Tên lửa Triều Tiên có thể đã 'phát nổ giữa không trung'
Triều Tiên phóng một tên lửa được cho rằng có vẻ như đã phát nổ ngay sau khi cất cánh trên bầu trời Bình Nhưỡng hôm thứ Tư (16/4), quân đội Hàn Quốc cho biết.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết quả tên lửa được bắn từ sân bay quốc tế ở Sunan, ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. "Rất có thể, nó đã thất bại ngay sau khi phóng", tuyên bố cho biết.
Hình ảnh ghi lại một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây. Ảnh: AP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, đây là một "vụ phóng tên lửa đạn đạo" và lên án đây là hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng từ chối bình luận khi được hỏi về vụ thất bại được báo cáo.
Các mảnh vỡ rơi xuống hoặc gần Bình Nhưỡng sau vụ thử thất bại, NK News có trụ sở tại Seoul đưa tin, trích dẫn các nhân chứng giấu tên và một bức ảnh chụp vụ thử cho thấy một quả cầu khói màu đỏ ở cuối một chùm tia ngoằn ngoèo theo quỹ đạo phóng tên lửa trên bầu trời thành phố.
Các nhà phân tích cho biết, vụ phóng thất bại nhấn mạnh mối nguy hiểm đằng sau quyết định của Triều Tiên sử dụng một sân bay quá gần các khu dân cư đông đúc làm địa điểm bắn thử các tên lửa lớn.
Năm 2017, một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ một địa điểm khác ở Triều Tiên đã thất bại ngay sau khi cất cánh và đâm vào một khu liên hợp công nghiệp hoặc nông nghiệp ở thành phố Tokchon.
Sân bay Sunan là địa điểm của một số vụ phóng gần đây, bao gồm vào ngày 27 tháng 2 và ngày 5 tháng 3. Triều Tiên cho biết các cuộc thử nghiệm đó là để phát triển các thành phần của vệ tinh do thám và không xác định họ đã sử dụng tên lửa nào, nhưng Seoul và Washington cho biết họ đã thử nghiệm hệ thống ICBM mới.
Triều Tiên đã bắn tên lửa với tần suất chưa từng có trong năm nay, tiến hành vụ thử vũ khí thứ 9 vào ngày 5/3, thu hút sự lên án từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Lực lượng Mỹ tại châu Á cho biết, tàu sân bay USS Abraham Lincoln dẫn đầu cuộc tập trận ở Hoàng Hải và lực lượng phòng không tại căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc tăng cường diễn tập nhằm đáp trả hoạt động tên lửa gia tăng của Triều Tiên.
Hệ thống ICBM mới nhất và lớn nhất của Triều Tiên, Hwasong-17, lần đầu tiên được công bố tại một cuộc duyệt binh vào năm 2020 và tái xuất hiện tại một triển lãm quốc phòng vào tháng 10 năm 2021.
Các vụ phóng vào ngày 27 tháng 2 và ngày 5 tháng 3 không chứng minh được tầm bắn đầy đủ của tên lửa và các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có thể chỉ sử dụng một giai đoạn của tên lửa hoặc điều chỉnh lượng nhiên liệu của nó để bay ở độ cao thấp hơn.
Triều Tiên đã không thử ICBM hoặc bom hạt nhân kể từ năm 2017, nhưng đã nói rằng họ có thể tiếp tục thử nghiệm như vậy, vì các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Mỹ đang bị đình trệ.
Bùi Huy (theo Reuters)