Tên lửa SM-6 của Mỹ có thực sự đánh chặn được vũ khí siêu thanh Nga?
Trong khi Mỹ khẳng định tên lửa Standard Missile-6 (SM-6) có thể bảo vệ nước này trước các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh thì giới chuyên gia Nga lại nói không thể.
Tại Hội nghị chuyên đề về hệ thống tác chiến do Hiệp hội kỹ sư Hải quân Mỹ tổ chức, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA), Phó Đô đốc John Hill khẳng định tên lửa SM-6 là vũ khí duy nhất trong tương lai gần có thể bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh.
Nguyên nhân nào khiến Mỹ phát triển loại tên lửa đặc biệt này?
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã gấp rút tiến hành nghiên cứu, chế tạo hệ thống phòng thủ đối với vũ khí siêu thanh vì hiện nay tên lửa siêu thanh là nguy cơ thực sự nghiêm trọng đối với tàu chiến của hải quân Mỹ.
Cùng với tên lửa SM-6, các vệ tinh được trang bị cảm biến chuyên dụng và các hệ thống quan sát trên mặt đất sẽ thực hiện quan sát toàn bộ quỹ đạo bay của tên lửa siêu thanh, cung cấp tọa độ, chỉ thị mục tiêu khi chúng đi vào vị trí dễ bị tiêu diệt nhất.
Muốn vậy, các thiết bị quan sát và kiểm tra phải đặt “đúng vị trí”, để quan sát được quỹ đạo bay của tên lửa siêu thanh khi chúng tham gia tấn công. Để thực hiện được ý tưởng đó, Mỹ đã bố trí trên quỹ đạo những vệ tinh chuyên dụng, có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu thanh.
Theo Phó Đô đốc John Hill, tên lửa SM-6 là vũ khí duy nhất của Mỹ hiện nay và trong thời gian sắp tới có thể tiêu diệt được đầu đạn siêu thanh.
Tên lửa SM-6 có gì đặc biệt?
Quan điểm xây dựng hệ thống phòng thủ chống vũ khí siêu thanh được hình thành khi Mỹ triển khai những vệ tinh quan sát, thu thập dữ liệu trên không gian vũ trụ. Và những dữ liệu này có thể được truyền về cho các chiến hạm được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, để tính toán vị trí đánh chặn.
Ý tưởng trên được diễn giải như sau: Trước hết, hệ thống vệ tinh sẽ giám sát các vụ phóng tên lửa, thời điểm tách tầng thứ nhất, tầng thứ hai của động cơ tên lửa. Những dữ liệu này sẽ được truyền tới hệ thống Aegis trên chiến hạm để tính toán quỹ đạo bay cho tên lửa đánh chặn.
Hiện nay, Mỹ có 3 phiên bản của tên lửa SM-6, đó là Blok 1, Blok 1A và Blok 1B. Trong đó, phiên bản Blok 1B đang được Mỹ tập trung phát triển nhiều nhất, vì tên lửa của phiên bản này có thể đạt được tốc độ siêu thanh và đáp ứng những tiêu chuẩn để đánh chặn mục tiêu siêu vượt âm.
Giới chuyên gia Nga nói gì?
Đáp lại thông tin về tên lửa SM-6, giới chuyên gia khẳng định rằng tất cả các loại tên lửa của Mỹ sẽ thất bại khi phải đối đầu với vũ khí siêu thanh Nga.
Các chuyên gia Nga dự đoán rằng tên lửa SM-6 của Mỹ có thể sẽ được bố trí ở căn cứ quân sự của Romania, gần biên giới Nga. Tuy nhiên, những tên lửa này vẫn chưa hội tụ đủ những đặc tính kỹ thuật tốt nhất để chống lại Nga.
Họ cũng cho rằng, tên lửa SM-6 của Mỹ được đánh giá là loại tên lửa có chức năng phản công, nhưng tốc độ của SM-6 chưa đủ lớn, khả năng cơ động cũng còn nhiều hạn chế.
Một vấn đề nữa là trạm quan sát và hệ thống dẫn đường cho tên lửa khi đánh chặn mục tiêu của Mỹ hoạt động không có hiệu quả. Để làm được điều này, cần phải có hệ thống máy tính thế hệ khác, dựa trên thuật toán khác. Thời gian để khắc phục vấn đề này ít nhất là 15 năm.
Tóm lại, trong điều kiện hiện tại, hiệu quả tác chiến của các tên lửa do Mỹ chế tạo là không đáng kể, chỉ đạt 1-2%, và tối đa đạt 5%.
(theo AIF)