Tên lửa siêu vượt âm của Nga được sử dụng ở Ukraine có gì đặc biệt?
Nga đã sử dụng vũ khí siêu vượt âm ở Ukraine. Chúng cực kỳ nhanh và khó có thể đánh chặn so với tên lửa đạn đạo thông thường.
Theo báo Deutsche Welle (Đức), Ukraine đã phải hứng chịu một số cuộc oanh tạc nặng nề nhất vào hồi đầu tháng 3 khi Nga thực hiện một loạt cuộc tấn công. Quân đội Ukraine cho rằng Nga đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm trong các cuộc tấn công mới nhất.
Các quan chức Ukraine cho biết đã có sự thương vong trong các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào thủ đô Kiev và những nơi khác, trong đó có thành phố Kharkiv ở phía Đông và vùng Lviv ở phía Tây.
Moskva đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm trước đây - trong những tuần đầu của cuộc xung đột với Ukraine năm 2022. Chúng được coi là một loại tên lửa đặc biệt.
"Bất khả chiến bại" là điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả về tên lửa siêu vượt âm của Nga vào năm 2018 khi ông tiết lộ về loại vũ khí mới của Moskva.
Tên lửa siêu vượt âm khác với tên lửa đạn đạo thông thường ở chỗ chúng khó bị các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống đánh chặn hơn do tốc độ và tầm bay.
Tên lửa siêu vượt âm thương bay nhanh gấp 5 đến 10 lần tốc độ âm thanh (từ Mach 5 đến Mach 10). Không có tốc độ cố định vì nó phụ thuộc vào các biến số, cụ thể là môi trường và nhiệt độ của môi trường. Nhưng để so sánh, máy bay thương mại Concorde bay với tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh. Concorde là một máy bay siêu âm có tốc độ bay tối đa 2.180 km/giờ, hay Mach 2,04. Vì vậy, siêu vượt âm có tốc độ cao hơn ít nhất ba bậc so với siêu thanh.
Tên lửa siêu vượt âm mà Nga sử dụng trong các cuộc tấn công vào Ukraine được gọi là "Kinzhal" có tốc độ Mach 9 hoặc thậm chí Mach 10.
Điều này khiến cho radar rất khó phát hiện "Kinzhal" và các vũ khí siêu vượt âm khác, một phần một hiệu ứng được cộng thêm bởi tầm bay thấp của chúng.
Bên cạnh đó, tên lửa siêu vượt âm bay ở độ cao thấp hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo thông thường.
Chúng bay theo cái được gọi là quỹ đạo đạn đạo khí quyển tầm thấp. Điều đó có nghĩa là khi hệ thống phòng thủ tên lửa dựa trên radar theo dõi phát hiện được, chúng đã ở rất gần mục tiêu nên trong nhiều trường hợp đã quá muộn để đánh chặn.
Ngoài ra, tên lửa siêu vượt âm có thể đổi hướng khi đang bay. Tên lửa siêu vượt âm mà Nga sử dụng ở Ukraine còn được phóng từ máy bay. Các vũ khí siêu vượt âm khác có thể được triển khai từ tàu chiến và tàu ngầm và chúng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hơn nữa, tên lửa Kinzhal có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 2.000 km trong khi các tên lửa siêu thanh khác có tầm bắn khoảng 1.000 km.
Nếu tên lửa siêu vượt âm được bố trí trên vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, điều đó sẽ khiến một số nước EU nằm trong tầm ngắm của chúng. Kaliningrad tách biệt với đất liền Nga và giáp với Ba Lan, Litva và biển Baltic. Thủ đô Berlin của Đức cũng cách đó chưa đầy 600 km.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng bất chấp những lợi thế mà tên lửa siêu vượt âm mang lại so với vũ khí đạn đạo thông thường, Nga sẽ không sử dụng chúng một cách tùy tiện. Tướng Không quân Mỹ Glen D. VanHerck phát biểu trước một tiểu ban thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ rằng Nga đang gặp "thách thức với một số tên lửa siêu vượt âm về độ chính xác" ở Ukraine.