Tên lửa Vega của châu Âu rơi xuống biển khi đưa vệ tinh lên quỹ đạo
Chỉ hai phút sau khi được phóng lên, tên lửa Vega của Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace mang vệ tinh quan sát Trái Đất FalconEye1 của UAE đã gặp trục trặc và rơi xuống biển.
Sáng 11/7, vụ phóng vệ tinh quan sát Trái Đất từ sân bay vũ trụ Kourou thuộc vùng lãnh thổ hải ngoại Guiana của Pháp ở Nam Mỹ đã thất bại.
Chỉ hai phút sau khi được phóng lên, tên lửa Vega của Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace mang vệ tinh quan sát Trái Đất FalconEye1 của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã gặp trục trặc và rơi xuống biển.
Đại diện của Arianespace đã gửi lời xin lỗi khách hàng và cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân của thất bại trên.
Trước đó, tập đoàn này đã hai lần phải hoãn kế hoạch phóng tên lửa Vega do điều kiện thời tiết ở Guiana không thuận lợi và có gió mạnh.
Tên lửa Vega dài 30m với kinh phí phát triển 790 triệu euro, là tên lửa đẩy nhỏ nhất của Tập đoàn Arianespace. Nó phù hợp với các nhiệm vụ đưa vệ tinh nghiên cứu khoa học và quan sát Trái Đất loại nhỏ lên quỹ đạo.
Vụ phóng thành công đầu tiên của loại tên lửa này được thực hiện vào ngày 13/2/2012. Theo Arianespace, mỗi năm tên lửa Vega thực hiện từ 3-4 vụ phóng. Đây là vụ thất bại đầu tiên của tên lửa này.
Theo dự kiến, sau khi được phóng lên quỹ đạo, vệ tinh FalconEye1 sẽ chụp và gửi những bức ảnh có độ phân giải cao về Trái Đất. Đây là vệ tinh do Tập đoàn Airbus và nhà sản xuất Thales Alenia Space phối hợp phát triển.
Các bức ảnh do FalconEye1 chụp có thể được sử dụng để lập bản đồ khu vực, quy hoạch đô thị, giám sát biên giới và bờ biển của UAE. Sau FalconEye1, UAE có kế hoạch tiếp tục đưa vệ tinh FalconEye2 lên quỹ đạo./.