Tên tuổi xuất sắc của nền sân khấu cách mạng

Vào ngày 30/11, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo khoa học 'Xuân Trình – nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới'. Đây là dịp để đánh giá lại những cống hiến của tác giả Xuân Trình cho sự nghiệp sân khấu Việt Nam.

Nhà viết kịch tài năng

Nhà viết kịch Xuân Trình

Nhà viết kịch Xuân Trình

Xuân Trình có rất nhiều vở diễn nổi tiếng từ giữa những năm 60 - 90 của thế kỷ 20 như Chuyện những người du kích; Quê hương Việt Nam; Lập xuân; Hận thù từ đâu tới; Bạch đàn liễu; Ngôi nhà trong thành phố; Xóm vắng; Cố nhân; Thời tiết ngày mai; Đợi đến mùa xuân; Chuyện tình trong rừng cấm; Mùa hè ở biển; Nửa ngày về chiều... Ông tên thật là Nguyễn Xuân Trình, quê thôn Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông từng đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001; nguyên Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu...

Trước khi viết kịch, ông từng là một cây bút viết báo rồi viết văn xuôi. Về vùng đất Quảng Bình - Vĩnh Linh trong những ngày hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Xuân Trình đã viết cuốn bút ký Từ một làng ở Vĩnh Linh (NXB Văn học, 1970) và truyện ngắn Đường trường (Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn do tuần báo Văn nghệ tổ chức (1969 - 1970).

Song, để tên tuổi của ông được khẳng định trong lĩnh vực văn học lại là những tác phẩm kịch nổi tiếng mà điển hình là vở Quê hương Việt Nam (1967). Đây là vở kịch dài viết về cuộc chiến đấu ác liệt nhưng cũng rất anh hùng của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh phá hoại. Xuân Trình cùng đi với nhà làm phim Giôn-rít Iven, sống ở đó nhiều tháng liền, được chứng kiến mọi sự kiện và được thể nghiệm mọi cảm giác của cuộc sống diễn ra nơi tuyến lửa. Như chúng ta biết, thời điểm đó, do yêu cầu bức thiết của cuộc sống chiến đấu diễn ra dồn dập, kịch tính, nóng bỏng, nên nhiệm vụ trước hết của văn học nghệ thuật là phải phản ánh kịp thời, động viên cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta ở mặt trận cũng như hậu phương.

Giữa bối cảnh đó, với Quê hương Việt Nam, Xuân Trình không chỉ phản ánh cuộc sống ở “cấp sự kiện” mà còn bước đầu hướng tới sự phân tích, lý giải sự kiện. Nhân tố con người và khía cạnh nhân đạo của sự kiện đã được ông gián tiếp đề cập đến. Và kết quả là những điều lý giải của ông chưa phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống trước mắt. Muốn hay không, cái nhìn nhân bản cũng sẽ gợi cho người ta một ấn tượng về thân phận con người trong chiến tranh khốc liệt. Thời đó nhiều ý kiến cho rằng vở kịch của ông làm cho người ta sợ hãi chiến tranh, không củng cố, động viên được tinh thần dũng cảm chiến đấu hy sinh ngoài mặt trận.

Điều này nhắc chúng ta nhớ tới vở kịch Tiếng hát tuyệt vời (sau này đổi thành Tiếng hát) của Đào Hồng Cẩm về cùng một đề tài, xuất hiện trong một bối cảnh tương tự, chỉ có điều vở kịch ra đời muộn hơn gần 10 năm. Đến năm 1985, nghĩa là 10 năm sau chiến tranh, 10 năm sau khi Đào Hồng Cẩm viết Tiếng hát tuyệt vời và gần 20 năm sau Quê hương Việt Nam của Xuân Trình, vở diễn Tiếng hát tuyệt vời mới được dàn dựng và biểu diễn.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: “Xuân Trình có tính năng động trong tổ chức, tài năng trong lĩnh vực sáng tác. Tác phẩm của ông mang tính tiên phong, dự báo, ông nhìn thẳng, tố cáo tiêu cực của xã hội. Các hình tượng nhân vật của ông, tôi cảm giác như họ đang khoác tay chúng ta đi vào đời sống”.

Còn PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái cho biết: “Xuân Trình là người viết kịch kiên định. Ông thủy chung như nhất với tín niệm riêng của mình: đã quyết dấn thân viết kịch thì cách gì cũng phải đối thoại được với thời cuộc mình đang sống, thông qua đối thoại, xung đột giữa các nhân vật kịch, phải được chưng cất từ đối thoại điển hình, từ các vấn đề nảy sinh từ trong sự phát triển mang tính bi kịch, hài kịch và cả chính kịch nữa, trong đời sống xã hội Việt Nam hiện đại. Ông khẳng định với các đồng nghiệp viết: nếu kịch không đối thoại được với người xem đương thời, về những vấn đề bức xúc đang nảy sinh trong xã hội hiện đại Việt Nam và giúp người xem cách giải quyết, thì ai còn tìm đến đến rạp hát xem kịch?”.

Anh Nguyễn Xuân Nguyên, con trai cố tác giả Xuân Trình phát biểu tại buổi họp báo

Anh Nguyễn Xuân Nguyên, con trai cố tác giả Xuân Trình phát biểu tại buổi họp báo

Gắn bó với thôn quê

Sau này, Xuân Trình trở về quê - một vùng đồng chiêm trũng, sống một thời gian ở đó gọi là đi thực tế. Ở đây, ông như lấy lại được cảm hứng, như tìm lại được niềm vui trong công việc, và quan trọng hơn là đã tìm ra cho mình một "mảnh đất riêng" một "vùng quê" trong sáng tác. Vở Xóm vắng được viết vào giai đoạn này. Đó là một bài thơ, một bức tranh thủy mặc về vẻ đẹp và sự đôn hậu của con người nơi thôn dã. Cái ý thơ nhuốm màu sắc ẩn dật: "Không có nơi đô hội nào lại không bắt đầu từ nơi vắng vẻ heo hút” đã thức dậy trong anh toàn bộ cảm hứng về đề tài nông thôn.

Anh Nguyễn Xuân Nguyên (con trai nhà viết kịch Xuân Trình) xúc động nói: Tôi và gia đình rất vui và tự hào khi có cuộc hội thảo về người bố kính yêu của mình tới đây. Về góc độ nghệ thuật, đây là giây phút những đồng nghiệp, bạn bè chia sẻ những cách nhìn của bố tôi về văn hóa và về đời sống. Thông qua hội thảo, chúng ta sẽ có thêm cách nhìn mới về bố tôi. Bố ra đi khi chúng tôi còn rất nhỏ. Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với bố. Dù bố bệnh tật nhưng vẫn dành thời gian để viết, làm việc nỗ lực hết mình.

Có thể nói, hầu hết các kịch bản của Xuân Trình đều không chỉ phản ánh một cách chân thực và sinh động những cảnh đời ấm lạnh của những tháng năm ông đã sống, mà còn ẩn chứa những dự báo về tương lai với một góc nhìn mới mẻ, mang nhiều tính phát hiện.

Nhân dịp này, vở “Bạch đàn liễu” cũng được đạo diễn, NSƯT Trần Lực, NSND Trung Anh và các nghệ sĩ trẻ của LUCTEAM dàn dựng, sẽ biểu diễn vào lúc 20h ngày 29/11, tại rạp Đại Nam.

Diên Khánh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ten-tuoi-xuat-sac-cua-nen-san-khau-cach-mang-95279.html