Tên phường, xã mới ở TP.HCM: Ưu tiên những địa danh truyền thống, có giá trị văn hóa sâu sắc
Việc đặt tên phường, xã mới ở TP.HCM như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn sẽ gắn kết cộng đồng, gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, tạo niềm tự hào về bản sắc văn hóa đặc trưng.
TP.HCM vừa chính thức thông qua phương án sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu thành 102 đơn vị hành chính cấp xã mới. Đây là bước điều chỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, phù hợp với tình hình phát triển đô thị.
Đáng chú ý, trong phương án này, nhiều địa danh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố sẽ trở lại bản đồ hành chính. Cụ thể, quận 1 dự kiến sẽ có phường Sài Gòn, quận Bình Thạnh có phường Gia Định và quận 5 có phường Chợ Lớn.

Dự kiến quận 1 sẽ có phường Sài Gòn, quận Bình Thạnh có phường Gia Định và quận 5 có phường Chợ Lớn. Ảnh: THUẬN VĂN.
Trao đổi với PLO, TS Huỳnh Đức Thiện, khoa Việt Nam học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, cho rằng khi đặt tên mới cho các đơn vị hành chính, cần đảm bảo tính hợp lý và phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị.
Trước hết, tên gọi phải có tính lịch sử - văn hóa, ưu tiên những địa danh truyền thống có giá trị văn hóa sâu sắc và gắn liền với ký ức cộng đồng. Đồng thời, tên gọi cũng cần phản ánh đặc điểm địa lý và nhân văn của khu vực, thể hiện tính đại diện vùng miền.
Ngoài ra, tên cần đơn giản, dễ nhận biết và dễ đọc để người dân và khách quốc tế dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, việc lựa chọn tên cần phải đảm bảo tính kế thừa, tránh đứt gãy ký ức đô thị, không thay thế hoàn toàn những tên gọi đã ăn sâu trong đời sống cộng đồng.
Cuối cùng, tính pháp lý - hành chính cũng rất quan trọng, tránh tình trạng trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với các địa danh đã có.

TS Huỳnh Đức Thiện, khoa Việt Nam học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM.
Theo TS Thiện, việc khôi phục lại những địa danh như Gia Định, Chợ Lớn hoàn toàn có thể được coi là một hình thức “ôn cố tri tân” - nhắc lại chuyện xưa để hiểu chuyện nay. Việc phục dựng hoặc duy trì các địa danh cũ không chỉ là hoài niệm, mà còn là cách nối dài ký ức đô thị, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của vùng đất.
Trong bối cảnh đô thị hiện đại hóa nhanh chóng, những địa danh cổ là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp nhắc nhở con người về căn tính văn hóa, đồng thời tạo điểm nhấn cho không gian đô thị, mang lại chiều sâu văn hóa cho thành phố.
TS Thiện chia sẻ việc đặt lại tên phường theo địa danh cũ chắc chắn sẽ tạo kết nối lịch sử liên tục cho người dân, đặc biệt là giới trẻ. Đối với những người lớn tuổi, các địa danh như Gia Định, Chợ Lớn gợi lại ký ức, gắn kết với quá khứ và tạo cảm giác thân thuộc.
Đối với thế hệ trẻ, nếu kết hợp với các hoạt động giáo dục, truyền thông và nghệ thuật như bảo tàng cộng đồng, ứng dụng bản đồ lịch sử, hay bảng tên đường giải thích về nguồn gốc, thì những địa danh cũ sẽ không còn là điều xa lạ mà trở thành điểm khởi đầu để khám phá văn hóa và lịch sử nơi mình sống.
“Điều này giúp tạo ra mối dây liên kết xuyên suốt thời gian, khiến cư dân không chỉ “ở” trong đô thị mà còn “thuộc về” đô thị đó một cách sâu sắc” – TS Thiện nhấn mạnh.
Nhìn lại lịch sử các địa danh Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn
Sài Gòn đã tồn tại trước khi người Hoa và người Pháp đặt chân đến vùng đất này. Theo tài liệu "Phủ Biên Tạp Lục" của Lê Quý Đôn năm 1776, Sài Gòn lần đầu tiên xuất hiện trong sử sách với sự kiện Thống suất Nguyễn Dương Lâm đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn vào năm 1674. Tuy nhiên, từ "Sài Gòn" không phải là tên gọi của một địa phương cụ thể mà là tên của một khu vực địa lý. Từ thế kỷ XVIII, Sài Gòn đã dần trở thành trung tâm kinh tế, giao thương lớn nhất miền Nam nhờ vào vị trí chiến lược gần cảng biển và các tuyến giao thông thủy, bộ. Dưới thời Pháp thuộc, Sài Gòn được quy hoạch hiện đại, trở thành "Hòn ngọc Viễn Đông" với các công trình văn hóa - hành chính có giá trị.
Gia Định là địa danh hành chính, đã xuất hiện từ năm 1698. Đến năm 1800, Gia Định được đổi thành trấn Gia Định, và đến năm 1808, trấn Gia Định lại được đổi thành "thành Gia Định". "Gia Định thành" trong "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức chính là cụm từ để chỉ khu vực này. Gia Định là nơi quy tụ nhiều lưu dân, tạo nên nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa đa dạng của Nam Bộ, đặc biệt là TP.HCM ngày nay.
Chợ Lớn ban đầu là một khu vực của làng Minh Hương, nơi cư trú của những người Hoa di cư không thần phục nhà Thanh. Người Hoa đã lập nên các chợ để trao đổi hàng hóa. Chợ Lớn được gọi như vậy vì quy mô lớn hơn nhiều so với các chợ của người Việt. Từ đó, tên gọi Chợ Lớn không chỉ chỉ một khu chợ mà còn gắn liền với vùng đất nơi nó tọa lạc. Chợ Lớn nổi bật với đặc trưng kinh tế - thương mại sôi động và là trung tâm buôn bán lớn nhất Đông Dương một thời. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của người Hoa, được dung hợp hài hòa vào bản sắc đô thị Nam Bộ.
Năm 1862, sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp đã phân định lại địa giới và chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn, tách ra khỏi tỉnh Gia Định của nhà Nguyễn. Từ đó, Sài Gòn trở thành chính danh của một đô thị. Vào đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp thành lập tỉnh Gia Định và thành phố Chợ Lớn, tạo thành cụm "Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định" trên bản đồ hành chính Nam Kỳ thuộc địa cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945.
Như vậy, tên gọi "Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định" không chỉ mang ý nghĩa vị trí địa lý mà còn là biểu tượng của các tầng văn hóa, lịch sử và kinh tế khác nhau, tạo nên nền tảng của TP.HCM ngày nay.
TS Huỳnh Đức Thiện, khoa Việt Nam học Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM