Chủ dự án du lịch giải trí lớn nhất Việt Nam bị cưỡng chế thuế hơn 5.400 tỷ đồng
Quy mô hơn 900ha, Saigon Atlantis Hotel được xem là dự án du lịch giải trí lớn nhất Việt Nam. Chủ dự án này đang nợ thuế và tiền chậm nộp hơn 5.400 tỷ đồng, vừa bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn.
Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH Winvest Investment (Công ty Winvest Investment), trụ sở tại chung cư DIC Phoenix, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu.
Cụ thể, Công ty Winvest Investment bị ngừng sử dụng hóa đơn vì nợ thuế quá 90 ngày so với thời hạn. Số tiền doanh nghiệp này bị cưỡng chế thuế hơn 5.400 tỷ đồng.
Công ty Winvest Investment thuộc Tập đoàn Winvest LLC (Hoa Kỳ), được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu du lịch giải trí nghỉ mát đa năng Saigon Atlantis Hotel (Saigon Atlantis Hotel) tọa lạc tại Khu Chí Linh - Cửa Lấp, thuộc phường 11 và 12, TP Vũng Tàu.
Với quy mô 917ha (307ha đất liền và 610ha lấn biển), vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,1 tỷ USD, Saigon Atlantis Hotel được xem là dự án du lịch giải trí lớn nhất Việt Nam từng được cấp phép đầu tư.
Năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu dự án Saigon Atlantis Hotel cho Công ty Winvest Investment. Hai năm sau, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp chứng nhận đầu tư thay đổi lần 1 cho dự án.
Theo quy hoạch, dự án Saigon Atlantis Hotel có các công trình vui chơi giải trí, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài. Ngoài ra, dự án sẽ có 332 biệt thự, 11.960 phòng khách sạn và 16.127 căn hộ cao cấp.
Tuy được cấp chứng nhận đầu tư đã 17 năm nhưng đến nay dự án Saigon Atlantis Hotel vẫn chưa triển khai. Theo Công ty Westvest Investment, nguyên nhân khiến cho dự án bị chậm tiến độ là do vướng mắc trong việc xác định tiền thuê đất.
Cụ thể, sau khi được chấp thuận đầu tư, năm 2007, Công ty Westvest Investment đã ứng 98 tỷ đồng tiền thuê đất để hỗ trợ UBND tỉnh thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đến tháng 11/2012, chủ đầu tư mới được giao 87/307ha đất. Tiếp đó, chủ đầu tư đã khảo sát địa chất, đo vẽ để lập bản đồ địa chính, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500…
Đến lúc này, vướng mắc phát sinh khi Nghị định 69/2009 có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, trong đó có quy định “doanh nghiệp phải nộp tiền thuê đất tính từ thời điểm được giao đất”.
Với trường hợp của dự án Saigon Atlantis Hotel, chiếu theo quy định trên, chủ đầu tư phải nộp tiền thuê đất từ tháng 11/2012, tức sau 5 năm so với thời điểm doanh nghiệp ứng 98 tỷ đồng chi trả tiền đền bù.
Công ty Westvest Investment cho rằng, so với thời điểm năm 2007, giá đất trên địa bàn tỉnh vào năm 2012 đã tăng gấp 7 lần. Theo quy định của Nghị định 69/2009, công ty phải nộp thêm hàng nghìn tỷ đồng chênh lệch tiền thuê đất.
Với mong muốn triển khai dự án, Công ty Westvest Investment đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận cho áp dụng đơn giá thuê đất tại thời điểm năm 2007.
Từ hướng dẫn của Bộ Tài chính, tháng 5/2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết vướng mắc tại các dự án mà chủ đầu tư đã ứng tiền thuê đất để giải phóng mặt bằng, trong đó có dự án Saigon Atlantis Hotel.
Đối với 98 tỷ đồng ứng trước của Công ty Westvest Investment, lãnh đạo Sở Tài chính khi đó cho biết sẽ tham mưu cho UBND tỉnh áp dụng đơn giá thuê đất tại năm 2007 theo diện tích tương ứng của dự án. Phần diện tích còn lại vẫn phải tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định giao đất. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vướng mắc về tiền thuê đất tại dự án Saigon Atlantis Hotel vẫn chưa được giải quyết.
Theo Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến tháng 11/2019, Công ty Westvest Investment còn nợ thuế gần 2.400 tỷ đồng tiền cho ba đợt giao đất. Ngoài ra, tiền thuê đất chậm nộp của doanh nghiệp này tính đến tháng 6/2020 gần 2.000 tỷ đồng.
Vào tháng 3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất UBND tỉnh cho gia hạn thời gian xử lý các hồ sơ pháp lý của dự án Saigon Atlantis Hotel trong quý 2/2024.
Theo Sở này, do đây là dự án FDI quy mô lớn nên việc xử lý cần xem xét kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện nhằm đảm bảo chặt chẽ tính pháp lý, tránh khiếu kiện quốc tế.