Tết ấm bản Tang

Chiều cuối năm, sương trắng miền sơn cước. Con đường dẫn từ ngã ba Co Lương, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình ngược lên dãy Pù Hu uốn lượn bên dòng sông Mã, cũng chìm trong sương mờ bảng lảng, dễ khiến con người ta lầm tưởng mình lạc vào nơi tiên cảnh. Theo con đường ấy, khu tái định cư bản Tang, xã Trung Thành (Quan Hóa) vọng lại thanh âm cuộc sống hòa trong tiếng cười vui của những đứa trẻ khi cái tết đầu tiên tại nơi ở mới đang về.

Một góc khu tái định cư bản Tang.

Một góc khu tái định cư bản Tang.

Ở đó - ngọn đồi Pom Khanh, 39 nóc nhà vững chãi đã hiện hữu trên mặt bằng được xây dựng kiên cố, hướng ra dòng sông Mã uốn mình giữa trập trùng xanh đại ngàn. Phía sau những ngôi nhà, đã xanh tươi su hào, bắp cải, đậu leo... trong khu vườn xinh xắn.

Trong một căn nhà sáng trưng ánh điện, người bố trẻ Hà Văn Huấn (sinh năm 1990) vừa loay hoay bên bếp lửa lo bữa cơm chiều phụ vợ đi làm xa, vừa tranh thủ chạy ra giữa căn nhà, nơi đứa con nhỏ đang học bài, chỉ trỏ vào cuốn sách. Anh bộc bạch: “Được lên khu ở mới với gia đình em không khác một giấc mơ. Bởi trước đây em không tin sẽ xây được khu tái định cư. Nhưng giờ đó”... Huấn nhìn lên phía vì kèo chắc chắn của căn nhà sàn gỗ.

Như Huấn, trước khi Nhà nước tổ chức thi công xây dựng, không người dân nào ở bản Tang nghĩ sẽ có khu tái định cư ở vị trí này. Bởi nó là một đồi đá từ chân đến ngọn, hơi sức nào đào cho xong. Lãnh đạo huyện Quan Hóa cũng biết điều người dân nghĩ là đúng. Nhưng nơi núi đồi bị chia cắt dọc ngang bởi sông sâu suối xiết, tìm đâu ra cho được mặt bằng. Tính mạng người dân đang cheo leo bên miệng tử thần, khi sườn núi ven suối Tang bị nứt há, cả nghìn khối đất đá có thể ập xuống bất kể lúc nào. Đích thân Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Dũng đã phải nhiều lần trèo đèo vượt suối, chân trần khom lưng đi tìm vị trí, rồi bàn bạc, tìm cách tháo gỡ, khắc phục khó khăn, tổ chức thi công khẩn cấp khu tái định cư theo chủ trương của Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Anh Hà Văn Thu đã đầu tư mua được máy xay xát phục vụ gia đình và nhu cầu của bà con bản Tang.

Anh Hà Văn Thu đã đầu tư mua được máy xay xát phục vụ gia đình và nhu cầu của bà con bản Tang.

Bí thư chi bộ, trưởng bản Tang Hà Văn Xinh, kể lại: Ngày ấy, nhìn những xe lu, búa máy, máy ủi rầm rập rồi những tốp thợ thay nhau làm việc xuyên đêm, rồi nghe tinh thần chỉ đạo của cấp trên về xây dựng khu tái định cư, bà con cảm động lắm. Đến tháng 3 năm nay, mặt bằng cơ bản hoàn thành, người dân bản Tang mừng rỡ, háo hức vận chuyển đồ đoàn ra nơi ở. Ông nói: “39 hộ dân thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ di dời chủ yếu là người Mường, thường chọn chung ngày lành tháng tốt để làm việc lớn. Nên hôm dựng nhà trên nơi ở mới trong tháng hai âm lịch, chính quyền xã đã huy động thêm các lực lượng và bà con ở bản khác đến giúp sức. Không khí đông vui như mở hội”.

Ngày cận tết, bên những mái nhà sàn vừa được dựng lên trên khu ở mới, những đôi bàn tay thoăn thoắt công việc chuẩn bị những rau xanh, gạo nếp, lợn, gà... Gặp tôi khi đang hoàn tất mẻ gạo nếp dùng để gói bánh chưng, anh Hà Văn Thu (sinh năm 1980) hồ hởi những câu chuyện trên nơi ở mới. “Ra Giêng, con trai được đi bộ đội, lại là cái tết đầu tiên trên nơi ở mới, gia đình tôi sẽ ăn tết to. Từ đáy lòng, gia đình tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”, anh Thu trải lòng.

Đêm tĩnh mịch phả cái lạnh buốt giá nuốt chửng cả đại ngàn hùng vĩ. Tôi chếnh choáng trong men say rượu cần, nhưng còn nhận ra phía ngoài nhà, bí thư Xinh vẫn ngồi với thanh niên trai tráng bản Tang quanh bếp lửa bập bùng, chuyện trò rôm rả. Nghe vị bí thư người Mường lý giải tên gọi bản Tang theo tiếng Thái là “sự giúp đỡ”, rồi ông kể đủ thứ chuyện ngày xửa ngày xưa lập bản. Dừng lại một hồi lâu, giọng ông chắc nịch: "Bản mình được như ngày hôm nay phần nhiều do được các cấp quan tâm đặc biệt. Đảng luôn đặt việc chăm lo cuộc sống, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết”. Tôi ấm áp giữa mùa đông đại ngàn...

Thực hiện Kết luận số 590-KL/TU ngày 8/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025, khu tái định cư tập trung bản Tang, xã Trung Thành (Quan Hóa) đã được đầu tư xây dựng khẩn cấp với tổng mức hơn 10 tỷ đồng, phục vụ di dời 39 hộ dân sinh sống ven suối Tang có nguy cơ cao bị lũ quét, đất vùi.

Bài và ảnh: Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tet-am-ban-tang/30095.htm