Tên lửa Trường Chinh 8 của Trung Quốc vừa lập kỷ lục: Đẳng cấp thế giới!

Tên lửa Trường Chinh 8 của Trung Quốc vừa lập kỷ lục quốc gia về khả năng phóng nhiều vệ tinh cùng một lúc.

Tân Hoa xã đưa tin, vào 11:06 sáng (giờ Bắc Kinh) ngày 27/2/2022, tại Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương, Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 8 (Long March 8) để thực hiện sứ mệnh đưa 22 vệ tinh vào quỹ đạo định sẵn.

Vụ phóng của Trường Chinh 8 ngay lập tức lập kỷ lục quốc gia về số lượng vệ tinh được phóng cùng một lúc bằng một tên lửa duy nhất.

Duan Baocheng, phó tổng chỉ huy của Trường Chinh 8, cho biết tên lửa sẽ thực hiện 12 lần điều động tách rời để đưa 22 vệ tinh đến quỹ đạo định sẵn của chúng.

Các vệ tinh trong sứ mệnh này được thiết kế và sản xuất bởi 7 đơn vị và người sử dụng là từ 7 công ty hàng không vũ trụ thương mại trong nước và 2 cơ quan nghiên cứu khoa học. 22 vệ tinh này được sử dụng chủ yếu cho các dịch vụ viễn thám thương mại, giám sát môi trường biển, phòng chống cháy rừng và giảm nhẹ thiên tai.

Tên lửa Trường Chinh 8 là thế hệ tên lửa phòng không mới của Trung Quốc. Việc nghiên cứu và phát triển bắt đầu vào năm 2017. Mẫu Trường Chinh 8 ban đầu đã thực hiện sứ mệnh đầu tiên của mình tại bãi phóng ven biển Văn Xương vào ngày 22/12/2020.

Nhiệm vụ của Trường Chinh 8 đánh dấu chuyến bay thứ 409 của dòng tên lửa đẩy Trường Chinh của nước này. Đồng thời, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc xây dựng một trung tâm phóng vũ trụ đẳng cấp thế giới của Trung Quốc, Globaltimes bình luận.

Wu Yansheng, một quan chức cấp cao của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, tiết lộ vào tháng 11/2021 rằng Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển phương tiện phóng đầu tiên trong lịch sử nước này có khả năng cất cánh thẳng đứng và hạ cánh thẳng đứng vào năm 2025.

TRUNG QUỐC KHÔNG NGỪNG CẢI TIẾN TÊN LỬA ĐẨY

Trường Chinh 8 được sử dụng cho vụ phóng hôm 27/2 có tên đầy đủ là Trường Chinh 8/Y2. Đây là phiên bản sửa đổi của tên lửa đẩy có sức nâng hạng trung trước đó là Trường Chinh 8/Y1.

Trường Chinh 8/Y2 dài 48 m với trọng lượng cất cánh 198 tấn. Nó sử dụng động cơ đẩy không độc hại và không gây ô nhiễm môi trường, với tải trọng 3 tấn lên Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (SSO).

Tên lửa Trường Chinh 8 mang theo 22 vệ tinh phóng từ Bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, ngày 27 tháng 2 năm 2022. (Ảnh của Tu Haichao / Tân Hoa xã)

Tên lửa Trường Chinh 8 mang theo 22 vệ tinh phóng từ Bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, ngày 27 tháng 2 năm 2022. (Ảnh của Tu Haichao / Tân Hoa xã)

Được thiết kế và chế tạo bởi Học viện Công nghệ Phương tiện phóng Trung Quốc (CALT), một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), sự phát triển của tên lửa Trường Chinh 8 nhằm mục đích lấp đầy khoảng trống về khả năng phóng của Trung Quốc lên Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời; đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ phóng từ các công ty vệ tinh thương mại trong và ngoài nước lên quỹ đạo tầm trung bình và thấp.

So với mô hình tên lửa Trường Chinh 8 ban đầu (Trường Chinh 8/Y1), mô hình sửa đổi Trường Chinh 8/Y2 đã được các kỹ sư hàng không hủy bỏ 2 tên lửa đẩy bên cạnh. CALT giải thích rằng chiều cao của hình nón mũi của Trường Chinh 8/Y2 cũng đã rút ngắn từ 8 mét xuống còn 5,4 mét. Những thay đổi này giúp tên lửa có thể phóng nhiều vệ tinh cùng một lúc, với các yêu cầu quỹ đạo khác nhau.

Theo các nhà thiết kế Trung Quốc, họ đã dành nửa năm để phát triển một bộ phân phối ba lớp bên trong hình nón mũi tên lửa để đảm bảo an toàn cho việc phân tách tên lửa-vệ tinh trong không gian.

Xiao Yun, chỉ huy trưởng của tên lửa, cho biết một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm cho dòng Trường Chinh 8 đang được xây dựng bên ngoài bãi phóng Văn Xương ở tỉnh Hải Nam.

Sau khi nhà máy hoàn thành, dự kiến sẽ rút ngắn khoảng thời gian nghỉ phóng của tên lửa Trường Chinh 8 xuống còn 7 ngày, do đó, Trường Chinh 8 có thể thực hiện 50 lần phóng mỗi năm.

Trước sứ mệnh của dòng tên lửa Trường Chinh 8 thực hiện ngày 27/2/2022, kỷ lục trước đó về lần phóng vệ tinh trong cùng một sứ mệnh được Trường Chinh 6 nắm giữ, với khả năng đưa 20 vệ tinh vào quỹ đạo định sẵn.

Globaltimes cho hay, mô hình Trường Chinh 8 được mệnh danh là "Falcon 9 SpaceX phiên bản Trung Quốc" vì có khả năng tái sử dụng. Giai đoạn đầu tiên của Trường Chinh 8 dự kiến sẽ có thể tái sử dụng 10 lần vào năm 2025 và vào năm 2035, toàn bộ tên lửa dự kiến sẽ có thể tái sử dụng, CASC cho biết vào tháng 11 năm 2020.

Hình ảnh Trường Chinh 8 phóng đi từ bãi phóng Văn Xương ngày 27/2/2022. Ảnh của Tân Hoa xã:

Nguồn: Tân Hoa xã, GlobalTimes

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ten-lua-truong-chinh-8-cua-trung-quoc-vua-lap-ky-luc-dang-cap-the-gioi-82022282114953465.htm