Tên lửa Trung Quốc mất kiểm soát, sẽ rơi thẳng xuống Trái đất
Một phần của tên lửa Trường Chinh 5B mới được phóng bởi Trung Quốc đang rơi tự do với vận tốc 27.600km/h. Hiện vẫn chưa được xác định được địa điểm rơi.
Ngày 29/4, tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phóng thành công module lõi, thuộc trạm không gian Thiên Cung (Heavenly Harmony) bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B vào quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.
Thay vì rơi xuống điểm đã định trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh địa cầu trong sự bất lực của Trung Quốc.
Với sự cố này, các chuyên gia đang dấy lên báo động về một trong những “cú đáp đất” không kiểm soát lớn nhất từ trước đến nay. Có những lo ngại rằng tên lửa có thể rơi xuống khu vực có nhà dân.
Ông Jonathan McDowell, nhà Vật lý Thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn, Đại học Harvard nhận định: “Nhiều khả năng, trường hợp xấu sẽ xảy ra”.
Ông nói: “Trước đó, khi họ phóng tên lửa Trường Chinh 5B, những thanh kim loại dài và lớn đã bay không kiểm soát qua bầu trời, làm hư hại một số tòa nhà ở Bờ Biển Ngà. Hầu hết các thanh kim loại này đều nổ tung, nhưng cũng có những mảnh kim loại khổng lồ rơi xuống đất. Rất may mắn là không ai bị thương”.
Ngày 4/5, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh địa cầu mỗi 90 phút với tốc độ khoảng 27.600km/h và độ cao hơn 300km. Quân đội Mỹ gọi tên lửa này là 2021-035B.
Quỹ đạo rơi của tên lửa có thể được quan sát thông qua các trang web như orbit.ing-now.com.
Kể từ cuối tuần vừa qua, độ cao của Trường Chinh 5B đã giảm gần 80km. Theo tờ SpaceNews, các quan sát từ dưới mặt đất cho thấy tên lửa đang lộn nhào trong không trung một cách mất kiểm soát.
Điều này cộng thêm tốc độ của tên lửa khiến chúng ta không thể đoán được nó sẽ rơi xuống đâu khi bị tác động bởi lực hút Trái đất. Ông McDowell dự đoán khả năng cao nhất là tên lửa sẽ rơi xuống biển.
Tuy nhiên, ông McDowell cũng cho biết sau khi đáp đất, tên lửa vẫn sẽ bảo toàn được một số bộ phận.
Kể từ năm 1990, chưa có thứ gì nặng hơn 10 tấn từng được phóng vào quỹ đạo. Trong khi đó, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B nặng khoảng 21 tấn.
Ông McDowell lên tiếng: “Phía Trung Quốc quá cẩu thả. Nếu là chúng tôi, tất nhiên chúng tôi sẽ không để thứ gì nặng hơn 10 tấn rơi một cách mất kiểm soát từ độ cao đó”.
Dựa vào quỹ đạo hiện tại, Trường Chinh 5B đang hướng về các vùng phía bắc như New York, Madrid và Bắc Kinh và các vùng phía nam như miền nam Chile và thủ đô Wellington của New Zealand. Tên lửa hoàn toàn có thể rơi ở bất kỳ điểm nào trong các khu vực này.
Với vận tốc của Trường Chinh 5B, một thay đổi nhỏ trên quỹ đạo rơi cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Tên lửa dự kiến sẽ rơi xuống Trái đất trong khoảng từ ngày 8 đến 12/5.
Vụ phóng tên lửa là một phần trong 11 sứ mệnh thuộc kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ mang tên Thiên Cung của Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Trạm vũ trụ hình chữ T được cho là nặng khoảng 60 tấn, nhỏ hơn đáng kể so với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
(theo The Guardian)