Tết cổ truyền thời công nghệ số

Từ bao đời nay, Tết cổ truyền đã trở thành một truyền thống văn hóa trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt, chứa đựng bên trong những giá trị vô cùng ý nghĩa và nhân văn. Hòa nhịp cùng dòng chảy của thời đại, Tết cổ truyền thời công nghệ số đã có nhiều thay đổi, mang đến những sắc thái mới mẻ, đa dạng, phong phú từ công tác chuẩn bị tới các hoạt động vui xuân, đón Tết.

Người dân sắm Tết trực tuyến qua điện thoại di động

Trước đây, việc chuẩn bị Tết thường được lên kế hoạch và phải “lo” từ rất sớm. Không khí tất bật từ mua sắm Tết tới dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Không chỉ phải chuẩn bị một khoản tiền lớn để “lo Tết” nhiều người còn phải tranh thủ sắp xếp công việc ở cơ quan để lo sắm Tết, dọn nhà khiến không ít người thấy mệt, thấy áp lực. Giờ đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đã hỗ trợ đắc lực cho việc “lo Tết” của đại đa số người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mạng xã hội đã giúp họ mua sắm gần như đầy đủ những thứ cần thiết cho ngày Tết của gia đình mà không cần phải đi chợ xa, chợ gần để lựa chọn rồi lại khệ nệ mang về nhà. Họ chỉ cần ở nhà, thông qua chiếc điện thoại thông minh truy cập các trang mua sắm trực tuyến, trang mạng xã hội của người bán hàng là có thể thoải mái chọn lựa các mặt hàng ẩm thực, quà Tết, bánh kẹo hết sức phong phú ngày Tết và được giao hàng tận nhà. Nếu không tin tưởng mua hàng trên mạng, người dân có thể mua hàng từ những người bán hàng mình quen biết ngoài đời thực. Những người bán hàng truyền thống tại các chợ dân sinh giờ đây cũng chuyển đổi số mạnh mẽ khi tiếp cận với các hình thức quảng bá qua mạng, giao hàng tại nhà. Từ những sản phẩm mang hương vị Tết truyền thống như: Bánh chưng, giò, gà, mứt... đến những thứ có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới đều có thể đặt mua và được giao đến tận nhà. Ông Nguyễn Văn Bình, ở thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) chia sẻ: Gia đình tôi kinh doanh hàng hóa nên ngày Tết càng bận rộn. Trước đây, để sắm Tết, vợ chồng tôi phải tranh thủ sớm, tối, có khi phải nhờ anh em, hàng xóm mua giúp một số thứ mới coi như đủ đầy hương vị Tết. Nhưng giờ đây, việc mua sắm có thể thực hiện bằng trao đổi qua điện thoại, internet và được giao hàng đến tận nhà... Nhờ vậy, tôi có thêm thời gian trang trí nhà cửa, vui chơi cùng con, cháu. Con cháu khi về ăn Tết với bố mẹ, ông bà có thêm nhiều thời gian để hàn huyên, tâm sự, chia sẻ, vun đắp thêm tình cảm chứ không phải tất bật, vất vả như trước nữa.

Tranh vui của Chu Đức Tiến

Đối với mỗi người, khi Tết đến, xuân về đều mong muốn được sum vầy bên gia đình, quây quần bên mâm cơm tất niên để cùng nhau nhìn lại một năm cũ đã qua và gửi tặng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Tuy nhiên, không ít người do đặc thù công việc hay đang sống và làm việc xa nhà nên không thể về đón Tết cùng gia đình nhưng chính nhờ công nghệ số đã giúp cho những người đón Tết xa nhà cảm nhận được không khí ấm áp bên người thân, gia đình trong những ngày Tết và người thân nơi quê nhà cũng vơi bớt cảm giác trống trải khi thiếu vắng một số thành viên trong gia đình vào thời khắc giao thừa, đầu năm mới. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, một người Việt Nam định cư ở Đức chia sẻ: Mặc dù xa quê, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở Đức đều giữ thói quen đón Tết cổ truyền của dân tộc. Ngay khi chuẩn bị Tết với những món ăn quen thuộc đậm chất Việt đã khiến nỗi nhớ nhà của tôi da diết hơn. Chúng tôi đều cố gắng chế biến những món ăn Việt đặc trưng vào dịp Tết như: Bánh chưng, giò xào, thịt đông... Những năm đầu mới sang định cư, tôi rất nhớ nhà, nhất là vào dịp Tết. Khi đó, công nghệ số chưa phát triển nên tôi chỉ có thể gọi điện thoại cho người thân nhưng cũng rất hạn chế vì giá cước điện thoại quốc tế đắt đỏ. Giờ đây công nghệ số phát triển, chỉ cần có kết nối internet là tôi có thể gọi video chat với mọi ngươìmọi lúc, mọi nơi. Được nghe giọng nói, nhìn thấy khuôn mặt của những người thân, nhìn không khí chuẩn bị đón Tết nơi quê nhà khiến tôi cảm thấy ấm áp hơn.

Công nghệ số đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của con người trên nhiều phương diện. Tết cổ truyền giờ đây cũng khác xưa nhiều. Thay vì “lo Tết”, “ăn Tết”, giờ người dân chú trọng nhiều hơn tới “chơi Tết”, “vui Tết”. Công nghệ số đã trở thành công cụ hữu ích giúp người dân chuẩn bị chu đáo cho ngày Tết cũng như giải quyết được vấn đề khoảng cách về không gian, địa lý, tăng cường sự giao lưu, giao tiếp xã hội. Mặc dù, hiện nay, một bộ phận giới trẻ có những suy nghĩ chưa đúng nên chưa coi trọng giá trị và nét đẹp của Tết cổ truyền nhưng Tết hiện đại - Tết thời công nghệ số và Tết truyền thống đang ngày càng giao thoa, hòa trộn đem đến những hương vị mới giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại. Tết “nhạt dần” hay “đậm đà hơn” có chăng là cảm nhận riêng của mỗi người. Công nghệ số sẽ mãi chỉ là thứ bổ trợ giúp con người dành thời gian nhiều hơn bên nhau để tôn vinh những nét đẹp truyền thống của ngày Tết. Dù cuộc sống có thay đổi ra sao thì ngày Tết cổ truyền trong lòng mỗi người dân Việt Nam vẫn đều là thời khắc thiêng liêng, là thời điểm mọi người cùng lắng lại để tổng kết những việc đã làm được trong năm cũ và định hướng cho tương lai.

Mai Cường

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202301/tet-co-truyen-thoi-cong-nghe-so-26d08df/