Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, ông Pavel Sozinov - Phó Tổng Giám đốc Almaz-Antey - nhà sản xuất tên lửa phòng không lớn nhất của Nga đã nói về sự ưu việt của các sản phẩm do họ chế tạo.
Sản phẩm xuất khẩu được Almaz-Antey đặt nhiều kỳ vọng nhất chính là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-350E Vityaz, nó có khả năng nhanh chóng phát hiện, bám bắt và tiêu diệt mục tiêu trong bán kính 120 km.
Trên thế giới, S-350E được xem là không có đối thủ tương xứng, nó khác biệt với một tổ hợp phòng không tầm trung khác là Buk-M3 Viking ở chỗ Vityaz được thiết kế để bảo vệ đối tượng đứng yên, trong khi Buk-M3 giữ vai trò "che đầu" đơn vị bộ binh cơ giới.
Tuy nhiên không có sự khác biệt cơ bản về mục tiêu đối với hai hệ thống phòng không này, chúng có thể bắn hạ bất kỳ vật thể khí động học nào, thậm chí cả một số loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Trong tương lai gần, Almaz-Antey dự kiến sẽ ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu cho cả S-350E Vityaz lẫn Buk-M3 Viking, khi nhu cầu về hai hệ thống tên lửa phòng không này đang ở mức rất cao.
Ngoài ra Almaz-Antey còn đặt hy vọng vào Antey-4000 - phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không lục quân tầm xa S-300V4, tổ hợp này được trang bị tên lửa đánh chặn 9M83ME có thể tấn công mục tiêu từ cự ly 150 km, và 9M82MDE - lên đến 380 km.
Antey-4000 có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo bay ở tốc độ 4.800 m/s cách xa 45 km. Tổ hợp phòng không này có vai trò tương tự S-400 Triumf, nhưng toàn bộ các thành phần tác chiến đều đặt trên khung gầm xe bọc thép bánh xích.
Đại diện Almaz-Antey tự tin khẳng định chẳng mục tiêu nào qua mặt được những hệ thống phòng không của họ, không quan trọng chúng là tiêm kích cổ điển như F-15 và F-16, hay chiến đấu cơ thế hệ năm sử dụng công nghệ tàng hình như F-22 và F-35.
Việc tích hợp những công nghệ mới nhất giúp tên lửa phòng không Nga giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến việc đối đầu kẻ địch có lực lượng tấn công đường không hùng hậu.
Đối đầu các hệ thống phòng không Nga, tên lửa siêu thanh thậm chí cũng khó qua mặt. Mặc dù vũ khí trên có thể bay với tốc độ cực nhanh ở độ cao lớn, nhưng khi đến gần mục tiêu thì thông số trên sẽ giảm dần, cho phép tên lửa đánh chặn hoạt động hiệu quả.
Một thứ vũ khí được xem là "khắc tinh tên lửa phòng không Nga" chính là máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo, tuy nhiên Almaz-Antey khẳng định họ đã có sẵn biện pháp đối phó.
Ông Sozinov lưu ý, Bayraktar TB2 là chiếc UAV nặng 650 kg, dễ bị tổn thương do tốc độ thấp, nhưng nó được trang bị vũ khí, vì vậy để tiêu diệt cần huy động các hệ thống phòng không có tầm bắn vượt xa khí tài trinh sát cũng như vũ khí mà nó mang theo.
Để đánh bại chiếc UAV nói trên, việc phát hiện sớm mục tiêu là rất quan trọng, do vậy cần tăng sự tinh nhuệ của các kíp chiến đấu vận hành hệ thống tên lửa phòng không.
Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga, chuyên gia Korotchenko bình luận: "Các hệ thống phòng không Nga đều hiệu quả trong việc đối đầu với mọi mục tiêu trên không, bất kể đó là máy bay không người lái hay tiêm kích tàng hình, bất kể quốc gia sản xuất chúng”.
"Bayraktar TB2 là chiếc UAV chiến thuật, mang được 4 tên lửa trên các giá treo và có thể ở trên không tối đa 12 giờ, nó được sản xuất từ năm 2014 và chứng minh hiệu quả cao trên chiến trường Nagorno-Karabakh".
“Chiếc máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo thực sự đã có màn thể hiện rất ấn tượng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh lần thứ hai, nhưng đây không phải do sự yếu kém của tên lửa phòng không Nga".
"Lý do chủ yếu bắt nguồn năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu của các kíp trắc thủ tên lửa phòng không Armenia cũng như chỉ huy của họ, khi không thể tổ chức việc sử dụng vũ khí Nga một cách hợp lý”, ông Korotchenko nói thêm.
Vấn đề huấn luyện binh sĩ và kết quả thực chiến của Quân đội Armenia được khẳng định không liên quan đến chất lượng vũ khí Nga.
“Bất kỳ hệ thống phòng không nào của Nga đều cho phép bạn chiến đấu với mọi mục tiêu trên không, vì vậy sự chuẩn bị trước có thể giúp sử dụng chúng một cách hiệu quả, bao gồm cả việc chống lại UAV Bayraktar TB2”, ông Korotchenko kết luận.
Bạch Dương