Tên thành phố Thanh Hóa như thế nào sau khi sát nhập với huyện Đông Sơn?

Tại Hội nghị thông qua đề án sáp nhập huyện Đông Sơn với TP.Thanh Hóa, và thành lập các phường thuộc TP.Thanh Hóa đã đưa ra 2 phương án đối với tên gọi của thành phố sau sáp nhập. Điều này đã giấy lên nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và người dân xung quanh việc đặt tên TP. Đông Sơn hay TP.Thanh Hóa.

Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã mở Hội nghị thông qua đề án sáp nhập huyện Đông Sơn với TP. Thanh Hóa, và thành lập các phường thuộc TP. Thanh Hóa.

Tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ Thanh Hóa nêu lý do cần thiết phải nhập huyện Đông Sơn với TP. Thanh Hóa. Cụ thể, TP. Thanh Hóa hiện tại có 30 phường, nhưng chỉ có 4 xã ngoại thành. Dân số ngoại thành của thành phố chỉ chiếm 3,75% và 13,1% diện tích. Tỷ lệ như vậy là mất cân bằng về chức năng của vùng nội và ngoại thành.

Trong khi TP. Thanh Hóa đang có hướng phát triển về phía tây (huyện Đông Sơn nằm ở phía tây TP. Thanh Hóa), huyện Đông Sơn lại đang đô thị hóa mạnh, phù hợp với sự phát triển của thành phố trong tương lai. Ngoài ra, việc nhập huyện Đông Sơn với TP. Thanh Hóa sẽ giúp tinh giản bộ máy và số đơn vị hành chính theo chủ trương của T.Ư.

Một góc thành phố Thanh Hóa.

Một góc thành phố Thanh Hóa.

Đại diện Sở Nội vụ Thanh Hóa đưa ra 2 phương án về tên gọi cho thành phố. Phương án 1 lấy tên là TP. Thanh Hóa như hiện tại, do nhận diện về TP. Thanh Hóa trong nước và quốc tế đã khá lâu và được nhiều người biết đến. Lấy tên gọi là TP. Thanh Hóa sẽ không gây xáo trộn nhiều về thủ tục hành chính khi sáp nhập.

Phương án 2 là lấy tên TP. Đông Sơn, vì tên Đông Sơn gắn với bề dày lịch sử của dân tộc. Đông Sơn là 1 trong 4 nền văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, TP. Thanh Hóa hiện nay phần lớn là diện tích cũ của huyện Đông Sơn nhập vào, hầu hết cán bộ, đảng viên lão thành của thành phố đều có nguồn gốc từ huyện Đông Sơn.

Kết luận hội nghị, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP. Thanh Hóa đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức các bước theo quy định để lựa chọn 1 trong 2 phương án đối với tên gọi của thành phố sau sáp nhập để báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện đề án sáp nhập huyện Đông Sơn về TP. Thanh Hóa.

Sau Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng việc sắp nhập về 1 thành phố ngoài việc tinh gọn bộ máy cũng gây rất nhiều khó khăn cho người dân, bao gồm việc chuyển đổi giấy tờ cá nhân và các chi phí kéo theo.

Trước những xôn xao từ dư luận về việc TP. Thanh Hóa có đổi tên thành TP. Đông Sơn hay không, trao đổi với báo chí sau Hội nghị, ông Trình Huy Triều - Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho biết, hiện nay chưa có thông tin chính thức. Việc đổi tên gọi cần phải được trưng cầu ý kiến của nhân dân hai nơi (huyện Đông Sơn và TP. Thanh Hóa), ý kiến của các xã, phường, hội thảo hoa học...

Theo ông Triều, các cơ quan của TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện các bước đầu tiên trong quá trình lập đề án sáp nhập huyện Đông Sơn với TP. Thanh Hóa. Trong đó, có việc đánh giá, lựa chọn tên gọi cho TP. Thanh Hóa sau khi sáp nhập.

"Việc lấy tên gọi cần phải xây dựng kế hoạch, xin ý kiến nhân dân, mở hội thảo khoa học rồi mới thống nhất tên gọi nào? Tiếp đó, sẽ trình Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét", ông Triều cho hay.

Mạnh Linh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/ten-thanh-pho-thanh-hoa-nhu-the-nao-sau-khi-sat-nhap-voi-huyen-dong-son-172220615100444327.htm