Tesco - 'Đế chế' bán lẻ 100 tuổi lớn nhất nước Anh
Dave Lewis, Giám đốc điều hành của Tesco cùng với các nhân viên mới đây đã tham gia vào buổi khiêu vũ kéo dài 30 giờ tại sân vận động Wembley.
Sự kiện này đã phá vỡ kỷ lục Guiness thế giới. Đó là một phần của lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tesco, tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Anh nhằm gây quỹ cho tổ chức nghiên cứu ung thư Cancer Research UK, quỹ tim mạch Bitish Heart Foundation và quỹ hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường Diabetes UK của Anh.
Vị cựu giám đốc điều hành của Unilever này đang trong trạng thái vô cùng vui vẻ, bất chấp những khó khăn mà Tesco phải đối mặt trong môi trường cạnh tranh quá mức do tình hình bất ổn của Brexit, chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và những thay đổi về thuế tài sản (ngoài nhà đất).
Gia nhập “đại gia đình” Tesco năm 2014, một trong những thời điểm ảm đạm nhất trong lịch sử 100 năm của đế chế bán lẻ này, ông Lewis được coi là “công thần” khi đã giúp Tesco đạt lợi nhuận gần 1,7 tỷ bảng (2,065 tỷ USD) trong năm 2018.
Năm 2014, Tesco bị vướng vào nghi án giả mạo kết quả kinh doanh khi công bố lợi nhuận đạt 250 triệu USD. Vụ việc sau đó đã được các nhà chức trách điều tra. Sau sự cố này, Tesco đã trải qua việc thay đổi nhân sự cấp cao và giá cổ phiếu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Năm 2015, Tesco đã phải hứng chịu khoản lỗ 6,4 tỷ bảng (tương đương 9,6 tỷ USD), mức cao nhất trong lịch sử ngành bán lẻ của Anh và cao gấp 8 lần so với kỷ lục trước đó do hãng Morrison thiết lập năm 2014.
Nếu ông Lewis thất bại với kế hoạch giải cứu của mình, Tesco đã không thể “bật nắp chai champagne” tại lễ kỷ niệm 100 năm, bởi tập đoàn chẳng có gì để ăn mừng. Ông Lewis cho rằng “thảm họa năm 2014” xảy ra là do Tesco đã đi lệch phương châm của nhà sáng lập Jack Cohen, người luôn muốn đặt khách hàng lên trên hết.
Khởi nghiệp ban đầu với một quầy hàng nhỏ trong khu chợ ở phía Tây thành London vào năm 1919, ông Cohen tiếp tục mở một cửa hàng thực phẩm tại phía Bắc London để phục vụ khách hàng vào năm 1924. Và cái tên Tesco đã ra đời trong thời điểm này. Nó được ghép từ 3 chữ cái đầu của một nhà cung cấp trà cho Tesco là T. E. Stockwell và 2 chữ cái đầu của tên của nhà sáng lập (Cohen). Đến nay, Tesco đang hiện diện trên khắp thế giới với hơn 6.900 cửa hàng và 450.000 nhân viên. Nắm rõ nhu cầu của khách hàng là chìa khóa thành công của Tesco trong việc quản lý nhiều mô hình cửa hàng khác nhau, một kỹ năng mà giới phân tích cho rằng không có nhà bán lẻ Mỹ nào sánh được.
Trong 100 năm qua, Tesco đã sống sót qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và chiến tranh. Với tình hình hiện nay, liệu Brexit có được xếp vào mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của Tesco hay không? Theo ông Lewis, những gì liên quan đến Brexit đều còn phụ thuộc vào các vấn đề chi tiết.
Nếu có thuế quan, Tesco sẽ đối phó với nó. Song, nếu khu vực biên giới bị kiểm soát chặt chẽ, điều đó sẽ là một vấn đề khá nghiêm trọng khi Anh nhập khẩu 50% lượng thực phẩm mà người dân tiêu thụ. Hơn nữa, việc tiếp cận với nguồn cung ứng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Để đối phó trước môi trường bán lẻ đầy thách thức hiện nay, với áp lực cắt giảm chi phí, Tesco sẽ phải tiếp tục xem xét các phương thức quản lý cửa hàng để mang lại hiệu quả nhất.
Đầu tháng 8/2019, Tesco thông báo sẽ cắt giảm khoảng 4.500 việc làm (chiếm 1% tổng lực lượng nhân công của tập đoàn trên toàn cầu) tại 157 cửa hàng ở ga tàu điện ngầm thuộc khu vực trung tâm các thành phố và thị trấn trên toàn nước Anh.
Kế hoạch này được đưa ra sau khi Tesco cắt giảm 9.000 việc làm hồi tháng Một năm nay.
Ngoài ra, tình hình kinh doanh trong quý đầu tiên tài khóa 2019-2020 (bắt đầu từ ngày 1/4) cũng không mấy khả quan do tâm lý chán nản của người tiêu dùng trong nước trước viễn cảnh Brexit.
Doanh số bán hàng của Teso tại Anh trong ba tháng tính đến ngày 25/5 đã giảm 0,4%, song doanh thu đạt 14 tỷ bảng (18 tỷ USD), tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm doanh số nhận được sự hỗ trợ từ một số nhân tố tích cực như thời tiết thuận lợi và sự kiện đám cưới Hoàng gia./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tesco-de-che-ban-le-100-tuoi-lon-nhat-nuoc-anh/131481.html