Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal có tối tân như Nga tuyên bố?
Kinzhal được quảng bá là một trong 6 vũ khí thế hệ mới của Nga, nhưng đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu loại tên lửa siêu vượt âm này có thực sự hiện đại hay không.
Ba tên lửa Kinzhal của Nga được phóng từ máy bay đã bắn trúng một "mục tiêu cơ sở hạ tầng du lịch", CNN hôm 9/5 dẫn lời ông Sergey Bratchuk, người phát ngôn chính quyền thành phố Odessa tại miền Nam Ukraine.
Đây không phải lần đầu tiên Nga dùng loại tên lửa siêu vượt âm Kinzhal mới tại Ukraine. Trong ngày 19 và 20/3, Bộ Quốc phòng Nga đã hai lần xác nhận sử dụng Kinzhal - có nghĩa là "dao găm" trong tiếng Nga - để tấn công mục tiêu ở Ukraine.
Kinzhal là loại tên lửa gì?
K-47M2 “Kinzhal” (“Dao găm” trong tiếng Nga”) là tên lửa đạn đạo siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và được bắn từ máy bay. Kinzhal là một trong 6 loại vũ khí “thế hệ mới” được Tổng thống Nga Vladimir Putin vén màn ra mắt vào tháng 3/2018.
Tuy Nga giữ bí mật quá trình phát triển Kinzhal và không công bố nhiều chi tiết, các báo cáo nguồn mở cho thấy loại tên lửa này có thể mang theo cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân, với tải trọng lên tới 480 kg.
Kinzhal được thiết kế để bắn ra từ tiêm kích MiG-31 ở độ cao khoảng 18 km và có thể di chuyển với vận tốc bằng ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh, còn gọi là Mach 5. Tốc độ tối đa của Kinzhal có khả năng lên tới Mach 10 (12.350 km/h).
Khoảng từ Mach 5 tới Mach 10 được gọi là tốc độ siêu vượt âm.
Tháng 7/2018, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin Kinzhal có thể đạt tầm bắn hơn 2.000 km nếu được bắn từ máy bay ném bom chiến lược Tu-22M.
Kinzhal hiện đại như thế nào?
Độ hiện đại của tên lửa Kinzhal còn là chủ đề gây tranh cãi. Một số chuyên gia đồng ý Kinzhal là vũ khí thế hệ mới đáng sợ vì với tốc độ lên đến 12.000 km/h cùng đường bay thất thường, việc phòng ngự dường như là nhiệm vụ bất khả thi, ngay cả với những hệ thống đánh chặn tên lửa hàng đầu thế giới.
Nhưng một số chuyên gia và tổ chức phương Tây cho rằng tầm quan trọng của Kinzhal có thể đang được thổi phồng. Chẳng hạn, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ nhận định “việc Nga gọi Kinzhal là tên lửa ‘siêu vượt âm’ có phần gây hiểu lầm vì gần như mọi tên lửa đạn đạo đều đạt tốc độ siêu vượt âm ở một thời điểm nào đó trong hành trình bay”.
Giới phân tích cũng cho rằng Kinzhal chỉ là phiên bản được cải tiến từ loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander-M.
Cả Iskander-M và Kinzhal đều đạt tốc độ siêu vượt âm thông qua quỹ đạo bán đạn đạo khó đoán. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở chỗ Iskander-M được bắn từ dưới đất, trong khi Kinzhal được bắn từ máy bay, khiến khó bị đánh chặn hơn.
Tuy Kinzhal di chuyển với tốc độ siêu vượt âm, loại tên lửa này nhiều khả năng không tiên tiến như Nga khẳng định, theo Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ hoạt động nhằm ngăn chặn tai nạn bắt nguồn từ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Các loại vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới mà Mỹ, Trung Quốc và Nga đang phát triển sẽ rơi vào một trong hai phân loại: Thiết bị lướt siêu vượt âm (HGV) hoặc tên lửa hành trình siêu vượt âm. Kinzhal là tên lửa đạn đạo được phóng từ trên không nên không thuộc vào hai phân loại trên.
Tác động của Kinzhal tới chiến trường?
Khi Nga lần đầu dùng tên lửa Kinzhal tại Ukraine vào giữa tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả đây là “loại vũ khí có tác động gần như không thể ngăn chặn”.
Nhưng tình báo Anh và kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đều không đánh giá cao tác động của tên lửa Kinzhal. “Tôi không coi đó là thứ sẽ thay đổi cuộc chơi”, ông Austin nói với đài CBS.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh Kinzhal chỉ là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa Iskander, vốn là loại tên lửa đã được Nga dùng liên tục tại Ukraine.
Tại sao Nga dùng Kinzhal tại Ukraine?
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để lý giải việc Nga chọn dùng Kinzhal tại Ukraine, nhất là khi năng lực chiến lược của loại tên lửa này dường như không làm thay đổi đáng kể tình hình trên thực địa.
Một số nhà phân tích gợi ý rằng sức công phá của Kinzhal khiến nó hiệu quả hơn trong việc phá hủy các kho chứa dưới đất. Trong khi đó, một số nhà phân tích phương Tây đưa ra giả thuyết Nga có thể đang dần cạn kiệt tên lửa Iskander nên thay bằng Kinzhal.
Nếu xét từ góc độ chiến lược, Nga có thể dùng Kinzhal để đánh tín hiệu với NATO và Ukraine rằng nước này có thể và sẵn sàng leo thang xung đột.
Trong khi đó, một số người cho rằng việc Kinzhal được sử dụng có thể không hề mang động cơ chiến lược mà chỉ là chiến lược quảng bá doanh thu quân sự Nga.
Dù thế nào đi nữa, việc Kinzhal được sử dụng cũng tô đậm cuộc chạy đua vũ khí siêu vượt âm giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc - ba nước đang tiếp tục rót tiền vào nghiên cứu phát triển loại vũ khí này.