Tên lửa siêu thanh mới của Trung Quốc có thể 'nhảy vọt' nửa vòng Trái đất

Sử dụng quỹ đạo tương tự như một hòn đá nảy, phương tiện lướt siêu thanh (HGV) mới của Trung Quốc có thể bay trên bầu khí quyển và 'nhảy vọt' nửa vòng Trái đất để tấn công bất cứ mục tiêu nào.

Theo các nhà khoa học tham gia vào dự án phát triển HCV mới, vũ khí siêu thanh của Trung Quốc sắp được nâng cấp đáng kể. Bằng cách sử dụng quỹ đạo đá nảy, tầm tiêu diệt của tên lửa có thể tăng hơn 1/3 lần, để mở rộng tầm hoạt động sang toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi nhà nghiên cứu Yong Enmi tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc đã viết trong bài báo được công bố trên Tạp chí Du hành vũ trụ Trung Quốc vào tháng 6, rằng thế hệ vũ khí siêu thanh mới này "có những lợi thế ứng dụng đáng kể với tầm bắn xa, khả năng cơ động cao và tính khó đoán".

 Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: AP

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: AP

Khái niệm phương tiện lượn siêu thanh lần đầu tiên được nhà khoa học Qian Xuesen đề xuất vào cuối những năm 1940. Ý tưởng là phương tiện lượn được tên lửa đưa lên trên bầu khí quyển của Trái đất, sau đó hạ xuống mà không cần động cơ.

Với lực nâng tạo ra bởi đôi cánh, nó có thể bay hàng nghìn km trong bầu khí quyển với tốc độ trên Mach 7 (gấp 7 lần tốc độ âm thanh).

Chuyến bay này được gọi là quỹ đạo Qian Xuesen. Hiện tại, tất cả các vũ khí lướt siêu thanh được trang bị trong quân đội, chẳng hạn như tên lửa DF-17 của Trung Quốc, đều được thiết kế dựa trên nguyên lý này.

Những phương tiện lượn siêu thanh có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không với tốc độ và khả năng cơ động vô song. Những vũ khí này có thể được phóng từ Sa mạc Gobi và có hiệu quả phá hủy các hạm đội tàu sân bay và căn cứ quân sự của đối phương cách đó hàng nghìn km.

Năm 1941, nhà khoa học người Áo Eugen SAnger đã đề xuất một quỹ đạo cấp tiến hơn. Máy bay Silbervogel (chim bạc) của ông được thiết kế với động cơ tăng áp, cho phép nó di chuyển trên tầng khí quyển như một hòn đá nảy, có thể tăng phạm vi và khả năng cơ động của vũ khí siêu thanh.

SAnger tin rằng Silbervogel có thể được phóng từ Đức, thả bom xuống New York và hạ cánh xuống các đảo Thái Bình Dương do Nhật Bản kiểm soát.

Tuy nhiên, đề xuất của SAnger vẫn chỉ nằm trên giấy, cho đến tận bây giờ, khi nhóm của Yong sử dụng thuật toán mới để tối ưu hóa quỹ đạo. Các mô phỏng máy tính cho thấy tốc độ tối đa của phương tiện lượn mới đạt gần Mach 20 và có thể duy trì tốc độ trên Mach 17 trong hơn nửa giờ bằng cách nhảy liên tục trên bầu khí quyển.

Sau khi bay liên tục trong hơn một giờ, phương tiện vẫn có thể lướt ở tốc độ trên Mach 7. Điều này có nghĩa là nó có thể tấn công hầu như mọi địa điểm trên hành tinh.

Việc hạ cánh nhẹ nhàng hơn cũng làm giảm ma sát với bầu khí quyển. So với việc lướt không có động cơ, thông lượng nhiệt tối đa mà phương tiện mới phải chịu dự kiến sẽ giảm một nửa, điều này có lợi cho việc giảm gánh nặng cho hệ thống bảo vệ nhiệt.

Nhóm của Yong cho biết công nghệ hiện tại vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chiến đấu thực tế cho loại tên lửa này. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang tiến hành thử nghiệm rộng rãi các công nghệ liên quan.

Ngọc Ánh (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ten-lua-sieu-thanh-moi-cua-trung-quoc-co-the-nhay-vot-nua-vong-trai-dat-post307031.html