Tesla mở nhà máy ở Mỹ với thiết bị từ hãng sản xuất pin ô tô điện số 1 thế giới của Trung Quốc
Tesla sẽ mở rộng sản xuất pin ở bang Nevada (Mỹ) bằng cách thiết lập một nhà máy nhỏ sử dụng trang thiết bị nhàn rỗi của CATL (Trung Quốc), theo những người quen thuộc với vấn đề này.
CATL là hãng sản xuất pin ô tô điện số 1 thế giới.
Một nguồn tin của trang Bloomberg cho biết Tesla có kế hoạch mua máy móc từ CATL và lắp đặt nó tại thành phố Sparks (bang Nevada). Theo Bloomberg, Tesla sẽ có toàn quyền kiểm soát nhà máy này và chi trả 100% chi phí, đồng thời nhân viên CATL sẽ không liên quan đến việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị.
Sẽ sản xuất các cell cho pin siêu lớn Megapack của Tesla, nhà máy này là một phần trong nỗ lực rộng hơn nhằm nội địa hóa chuỗi cung ứng cho các cell lithium iron phosphate (LFP) ở Mỹ. Tesla cũng coi việc mua thiết bị từ CATL là cách tiết kiệm chi phí để thiết lập các nhà máy mới. Megapack là loại pin của Tesla dành cho các tiện ích.
“
Cell dùng để chỉ các viên pin (hoặc tế bào pin). Trong lĩnh vực năng lượng và ô tô điện, cell thường là một đơn vị cơ bản của pin, có thể được kết hợp thành các mô đun hoặc gói pin lớn hơn để cung cấp năng lượng cho các thiết bị và phương tiện.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nhà làm luật Mỹ và chính quyền Biden ngày càng giám sát chặt chẽ việc hợp tác công nghệ với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, gồm cả sản xuất pin. Việc Tesla mua lại thiết bị nhàn rỗi có thể tránh được những lời chỉ trích về việc các công ty Mỹ phụ thuộc vào quan hệ với đối tác Trung Quốc vì sự tham gia tối thiểu của CATL.
Tesla không trả lời khi được Bloomberg đề nghị bình luận. CATL cũng không trả lời ngay lập tức câu hỏi được Bloomberg gửi ngoài giờ làm việc ở Trung Quốc.
Ngoài kế hoạch xây dựng cơ sở mới, Tesla cho biết có ý định tăng gấp đôi công suất trong năm 2024 tại một nhà máy sản xuất pin hiện có ở thành phố Lathrop (bang California, Mỹ). Những nỗ lực này hỗ trợ cho khẳng định từ Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, trong cuộc gọi hội nghị vào tuần trước rằng hoạt động lưu trữ năng lượng của công ty phát triển nhanh hơn hoạt động kinh doanh ô tô điện trong năm 2024.
CATL thống trị thị trường pin LFP, loại pin rẻ hơn và ổn định hơn so với các lựa chọn thay thế dựa trên niken. Thị trường ô tô điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại vào 2024, năm thứ hai liên tiếp, do sự phục hồi kinh tế chậm ở quốc gia này sau đại dịch COVID-19 đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng.
Thương vụ nêu trên dường như khác xa với thỏa thuận giữa CATL với Ford Motor, nhằm mục đích cấp phép cho công nghệ của công ty Trung Quốc để sản xuất pin tại một nhà máy ở bang Michigan (Mỹ) thuộc sở hữu của Ford Motor. Dự án đó nhận sự giám sát và chỉ trích từ các nhà làm luật đảng Cộng hòa, vì cho rằng CATL chịu tác động từ chính phủ Trung Quốc và có thể làm suy yếu lợi ích của Mỹ.
Megapack hiện tại của Tesla sử dụng cell CATL. Tesla có kế hoạch áp dụng thiết kế của những loại pin đó cho cell được sản xuất tại nhà máy mới.
Ban đầu, nhà máy sẽ có sản lượng hạn chế (khoảng 10GWH) nhưng sẽ được mở rộng nếu dự án diễn ra suôn sẻ và chuỗi cung ứng có thể được thiết lập. Có thể sẽ không hoạt động cho đến năm 2025, nhà máy này dự kiến có thể chiếm khoảng 20% sản lượng pin của Tesla trong khu vực, gồm cả Lathrop.
Cách đây 1 tuần, Elon Musk cho biết Tesla dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất chiếc ô tô điện thế hệ tiếp theo được mong đợi từ lâu tại nhà máy ở bang Texas (Mỹ) vào nửa cuối năm 2025. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc tăng tốc sản xuất mẫu ô tô điện mới sẽ rất khó khăn và công ty Mỹ cũng cảnh báo về tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng sẽ giảm mạnh vào năm 2024 trước khi ra mắt mẫu xe mới.
Tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết cần có "một lượng lớn công nghệ sản xuất mang tính cách mạng mới" - dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự thúc đẩy nào với tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của Tesla sẽ cần có thời gian.
Dự đoán của ông theo sau bản tin từ Reuters trước đó cho biết Tesla đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị sản xuất mẫu xe crossover nhỏ hơn vào tháng 6.2025, điều rất quan trọng với công ty Mỹ khi đang mất thị phần vào tay những chiếc ô tô điện giá rẻ như của BYD (Trung Quốc) sản xuất.
Elon Musk nói với các nhà phân tích trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 của Tesla: “Tôi thường lạc quan về thời gian, nhưng lịch trình hiện tại của Tesla cho thấy chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất mẫu ô tô điện mới vào cuối 2025, khoảng nửa cuối năm đó”.
“Chúng tôi sẽ ngủ ngay trên dây chuyền sản xuất”, tỷ phú 52 tuổi người Mỹ nói, đề cập đến nhà máy của Tesla ở Texas, nơi mẫu ô tô điện mới sẽ được sản xuất lần đầu tiên. Sau đó, mẫu xe này được sản xuất tại Mexico và một nhà máy khác bên ngoài Bắc Mỹ sẽ được quyết định vào cuối năm nay, ông cho biết.
Sau khi tỷ suất lợi nhuận gộp quý 4/2023 giảm, Tesla cũng cảnh báo về mức tăng trưởng doanh số bán hàng "thấp hơn đáng kể" trong năm 2024 vào thời điểm hãng tập trung vào xe mới.
Tesla cho biết hãng đang ở giữa hai làn sóng tăng trưởng: Một làn sóng được thúc đẩy bởi việc phát hành Model 3 và Model Y lần lượt vào năm 2017 và 2020; làn sóng thứ hai sẽ bắt đầu với nền tảng ô tô điện thế hệ tiếp theo.
Phố Wall kỳ vọng Tesla sẽ bán được 2,2 triệu ô tô điện trong năm 2024. Con số này sẽ tăng khoảng 21% so với năm 2023 nhưng thấp hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn là 50% mà Elon Musk đặt ra khoảng ba năm trước. Tuy nhiên, Tesla đã không nhắc lại mục tiêu đó hôm 24.1.2024.
Sau nhiều năm phát triển chóng mặt, Tesla đang phải đối mặt với tình trạng giảm tốc độ tăng trưởng cùng tỷ suất lợi nhuận khi nhu cầu ô tô điện giảm và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Gary Bradshaw, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty Hodges Capital Management – cổ đông của Tesla, cho biết: “Nếu doanh số bán hàng thấp hơn thì tôi đoán là Elon Musk có thể sẽ giảm giá để tăng thị phần. Tỷ suất lợi nhuận có thể tiếp tục gặp khó khăn trong một thời gian”.
Chi phí sản xuất mỗi ô tô điện Tesla đã giảm trong quý 4/2023, nhưng hãng cảnh báo đang "tiến gần đến giới hạn tự nhiên của việc giảm chi phí cho dòng xe hiện tại". Điều này nhấn mạnh áp lực buộc Tesla phải tung ra các mẫu ô tô điện mới giá rẻ hơn. Đáng chú ý là trong quý 4/2023, BYD đã vượt Tesla về doanh số ô tô điện điện toàn cầu.
Elon Musk nói các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ đạt được thành công đáng kể bên ngoài nước này. “Nếu không có rào cản thương mại được thiết lập, họ sẽ phá hủy hầu hết công ty ô tô khác trên thế giới”, ông nhấn mạnh.
Tesla báo cáo tỷ suất lợi nhuận gộp là 17,6% trong quý 4/2023, so với 23,8% cùng kỳ năm trước và ước tính trung bình của các nhà phân tích là 18,3%, theo dữ liệu của LSEG (tập đoàn giao dịch chứng khoán London).
Khi loại bỏ các khoản tín dụng theo quy định, tỷ suất lợi nhuận gộp trong lĩnh vực ô tô của Tesla là 17,2% trong quý 4/2023, giảm so với mức 24,3% cùng kỳ 2022, nhưng có sự cải thiện so với mức 16,3% ở quý 3/2023. Các khoản tín dụng theo quy định có thể bao gồm ưu đãi hoặc giảm giá do Tesla nhận được do tuân thủ những quy định và tiêu chuẩn môi trường.
Greg Silverman, Giám đốc về kinh tế thương hiệu toàn cầu tại hãng Interbrand, nhận xét: “Doanh số bán hàng trì trệ và lợi nhuận giảm đáng kể như hiện nay là bằng chứng nữa cho thấy Tesla đang mất đi lợi thế dẫn đầu, và khả năng đi đầu về thương hiệu của hãng đã suy yếu”.
Tesla đã giảm giá ô tô điện của mình kể từ cuối năm 2022, gây ra cuộc chiến giá cả, khiến các đối thủ ở Mỹ, gồm cả Ford, phải giảm tốc độ sản xuất xe điện.
Elon Musk cho biết tỷ suất lợi nhuận của Tesla sẽ phụ thuộc vào tốc độ giảm lãi suất.
Cổ phiếu Tesla, từng được định giá như một hãng công nghệ một phần nhờ lời hứa về xe tự lái của Elon Musk, đã giảm nhẹ từ đầu năm 2024 đến nay, sau khi tăng gấp đôi vào 2023.
Jesse Cohen, nhà phân tích cấp cao của hãng Investing.com, cho biết: “Tôi không nghĩ việc giảm giá đã kết thúc, chủ yếu là do nhu cầu về ô tô điện vẫn còn yếu”.
Doanh thu ròng trong quý 4/2023 của Tesla đạt 7,9 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tesla cho biết chi phí nguyên liệu thô thấp hơn và các khoản ưa đãi của chính phủ Mỹ đã giúp giảm chi phí sản xuất mỗi chiếc ô tô điện, song tổng chi phí lại tăng do hãng sản xuất xe bán tải điện Cybertruck, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và các dự án khác.