Tết ấm của giáo viên vùng khó
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề, vấn đề lương thưởng cho giáo viên vùng khó được xã hội quan tâm...
Vấn đề chuẩn bị Tết, lương thưởng và tạo điều kiện về quê đón Tết cho đội ngũ giáo viên tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội.
Tết xa quê nhưng vẫn ấm áp
Những ngày này, cô Vũ Thị Cành - Trường Tiểu học Tân Hải (Tân Hải, Phú Tân, Cà Mau) tất bật hoàn thành những bài giảng cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết. Quê ở Thanh Hóa, cô đã gắn bó với ngôi trường vùng sâu này hơn 20 năm, và những lần được về quê đón Tết đối với cô là điều hiếm hoi.
“Nhà xa, về quê một lần khó khăn lắm, nhất là dịp Tết, thời gian nghỉ không nhiều nếu về phải mất mấy ngày đi, lại, nên tôi thường chọn về quê dịp hè hay khi gia đình có việc quan trọng. Ăn Tết xa quê lúc đầu cảm thấy chạnh lòng nhưng dần cũng quen, nhất là từ khi có gia đình riêng ở đây, Tết cũng đỡ nhớ nhà hơn”, cô Cành chia sẻ.
Theo cô Vũ Thị Cành, nhà trường luôn quan tâm đến đời sống giáo viên. Mỗi dịp Tết, với giáo viên quê xa không thể về, lãnh đạo và công đoàn trường đều đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Nói về đời sống giáo viên vùng sâu, cô chia sẻ những năm gần đây, lương giáo viên được điều chỉnh tăng nhiều lần, phần nào giúp giảm bớt khó khăn.
“Mọi năm giáo viên không được thưởng Tết, chỉ được trường hỗ trợ phần quà hoặc vài trăm ngàn đồng, năm nay nghe được thưởng theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ (Nghị định 73), giáo viên rất háo hức, hy vọng có cái Tết no ấm, sung túc hơn”.
Tương tự, cô Trần Kiều Khen - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Bình Tây (Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) quê ở miền Bắc nên số lần về quê dịp Tết rất ít, đặc biệt từ khi đảm nhiệm công tác quản lý.
“Trước đây đâu phải nói về quê là lên xe, điều kiện đi lại khó khăn lắm, nay hạ tầng giao thông phát triển đi lại dễ, nhưng bản thân cũng ít khi về quê thời điểm Tết. Một phần do đã có gia đình riêng ở đây, thân nhân ngoài Bắc không còn nhiều, phần khác do đồng lương giáo viên không dư dả, tiền thưởng Tết mọi năm chỉ mang tính tượng trưng không đủ đi tàu xe. Để về quê ăn Tết thoải mái có khi giáo viên phải tích lũy vài năm”, cô Khen tâm sự.
Cô Võ Thị Ngọc Tuyền - quê ở Gò Quao (Kiên Giang) là giáo viên Trường Tiểu học An Sơn (An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang). Ra đảo dạy hơn 20 năm, không giống nhiều giáo viên khác trên đảo, chồng và con vẫn ở đất liền nên cô luôn mang trong lòng nỗi nhớ gia đình, người thân. Do vậy, kỳ nghỉ Tết là khoảng thời gian cô muốn dành trọn niềm vui bên gia đình.
“Ở đảo, trong thời gian dạy, muốn về quê thăm nhà là chuyện khó. Giáo viên chỉ về nhà khi có việc quan trọng, vì vậy, Tết là thời điểm để gia đình tôi đoàn tụ, vui vầy bên nhau, nên năm nào cũng tranh thủ Tết về nhà. Ở xã đảo, vật giá cao hơn nhiều so với đất liền do phải vận chuyển xa.
Bởi vậy, dù lương, phụ cấp giáo viên vùng hải đảo cao nhưng so với mặt bằng giá cả thì không hơn trong đất liền là bao, giáo viên ở đảo phải tiết kiệm chi tiêu lắm mới có dư chút ít về quê ăn Tết. Nhà trường cũng có hỗ trợ vé tàu cao tốc từ đảo vào đất liền và ngược lại, giúp giáo viên phần nào tiết kiệm được chi phí, dư thêm chút tiền mua sắm quà Tết cho gia đình”, cô Tuyền tâm sự.
Năm nay, Trường Tiểu học An Sơn dự kiến hỗ trợ mỗi giáo viên dịp Tết khoảng 3 triệu đồng/người từ nguồn kinh phí của trường (hỗ trợ quà và chi phí tàu xe về quê ăn Tết). Ngoài ra, theo thầy Hiệu trưởng Phạm Hà, trường cũng triển khai Nghị định 73, dự kiến trung bình mỗi thầy cô được thưởng Tết khoảng 5 triệu/người. Nhờ đó, thầy cô có cái Tết đầy đủ hơn mọi năm.
Tuy nhiên, không phải trường nào ở đảo cũng có điều kiện hỗ trợ giáo viên về đất liền đón Tết. Thầy Trần Hót Lái - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Kiên Hải (Hòn Tre, Kiên Hải, Kiên Giang) cho hay, do kinh phí hạn chế nên trường không thể hỗ trợ tàu xe để giáo viên vào đất liền, về quê đón Tết.
“Đa phần giáo viên ở trong đất liền tỉnh Kiên Giang sẽ về quê tự túc, còn giáo viên miền Bắc thường không về Tết mà ở lại đảo cùng người dân, giáo viên địa phương. Đối với giáo viên ở lại, công đoàn trường sẽ thăm hỏi, tặng quà động viên tinh thần, nhà trường cũng tổ chức buổi tiệc Tất niên để giáo viên vui xuân đón Tết.
Ở đảo, người dân sống tình cảm, quan tâm đến giáo viên, học sinh cũng quý mến thầy cô, ngày Tết cũng thường lui tới thăm hỏi nên giúp những giáo viên xa quê vơi nỗi nhớ nhà. Trường đang gấp rút hoàn tất thủ tục chi tiền thưởng cho giáo viên theo Nghị định 73. Đây chính là niềm vui, động lực lớn đối với giáo viên trước thềm năm mới”, thầy Lái chia sẻ.
Nhân đôi niềm vui
Tết Nguyên đán 2025 đánh dấu năm đầu tiên cán bộ, nhà giáo được nhận mức thưởng từ ngân sách theo Nghị định 73. Điều này khiến các thầy cô phấn khởi, có thêm khoản hỗ trợ để trang trải dịp Tết và tạo động lực phấn đấu cho năm học mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - ông Lê Văn Phước, vừa ký công văn chỉ đạo thực hiện chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73 của Chính phủ. Chính sách này mang lại niềm vui nhân đôi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn khi Tết đến, xuân về.
Cô Lâm Thị Cẩm Tú - giáo viên Trường Tiểu học B Nhà Bàng (Tịnh Biên, An Giang) đã nhận được lương hai tháng liên tiếp. Nay biết thêm thông tin về khoản tiền hỗ trợ theo Nghị định 73, cô rất phấn khởi. “Có thêm phần tiền hỗ trợ từ Nghị định 73, gia đình sẽ có thêm một khoản chi phí để chuẩn bị cho Tết”, cô Tú chia sẻ.
Cùng chung niềm vui với đồng nghiệp, cô Nguyễn Như Huỳnh - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạch Gòi A (Châu Thành, Hậu Giang) đang mong phần hỗ trợ của Nghị định 73 này. Tết ngoài sự quan tâm hỗ trợ của nhà trường thì tiền thưởng của Nghị định 73 là động lực lớn giúp bản thân nỗ lực nhiều hơn trong chuyên môn thời gian sắp tới.
Bà Trần Thị Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết, ngay khi có văn bản chỉ đạo, sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT cùng các trường trên địa bàn tiến hành rà soát, lập hồ sơ, thủ tục để đảm bảo tất cả cán bộ, giáo viên được nhận chế độ theo Nghị định 73 của Chính phủ.
“Đến nay, các điểm trường trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc thống kê, lập danh sách cán bộ, giáo viên được nhận chế độ hỗ trợ của Nghị định 73. Đảm bảo, cán bộ, giáo viên các điểm trường trên địa bàn tỉnh có thêm niềm vui những ngày Tết đến xuân về”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết thêm.
Ông Võ Hồng Phú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải (Kiên Giang) cho biết, hiện ngành Giáo dục địa phương chưa có chính sách chung hỗ trợ giáo viên xã đảo dịp Tết, mà tùy điều kiện từng trường sẽ có hỗ trợ riêng. Tuy nhiên, năm nay, thực hiện Nghị định 73, với mức thưởng trung bình khoảng 5 triệu đồng mỗi giáo viên. Đây là nguồn động viên lớn, giúp các thầy cô có cái Tết đủ đầy hơn, mang lại không khí phấn khởi và ấm áp.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tet-am-cua-giao-vien-vung-kho-post716306.html