Các binh sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 của lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng tên lửa phòng không RBS-70 để bắn hạ trực thăng tấn công Ka-52 gần làng Robotyne ở vùng Zaporizhzhia.
Điều này được xác nhận bởi một đoạn video đã lan truyền trên Internet, cho thấy chính tên lửa phòng không RBS-70 là vũ khí được sử dụng trong trận đánh nói trên.
Mặc dù những quả tên lửa này đã được Thụy Điển cung cấp cho Ukraine vào tháng 4 năm nay, nhưng đoạn video này là lần đầu tiên xác nhận các binh sĩ Ukraine đã sử dụng chúng trên chiến trường.
Ở phần đầu của video, tên lửa phòng không đi vào khung hình khá rõ ràng, mặc dù cơ chế của cái gọi là "khởi động nguội" gợi nhớ đến tên lửa chống tăng Javelin, vốn cũng đã bắn hạ Ka- 52, nhưng tốc độ và đường bay cho thấy đây thực sự là RBS-70.
RBS-70 được thiết kế để tấn công các mục tiêu bay thấp, tầm ngắn. Ở phiên bản cá nhân tiêu chuẩn, ống phóng được triển khai trên giá cơ khí. Ngoài ra còn có thể lắp đặt trên xe cơ giới hoặc sử dụng như một tổ hợp phòng không hạm tàu.
Tổ hợp RBS-70 được trang bị tổ hợp ngắm ảnh nhiệt tự động, đạn tên lửa tích hợp với hệ thống hỗ trợ dẫn bắn cho xạ thủ, cho phép tiêu diệt chính xác mục tiêu như trực thăng, máy bay chiến đấu bay thấp... cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.
Khác với các hệ thống tên lửa phòng không mang vác thông thường, đạn RBS-70 được dẫn đến mục tiêu không phải bằng đầu dò hồng ngoại, mà theo phương thức bám chùm laser công suất nhỏ để tránh bị phát hiện và gây nhiễu.
Tầm bắn hiệu quả khi sử dụng đạn tên lửa BOLIDE của tổ hợp RBS-70 NG (phiên bản nâng cấp của RBS-70) lên tới 8 km và trần bay tối đa trên 5 km, thông số này tương đương STARStreak của Anh có phương thức dẫn đường tương tự.
Mỗi tổ hợp phòng không cá nhân RBS-70 có khả năng triển khai chiến đấu trong vòng 30 giây, nạp đạn và tấn công mục tiêu tiếp theo trong vòng 7 giây.
Đạn tên lửa RBS-70 có chiều dài 132 cm, đường kính 10,6 cm, sải cánh 32 cm, và trọng lượng 15 kg, có thể hoạt động ở chế độ độc lập hoặc được kết hợp với một số tên lửa khác bằng radar giám sát để tạo thành một khẩu đội phòng không.
Radar di động mặt đất gắn trên xe tải do Ericsson cũng do SAAB phát triển có thể được liên kết với 9 trụ bắn RBS 70, mỗi trụ cách nhau khoảng 4 km. Dữ liệu về mục tiêu, bao gồm tầm bắn, và vận tốc sẽ được radar truyền tới từng vị trí bắn tên lửa được chỉ định.
Khi xạ thủ khai hỏa, động cơ tăng áp được kích hoạt bên trong ống phóng và tên lửa được đẩy ra ngoài. Các bề mặt điều khiển và 4 cánh mở vào vị trí khi tên lửa rời ống. Động cơ chính chỉ khởi động sau khi tên lửa đã đi được một cự ly an toàn từ vị trí phóng.
Nếu tên lửa mất chùm tia laser dẫn đường, hoặc không nhận được tín hiệu điều khiển sau một khoảng thời gian định trước trong quá trình phóng, tên lửa sẽ chuyển sang chế độ tự hủy.
Tên lửa được trang bị đầu đạn phân mảnh nặng 1,1 kg, ngòi nổ cận đích laser và ngòi nổ va chạm, vận tốc tối đa đạt tới con số Mach 2, đủ để trực thăng không kịp đưa ra phản ứng.