Tencent sẽ lập ủy ban độc lập giám sát quyền riêng tư
Tencent là tập đoàn công nghệ đầu tiên ở Trung Quốc tuyên bố thành lập ủy ban giám sát quyền riêng tư. Một số chuyên gia đặt câu hỏi về tính độc lập của ủy ban này.
Tencent tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban giám sát quyền riêng tư có nhiệm vụ đánh giá hệ thống bảo vệ dữ liệu người dùng của tập đoàn này. Với động thái trên, Tencent đã trở thành tập đoàn công nghệ đầu tiên tại Trung Quốc thiết lập một cơ quan như vậy.
Ủy ban giám sát của Tencent sẽ có 15 thành viên, theo tuyên bố trên WeChat, và bao gồm các chuyên gia về công nghệ và pháp lý, luật sư, chuyên gia truyền thông, và “một số thành viên khác từ công chúng”. Các thành viên sẽ được lựa chọn qua cả 2 kênh ứng tuyển công khai và chủ động tìm kiếm.
Với tên chính thức là “Ủy ban Độc lập Giám sát Bảo vệ Thông tin Cá nhân”, ủy ban này sẽ “đánh giá độc lập” những nỗ lực của Tencent trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và sản phẩm của tập đoàn, đồng thời đưa ra khuyến nghị và sửa đổi hoạt động của tập đoàn nếu cần thiết.
Trong thông báo lựa chọn thành viên ủy ban, Tencent cũng cam kết sẽ xuất bản báo cáo trách nhiệm xã hội về bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng không nói cụ thể tần suất xuất bản hay nội dung của báo cáo.
Liệu ủy ban giám sát có thực sự được độc lập?
Tuyên bố này được đưa ra khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL) mới của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/11. Một quy định trong luật này yêu cầu các công ty công nghệ lớn thành lập “cơ quan độc lập bao gồm chủ yếu thành viên từ bên ngoài”. Quy định này sẽ được áp dụng với các công ty có “lượng người dùng lớn” và “cung cấp các dịch vụ nền tảng quan trọng trên Internet”.
Tuy nhiên, PIPL vẫn chưa đi vào chi tiết khi định nghĩa “công ty công nghệ lớn”. Cụ thể, luật không định nghĩa như thế nào là “lượng người dùng lớn” hay giải thích hoạt động giám sát của “cơ quan độc lập” nên diễn ra như thế nào. Điều này dẫn đến việc các công ty có thể hiểu luật khác nhau và khiến một số chuyên gia pháp lý đặt câu hỏi về tính độc lập của các ủy ban giám sát.
Theo Alex Roberts, một luật sư từ chi nhánh Thượng Hải của công ty luật Linklaters, yêu cầu một cơ quan độc lập giám sát chấp hành luật không phải là khái niệm mới mẻ trên quy mô quốc tế. Tuy nhiên, các công ty sẽ gặp khó trong việc tìm đủ chuyên gia độc lập nhằm thành lập ủy ban giám sát, trong bối cảnh các công ty này thường đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau và số lượng lớn các startup.
Theo Trương Tân Bảo, giáo sư luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cơ quan giám sát vẫn có thể có một số thành viên từ nội bộ công ty. Luật chỉ yêu cầu các cơ quan này có thành viên “chủ yếu” được tuyển từ bên ngoài. Thêm vào đó, theo GS. Trương, ngay cả một cơ quan độc lập có thể khó hoạt động mà không chịu ảnh hưởng nào từ công ty khi mà kết quả giám sát có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty mẹ.
Một số chuyên gia về pháp lý đã so sánh yêu cầu mới trong PIPL với kết quả của thỏa thuận giữa Facebook và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) của Mỹ năm 2019. Sau vụ bê bối Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của hàng triệu người sử dụng Facebook, FTC đã yêu cầu Facebook phải lập một ủy ban độc lập nhằm giám sát các quyết định ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng.
Một số người đã đặt câu hỏi về hiệu quả của ủy ban này. Trong một tuyên bố về thỏa thuận với Facebook năm 2019, Ủy viên FTC Rohit Chopra cho rằng quyền lực của ủy ban giám sát bị hạn chế do thành viên không có quyền bác quyết định quản lý của lãnh đạo công ty.
Một luật sư người Trung Quốc giấu tên cho biết để duy trì tính độc lập của ủy ban giám sát, các công ty nên công khai quy định và điều khoản về hoạt động, nội dung thảo luận, trách nhiệm và quyền hạn của ủy ban. Thêm vào đó, ủy ban giám sát cũng cần công khai khuyến nghị của mình và được giao đủ quyền lực để gây ảnh hưởng đến quyết định và hoạt động quản lý quyền riêng tư của người dùng.
Tùng Phong (Theo SCMP)