Tết buồn của môi giới bất động sản

Nhiều môi giới bất động sản đang phải đối mặt với tình cảnh không có lương cứng lẫn hoa hồng vì thiếu giao dịch mới, đồng thời cũng không nhận được thưởng Tết như mọi năm.

Suốt cả năm 2023, anh Thành Đạt - một môi giới bất động sản 25 tuổi ở TP.HCM - không bán được bất kỳ sản phẩm nào.

"Tôi chỉ mới bắt đầu tham gia thị trường bất động sản hơn 2 năm nay. Thời điểm tôi vào, thị trường cũng khó nhưng không đến mức khắc nghiệt như năm qua. Nhờ chốt được 1 căn hộ cho khách tại TP Thủ Đức vào đầu năm 2022 nên tôi mới cầm cự được đến nay. Kể từ đó, tôi chưa có thêm 1 giao dịch nào", anh nói.

Chật vật lương cứng, thưởng Tết cũng khó khăn

Anh Đạt cho biết năm 2022 công ty vẫn hỗ trợ lương cứng, nhưng từ cuối năm 2022 đã bắt đầu cắt lương và chỉ hợp tác với môi giới theo hình thức cộng tác viên.

"Những môi giới mà tôi biết hiện ai cũng gặp khó cả, nhưng tìm công việc mới lại càng khó hơn, nên tôi xem như thời gian này học hỏi chờ thị trường hồi phục, khi đó mong là có nhiều cơ hội hơn", anh tâm sự.

Còn về thưởng Tết Nguyên đán, anh Đạt cho hay từ lúc đi làm đến nay chưa bao giờ được cầm tiền thưởng Tết và năm nay cũng vậy. "Chỉ mong thị trường ấm trở lại, chứ thưởng Tết thì chắc chắn là không có rồi", anh nói thêm.

Tương tự, anh Ngô Bảo (24 tuổi) - chuyên môi giới bất động sản tại TP.HCM - cũng cho biết công ty trước nay không có chế độ lương cứng hay thưởng Tết. Tuy nhiên, may mắn hơn anh Đạt, trong quý IV/2023, nhờ một số dự án căn hộ tầm trung tại TP.HCM ra mắt nên nhóm anh Bảo chốt được thêm vài giao dịch. "Nhờ những giao dịch này nên Tết năm nay nhìn chung cũng tạm ổn", anh chia sẻ.

 Cả môi giới và doanh nghiệp đều chật vật trong năm 2023. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cả môi giới và doanh nghiệp đều chật vật trong năm 2023. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hậu - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho biết đến nay vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết cho nhân viên.

"Tôi mở công ty 8 năm, 7 năm trước năm nào cũng đều thưởng Tết cho nhân viên khoảng 1-4 tháng lương. Riêng năm nay tôi vẫn chưa lên kế hoạch vì tình hình công ty đang rất khó. Nếu tình hình cải thiện tôi có thể thưởng 1 tháng lương cho nhân viên, còn nếu không thì đành lòng không thưởng", ông nói.

Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, ông Hậu cho biết năm 2023 doanh thu công ty giảm đến 80% so với năm trước. Bản thân ông rất muốn thưởng cho nhân sự nhưng tình hình thị trường không cho phép. Doanh số không có, trong khi công ty còn phải lo hàng loạt chi phí khác.

Bên cạnh đó, Asian Holding cũng cho nhân viên nghỉ Tết Nguyên đán dài hơn mọi năm. "Năm nay nhân sự nghỉ Tết 22 ngày trong khi mọi năm chỉ nghỉ được vài ngày. Rất nhiều doanh nghiệp môi giới thậm chí còn cho nghỉ hơn cả tháng vì khó khăn", ông nói thêm.

Tôi mở công ty 8 năm, 7 năm trước năm nào cũng đều thưởng Tết cho nhân viên khoảng 1-4 tháng lương. Riêng năm nay tôi vẫn chưa lên kế hoạch vì tình hình công ty đang rất khó.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding

Thực tế, không chỉ riêng Asian Holding gặp khó trong năm qua. Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), có hơn 90% doanh nghiệp môi giới bất động sản bị sụt giảm mạnh về doanh thu và trên 95% phải thu hẹp quy mô lao động.

"Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường trong năm 2023. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt", ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho biết.

Với những khó khăn từ thị trường, ônh Đính cho rằng thưởng Tết Nguyên đán năm nay là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản. Tỷ lệ thưởng Tết ở mức lớn hoặc "kha khá" cũng có nhưng sẽ không phổ biến.

Chưa năm nào khó như năm qua

Các chuyên gia tại Đất Xanh Services nhìn nhận chưa khi nào trong lịch sử kinh doanh, doanh nghiệp môi giới bất động sản lại phải đối diện với khó khăn khắc nghiệt như những năm vừa qua.

Theo đơn vị này, sau 3 năm bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và 1 năm khủng hoảng kinh tế, nguồn tiền tích lũy của hầu hết doanh nghiệp môi giới đã cạn kiệt. Đồng thời, áp lực định phí lớn như chi phí mặt bằng, lương, các khoản vay, công nợ và hoa hồng, cộng với chi phí marketing và chăm sóc khách hàng tăng cao, nguồn lực bị phân tán khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

"Ngoài những doanh nghiệp đã rời thị trường hoặc tạm ngừng hoạt động, các đơn vị còn duy trì thì gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân viên kinh doanh, chi phí tuyển dụng tăng cao, cùng áp lực cạnh tranh về chính sách lương, thưởng, hoa hồng", đại diện Đất Xanh Services nhấn mạnh.

Đơn vị này cho biết nhóm sản phẩm có tỷ lệ hấp thụ tốt chỉ nằm ở một số dự án mới, chủ đầu tư uy tín và giá bán phải chăng cùng chính sách bán hàng hấp dẫn. Trong khi hàng tồn kho trên thị trường còn rất nhiều, nhưng không đúng “gu” và nhu cầu của khách hàng nên tỷ lệ hấp thụ thấp, hiệu suất kinh doanh giảm khiến doanh nghiệp không có dòng thu mới, doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.

Bước sang năm 2024, Đất Xanh Services cho rằng cơ hội sẽ thuộc về những doanh nghiệp có nguồn lực, tiềm lực tài chính mạnh, áp dụng chiến lược số hóa trong vận hành và bán hàng. Ngoài ra, những thương hiệu có uy tín và mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước cũng sẽ có lợi thế trong thị trường.

Ở góc nhìn vĩ mô hơn, ông Đính nhận định việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), cùng sự xuất hiện của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cung cấp cơ sở giúp hoạt động môi giới bất động sản trở nên chặt chẽ hơn, đảm bảo được năng lực và chứng chỉ hành nghề.

"Tuy nhiên, trước khi luật được triển khai, môi giới bất động sản cần tận dụng thời gian nâng cao năng lực, kiến thức của mình", lãnh đạo VARS nhấn mạnh.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/tet-buon-cua-moi-gioi-bat-dong-san-post1453972.html