng hoàn thành cả nhiệm vụ này. Tiếp đến cần phải thuyết phục ban lãnh đạo cử một nhóm tới Ai Cập. Nhưng đó là điều khó thực hiện. Những lãnh đạo cấp cao tại Ủy ban công nghiệp quân sự Liên Xô từ chối tin rằng GRU không có những dữ liệu cần thiết.
Và trong phán xét của họ cũng có nguyên do: Tại sao phải đưa người ra mặt trận, liều lĩnh với mạng sống của họ nếu như có hẳn một tổ chức đặc biệt đầy kinh nghiệm để thực hiện điều này - đó là GRU. Tình hình về bản chất đã rơi vào ngõ cụt. Nhưng cuộc sống, như không ít lần đã chứng minh, tự chỉ ra lối thoát.
Cuộc xung đột của Israel và Ai Cập vẫn tiếp tục diễn ra. Không quân Israel đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào những thành phố, khu dân cư, các cơ sở công nghiệp. Hóa ra người Ả Rập sở hữu không ít các lực lượng và phương tiện phòng không, nhưng tại sao tính hiệu quả khi sử dụng chúng là khá thấp.
Được biết rằng người Do Thái sử dụng rất nhiều nhiễu sóng khi tấn công và điều này mang lại kết quả. Tại Ai Cập, ngày càng nhiều ý kiến về việc Liên Xô cung cấp khí tài kém cỏi cho họ.
Ban lãnh đạo nhà nước Liên Xô rất lo lắng trước những thông tin này. Vấn đề đã được Cục Quốc phòng Trung ương Đảng Liên Xô quan tâm.
Ngay lập tức mệnh lệnh được đưa ra: Cử tới Ai Cập một nhóm các chuyên gia, kiểm tra xem khí tài được sử dụng như thế nào, làm rõ có đúng là kẻ địch sử dụng nhiễu sóng rất hiệu quả hay không?
Phó chủ tịch Ủy ban công nghiệp-quân sự Liên Xô, ông Leonid Gorshkov đã dẫn đầu phái đoàn. Trong thành phần của đoàn có thứ trưởng Công nghiệp vô tuyến Liên Xô Georgy Kazansky, từ Cục Quốc phòng Trung ương Đảng Liên Xô - ông Andrei Andryushin.
Có cả đại diện của Phòng thiết kế 1, nơi từng chế tạo tổ hợp tên lửa S-75 (Việt Nam gọi là SAM-2). Ông Yury Mazorov cũng được điền tên vào đoàn công tác.
Ông Mazorov đã nghiên cứu những bức ảnh chụp từ màn hình của trạm radar định vị, xem qua các ghi chép và đã hiểu: Những máy bay của Israel không hề tạo ra các nhiễu sóng đối với những trạm radar định vị của hệ thống phòng không.
Còn những nỗi thống khổ của các lính phòng không Ai Cập chính là việc họ không biết cách vận hành trong bối cảnh nhiễu sóng, không muốn đối diện với những thực tế mới.
Thế chiến thứ II đã là quá khứ xa xôi, còn trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, không thể sống sót nếu không sử dụng nhiễu sóng. Đặc biệt điều này tác động tới không quân.
Và ông Mazorov cố gắng truyền đạt suy nghĩ này cho cả các cố vấn của Liên Xô lẫn những chỉ huy phía Ai Cập.
Cuối cùng, người ta đã yêu cầu ông xây dựng các khuyến nghị của mình về hoạt động của cả những tổ hợp phòng không, cũng như các trạm radar định vị của hệ thống phòng không trong bối cảnh đối phương sử dụng nhiễu sóng vô tuyến.
Về cơ bản, theo ông Mazorov, từ năm 1967 bắt đầu giai đoạn chiến sự mới với việc sử dụng những nhiễu sóng quy mô rộng. Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người Mỹ cũng sử dụng các nhiễu sóng và cố tình áp chế trạm radar định vị của hệ thống điều khiển S-75.
Nhưng các cố vấn của chúng ta ở đó, có vẻ như đã thông minh hơn, còn bản thân những người Việt Nam can đảm hơn nhiều người Ai Cập. Để phóng các tên lửa trong bối cảnh khi trạm radar định vị "bị bịt kín" bởi những nhiễu sóng, họ đã bắt đầu sử dụng phương pháp dẫn hướng quang học.
Để làm được điều này, các sĩ quan radar đã tự điều khiển bằng tay các ăng-ten theo góc phương vị và góc vị trí khi quan sát mục tiêu tấn công trong những thị giác quang chúng trên các ăng-ten.
Điều này, tất nhiên, làm giảm đi rất nhiều độ chính xác khi bắn, nhưng vẫn mang tới cơ hội phản kháng và không cho các máy bay địch tấn công trực tiếp vào những vị trí của các tổ hợp tên lửa phòng không.
Ai Cập đã không làm được điều đó, và chiếc máy bay khi áp chế trạm radar định vị, trước tiên, sẽ cố ném bom tổ hợp tên lửa phòng không, và điều này diễn ra thường xuyên.
Sau này người ta đã xác định được rằng người Ai Cập bí mật cử các "mật thám" của mình một "chiến trường" thực tế hơn. Có lẽ, họ đã không tin Liên Xô. Họ muốn biết những kíp chiến đấu đó đã dũng cảm bằng khí tài đặc biệt như thế nào.
Hóa ra vẫn là khí tài đó, nhưng nhân sự hoàn toàn khác. Các kíp chiến ở quốc gia Đông Nam Á ấy chiến đấu đấu gan dạ và quyết chiến tới cùng.
Còn người Ả Rập vứt bỏ khí tài ngay khi có mối đe dọa đầu tiên và bỏ chạy trong hoảng loạn. Lấy ví dụ, trong trận chiến xe tăng, họ bỏ lại cỗ máy vẫn còn hoạt động và tháo chạy "mất dép" khỏi chiến trường.
Đúng vậy! Và không chỉ vứt lại các xe tăng. Trong thời gian xảy ra chiến tranh, đã ghi nhận một vài trường hợp người Israel chiếm được những trạm radar của Ai Cập. Có thể nói gì đây? Cay đắng, nhưng đó là sự thật.
Dưới sự bảo vệ của "Smalta"
Ông Mazorov đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhưng ông không cảm thấy bất an về việc sử dụng "Hawk". Tại đây, ở Ai Cập, ông đặc biệt cảm nhận thấy việc tìm ra liều thuộc giải độc chống lại "Hawk" quan trọng tới mức nào.
Tổ hợp này được người Do Thái triển khai dọc kênh đào Suez, thuộc lãnh thổ chiếm đóng. Ông Mazorov tự thấy các phi công Ai Cập sợ chúng tới mức hoảng loạn. Đúng, làm sao mà không sợ được. Nhiều đồng chí của họ đã hi sinh vì tổ hợp phòng không này.
Khi trở về Moscow, ông Mazorov đã viết báo cáo về chuyến công tác và đề nghị nhanh chóng chỉ đạo một phái đoàn tới Ai Cập để do thám các thông số của "Hawk", cũng như đưa tới đây trạm Mazorov-Zinichev để kiểm tra khả năng hoạt động của nó trong điều kiện chiến đấu.
Lập tức, chiếc máy bay đã chuyển tới Ai Cập trạm nhiễu sóng "Smalta". Nó được triển khai cách không xa thành phố Suez ở vùng đồng bằng. Tiếp đến, cần kiểm tra nó trong điều kiện chiến đấu.
Nhưng than ôi, bất chấp sự năng động cao của người Do Thái, người Ai Cập rất hãn hữu thực hiện các cuộc ném bom đáp trả. Những phi công sợ phải triển khai nhiệm vụ trong các khu vực được "Hawk" bảo vệ.
Mặc dù những máy bay MiG và Il-28 của Liên Xô được trang bị trạm cảnh báo bị tên lửa tấn công "Siren". Ngay khi đèn hiệu báo máy bay bị "Hawk" khóa mục tiêu, các phi công Ai Cập nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Phải mất khá lâu để thuyết phục bộ tư lệnh Không quân Ai Cập thực hiện tối thiểu vài lần tiếp cận các vị trí của "Hawk" đưới sự bảo vệ của "Smalta". Người Ai Cập cam kết, nhưng ngày qua ngày, vẫn chưa có lần tiếp cận nào được thực hiện.
"Các cố vấn cuối cùng vẫn thuyết phục được lãnh đạo Không quân triển khai Il-28 tấn công những vị trí của "Hawk". Thông tin này được tướng Alexandr Palyi chia sẻ với tôi, người mà vẫn còn ở lại Ai Cập, và ông Sergei Sluchevsky - chuyên gia về trạm "Smalta", ông Mazorov hồi tưởng lại.
Ban đầu, phi đội đã giả vờ tấn công khi tiếp cận các vị trí của "Hawk". Trạm radar của nó đã được bật lên và bám theo các máy bay. Đã có thể thấy rõ cơ chế hoạt động của nó. Không cần đi vào khu vực bắn hạ, phi đội máy bay đã quay đầu và biến mất.
Nhưng đội bất ngờ lại rơi vào các vị trí khác của "Hawk". Như các phi công báo cáo, vài chục quả tên lửa đã được phóng về phía họ. Tuy nhiên, những quả tên lửa này đã di chuyển trên không một cách khá lạ lùng.
Một số quay theo kiểu xoắn ốc, số khác lại rơi xuống đất và nổ tung, không ít quả thì bay thẳng lên cao và tự diệt. Điều quan trọng là không một quả tên lửa nào bắn trúng mục tiêu.
Sự thán phục của các phi công Ai Cập là không thể tả được. Khi quay trở về căn cứ, họ đã không ngớt chia sẻ về điều đã chứng kiến, chúc mừng nhau vì thành công đạt được.
Tuy nhiên, không hiểu sao tham mưu trưởng Không quân Ai Cập không tin vào điều đó, và ông quyết định kiểm tra sự hiệu quả của trạm, nhưng theo cách của mình.
Ngoài phi đội triển khai nhiệm vụ dưới sự bảo vệ của "Smalta", ông còn ra lệnh thực hiện cuộc tấn công từ hướng nằm ngoài vùng bảo vệ của trạm. Than thay, tất cả các máy bay nằm ngoài khu vực hoạt động của hệ thống đã bị bắn hạ, các phi công đã thiệt mạng.
Sau này, theo các kênh tình báo, tướng Yury Mazorov đã nhận được thông tin về việc tình hình trong hàng ngũ của đối phương sau khi áp dụng trạm nhiễu sóng "Smalta". Người Do Thái, bản thân rất ngạc nhiên với diễn biến, dù họ rất choáng váng nhưng đã không chậm trễ, kịp thời báo cáo điều này với người Mỹ.
Hệ thống không bị áp chế bằng nhiễu sóng "Hawk" như các chuyên gia Mỹ định vị nó một cách hãnh diện, đã chịu sự tác động của các nhiễu sóng mạnh. Nhưng đó không phải là điều lạ lùng nhất - "Hawk" lần đầu tiên không hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, không bắn hạ được một chiếc máy bay nào.
Ở Mỹ, người ta đón nhận thông tin này rất nhất quán: Điều đó không thể xảy ra, bởi vì đơn giản là không thể.
Nhưng một đoàn chuyên gia có uy tín vẫn được cử tới Israel. Tuy nhiên, kết luận của đoàn là khá lạ lùng: "Hawk" không chịu sự tác động của các nhiễu sóng, mà đây là những vi phạm nghiêm trọng quy tắc vận hành tổ hợp.
Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Các máy bay của Ai Cập dưới sự bảo vệ của "Smalta" lại tấn công nhằm vào "Hawk" một cách thành công. Thêm một tiểu ban nữa đã được cử đến.
Đoàn công tác này mất khá lâu để làm rõ nguyên nhân dẫn tới những thất bại và cuối cùng đã phải thừa nhận một cách sâu sắc: Ai đó đã dùng các phương tiện chiến tranh điện tử để áp chế "Hawk".
Người Mỹ, tất nhiên, hiểu rất rõ: Chỉ có người Nga mới làm được điều đó. Kết luận dù khá cay đắng, nhưng khách quan.