Truyền thông Nga hôm 10/5 công bố hình ảnh loạt khí tài của Ukraine trong đó có tên lửa "quái vật Frankenstein" bị Moscow tập kích phá hủy.
Đòn tập kích được thực hiện bởi UAV tự sát Lancet, loại vũ khí đáng sợ trong xung đột Đông Âu.
Ngay sau khi UAV trinh sát Nga phát hiện ra tổ hợp phòng không FrankenSam, lệnh tập kích được đưa ra liền lập tức.
Đòn đánh chính xác từ UAV tự sát Lancet đã khiến tổ hợp phòng không của Ukraine nổ tung.
Đây không phải lần đầu tiên tổ hợp phòng không nguy hiểm này của Ukraine bị phía Nga phá hủy.
Nga hiện đang tăng cường phát hiện và phá hủy các tổ hợp phòng không của Ukraine trong bối cảnh xung đột Đông Âu vẫn đang diễn biến phức tạp.
FrankenSam (Tên lửa quái vật Frankenstein) là chương trình ghép nối các bộ phận của hệ thống phòng không phương Tây với tổ hợp cũ thời Liên Xô mà Ukraine có rất nhiều trong kho.
Một số dự án chỉ đơn thuần là lắp tên lửa Mỹ lên bệ phóng cũ, số khác có độ phức tạp cao hơn, như tích hợp toàn bộ bệ phóng phương Tây vào tổ hợp phòng không S-300.
Chương trình vũ khí phòng thủ kết hợp này được Ukraine tiến hành với sự hỗ trợ của Mỹ.
Kiev bắt đầu đưa hệ thống phòng không FrankenSAM đầu tiên vào trực chiến từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Ông Kamyshin cho biết Ukraine có khoảng 5 dự án FrankenSAM, toàn bộ đã được triển khai trên chiến trường.
Thông tin về chương trình FrankenSAM lần đầu xuất hiện hồi tháng 4 năm ngoái, sau khi một số tài liệu mật của tình báo Mỹ bị rò rỉ trên mạng xã hội Discord.
Truyền thông Mỹ tháng 10 cùng năm cho biết nước này đã thử nghiệm ít nhất hai sản phẩm, bao gồm tên lửa RIM-7 gắn trên tổ hợp phòng không Buk và kết hợp radar thời Liên Xô với tên lửa AIM-9M.
Giới chức Ukraine nhận định ưu điểm lớn nhất của dự án FrankenSAM là tốc độ. Thông thường phải mất 3-4 năm để chế tạo một hệ thống phòng không mới, trong khi chỉ mất vài tháng để ghép nối một tổ hợp dạng "quái vật Frankenstein".
Nhà Trắng mới đây cho biết đã cung cấp cho Ukraine dữ liệu kỹ thuật cần thiết để có thể tự chế tạo hệ thống phòng không FrankenSAM ở trong nước, qua đó đẩy nhanh tốc độ triển khai các khí tài này ra chiến trường.
Ukraine hiện rất cần bổ sung hệ thống phòng không để chống lại các cuộc tập kích quy mô lớn bằng tên lửa và UAV của Nga.