Terra-i+: Giải pháp linh hoạt cho cà phê nông lâm kết hợp và tuân thủ EUDR tại Việt Nam

'Trước đây, để ước tính nguy cơ cà phê có liên hệ với phá rừng và mật độ che bóng trên vườn cà phê, chúng tôi phải thực hiện khảo sát kết hợp với kinh nghiệm từ chuyên gia địa phương. Giờ đây, chúng tôi có thể sử dụng dữ liệu chính xác hơn và có độ phân giải cao từ công cụ Terra-i+ cho việc này', Thuan Sarzynski - Giám đốc Phát triển bền vững tại Việt Nam, Tập đoàn ECOM...

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, với 93% tổng sản lượng cà phê từ khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất cà phê ồ ạt tại đây đã gây ra nhiều thiệt hại với môi trường, như tăng nguy cơ mất rừng, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết bất thường, từ đó ảnh hưởng ngược lại tới sản xuất cà phê.

Chủ đề phát triển cà phê bền vững đã thu hút sự chú ý rộng rãi hơn kể từ khi quy định mới về Chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) ra đời. Chính thức có hiệu lực từ tháng 12 năm 2024, EUDR yêu cầu các bên nhập khẩu một số mặt hàng nông sản vào lãnh thổ châu Âu, trong đó có cà phê, phải cung cấp bằng chứng rằng sản phẩm không liên quan đến hoạt động phá rừng kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021. Điều này không chỉ yêu cầu thông tin vị trí chính xác của vườn hoặc trang trại, mà còn yêu cầu thông tin vị trí rừng với độ tin cậy cao.

Trong cuộc chạy đua đáp ứng yêu cầu báo cáo dữ liệu địa không gian mới phát sinh này, các công ty cà phê tại Việt Nam nhận ra rằng họ đang thiếu nguồn dữ liệu có độ chính xác cao về vị trí của rừng và cà phê. Các bộ dữ liệu quan sát Trái Đất quy mô toàn cầu hiện nay chưa đạt độ chính xác cần thiết để phục vụ cho phân tích ở cấp địa phương, thậm chí dẫn đến nguy cơ thể hiện sai tại những vùng sâu vùng xa, nơi cộng đồng dễ bị tổn thương hơn. Thật vậy, bản đồ Độ che phủ Rừng Toàn cầu năm 2020 của EU cho thấy có đến hơn 50% vị trí trên thực tế đang trồng cà phê, nhưng lại thể hiện là rừng trên bản đồ (Hình 1).

Tỷ lệ các điểm cà phê bị phân loại sai là rừng trong Bản đồ Độ che phủ Rừng Toàn cầu năm 2020 của EU, theo quốc gia (GFC2020).

Tỷ lệ các điểm cà phê bị phân loại sai là rừng trong Bản đồ Độ che phủ Rừng Toàn cầu năm 2020 của EU, theo quốc gia (GFC2020).

Nguồn: Ørtenblad và cộng sự. “Tìm hiểu Quy định mới về phá rừng của EU trong ngành cà phê: Những thách thức và triển vọng với các giải pháp viễn thám”. Bài báo đã nộp cho tạp chí khoa học “Chính sách sử dụng đất” (Land Use Policy).

Nhằm đáp ứng nhu cầu dữ liệu địa không gian này, Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và CIAT cùng các đối tác (Quỹ Phát triển Bắc Âu, Đại học Copenhagen, Rainforest Alliance, và Tập đoàn ECOM) đã phát triển công cụ Terra-i+ (https://www.terra-iplus.org/) nhờ kinh nghiệm gần 20 năm theo dõi mất rừng từ dữ liệu vệ tinh.

Qua quá trình kiểm chứng theo các tiêu chuẩn khoa học nghiêm ngặt, bản đồ Lớp phủ Terra-i+ đạt độ chính xác cao nhất cho phân lớp cà phê và rừng tự nhiên, với độ chính xác và độ nhạy trong khoảng 80-90% (cụ thể, độ chính xác đánh giá tỷ lệ “dương tính giả”, là xác suất mà bất kỳ điểm nào trên bản đồ thuộc phân lớp tương ứng trên mặt đất; trong khi độ nhạy đánh giá tỷ lệ "âm tính giả", là xác suất mà bất kỳ điểm nào trên mặt đất được phân loại chính xác trên bản đồ).

Độ chính xác trên không dễ đạt với bản đồ lớp phủ cà phê bởi đặc điểm tán cây khó phân biệt khi quan sát từ ảnh vệ tinh. Do đó, bản đồ lớp phủ Terra-i+ được xem là bản đồ có độ phân giải và độ chính xác cao nhất trong các bản đồ lớp phủ đã được công bố.

Ảnh chụp màn hình chức năng trên công cụ Terra-i+ phân tích rủi ro vi phạm EUDR ở cấp trang trại. Dữ liệu dạng điểm GPS, hoặc dạng vùng (polygon) của trang trại đều có thể được đưa vào làm dữ liệu đầu vào để áp dụng phân tích trên Terra-i+. (Ghi chú: dữ liệu trang trại đã được thay đổi nhằm mục đích minh họa).

Ảnh chụp màn hình chức năng trên công cụ Terra-i+ phân tích rủi ro vi phạm EUDR ở cấp trang trại. Dữ liệu dạng điểm GPS, hoặc dạng vùng (polygon) của trang trại đều có thể được đưa vào làm dữ liệu đầu vào để áp dụng phân tích trên Terra-i+. (Ghi chú: dữ liệu trang trại đã được thay đổi nhằm mục đích minh họa).

Một trong những tính năng đáng chú ý khác của Terra-i+ là khoanh vùng những khu vực tiềm năng để phát triển mô hình canh tác nông lâm kết hợp. Bằng việc sử dụng phương pháp mới để lập bản đồ đo lường mật độ cây che bóng, cà phê và đất trống (chưa có thực vật bao phủ), nhóm Terra-i+ đã lập bản đồ vùng canh tác cà phê phân chia theo ngưỡng từ cà phê có độ che bóng cao đến cà phê không có cây che bóng. Việc phân loại ngưỡng che bóng đã được hiệu chỉnh phù hợp với điều kiện và bối cảnh trồng cà phê tại Việt Nam.

Ảnh chụp màn hình chức năng trên công cụ Terra-i+ phân loại vùng canh tác cà phê theo các ngưỡng độ che bóng khác nhau, khoanh vùng khu vực tiềm năng thực hiện mô hình canh tác nông lâm kết hợp.

Ảnh chụp màn hình chức năng trên công cụ Terra-i+ phân loại vùng canh tác cà phê theo các ngưỡng độ che bóng khác nhau, khoanh vùng khu vực tiềm năng thực hiện mô hình canh tác nông lâm kết hợp.

Ngoài việc xây dựng các bộ dữ liệu có độ chính xác cao ở cấp địa phương, Terra-i+ tăng khả năng tiếp cận dữ liệu địa không gian của người dùng nhờ thiết kế giao diện thân thiện và xây dựng các tính năng phù hợp nhu cầu sử dụng, ví dụ tính năng tuân thủ EUDR, tính năng mật độ che bóng trên vườn cà phê, giám sát mất rừng, cũng như các rủi ro ô nhiễm nguồn nước và khí hậu.

Terra-i+ hiện đang được ECOM, một trong những công ty kinh doanh cà phê hàng đầu thế giới có hoạt động tại Việt Nam, sử dụng để quản lý rủi ro mất rừng và cung cấp thông tin về các biện pháp can thiệp nông lâm kết hợp.

“Trước đây, để ước tính nguy cơ cà phê có liên hệ với phá rừng và mật độ che bóng trên vườn cà phê, chúng tôi phải thực hiện khảo sát kết hợp với kinh nghiệm từ chuyên gia địa phương. Giờ đây, chúng tôi có thể sử dụng dữ liệu chính xác hơn và có độ phân giải cao từ công cụ Terra-i+ cho việc này", Thuan Sarzynski (Giám đốc Phát triển bền vững tại Việt Nam, Tập đoàn ECOM), cho biết.

* Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ với nhóm Terra-i+ tại email: support.terra-i@cgiar.org hoặc truy cập trang website: https://www.terra-iplus.org/about-us.

Tuấn Sơn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/terra-i-giai-phap-linh-hoat-cho-ca-phe-nong-lam-ket-hop-va-tuan-thu-eudr-tai-viet-nam.htm