Tết của kẻ tha hương

Tôi sống xa xứ đã gần 35 năm rồi. Từng ấy năm là từng ấy cái Tết ở từng cung bậc khác nhau. Những năm đầu tiên, vì còn sống một mình, khi đó đồ ăn châu Á cực hiếm, Tết đến thì nỗi nhớ nhà thật là da diết, nhớ miếng bánh chưng, thèm miếng giò, miếng mọc của bố hấp khi sắp Giao thừa. Cũng may là xã hội nơi tôi sống rất bàng quan với cái Tết của ta. Đường phố là đường phố của họ , không khí là không khí của họ nên cái chộn rộn về ngày Tết trong lòng người xa quê cũng mau chóng qua nhanh.

Rồi khi có chồng con đoàn tụ, đồ ăn Việt được nhập vào rất phong phú. Bận việc đến đâu, tôi cũng cùng chồng sắm sửa tươm tất mâm cơm cúng Giao thừa . Cũng gói bánh chưng , cũng cành đào, cây quất cho nhà có không khí Tết - dù gia đình chỉ tập trung được với nhau một buổi tối, rồi sáng mai mọi sinh hoạt vẫn theo xã hội Đức - thằng lớn đi làm nơi công sở , thằng bé đi học , bố mẹ mở cửa bán hàng...

Năm nay anh xã về cố quốc đón Tết với mẹ, một mình vừa việc nhà lẫn việc cửa hàng nên tôi không bày vẽ gói bánh chưng. Sợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tôi cũng không mua, chỉ nấu xôi thôi vậy.

Ngày 29 Tết, tôi vào cửa hàng hoa rinh về 1 cây quất. Con dâu mua cho một bó đào, Buổi tối đang tíu tít với công việc của cửa hàng thì bất ngờ có một bàn tay đưa cái bánh chưng ra trước mặt. Ngẩng lên nhìn thì thấy ông anh Thang VuVan. Anh bảo : " anh mà biết trước thì sẽ đặt nhiều hơn.Thôi đưa cho em một cái để nhà có bánh thắp hương. Bánh vừa vớt đấy ".

Cầm cái bánh còn nóng hổi trên tay lòng tôi thật cảm động. Cảm ơn anh Thắng. Thế là có đầy đủ không khí Tết trong nhà rồi .

Sáng 30 Tết tôi nhờ người đưa hàng mua hộ cho 2 con gà trống hoa để cúng Giao thừa. Gạo nếp và đậu xanh đã ngâm từ sớm.

11g30 ra cửa hàng như mọi ngày. Cày đến 15g 30 thì sấp ngửa về nhà luộc gà và đồ xôi cho kịp . Vì chênh nhau 6 tiếng nên khi ở Việt Nam là Giao thừa thì ở đây mới 18g chiều - đang còn giờ làm việc. Vội thế mà vẫn nhớ tạt vào hàng hoa mua 2 bông hồng thắm cho 2 chú gà hoa ngậm làm duyên.

Khi xôi và gà đã chín, sắp mâm cơm cúng Giao thừa xong, tôi gọi thằng em bé ra bảo :

- Con chắp tay cúng các cụ đi. Con mong muốn gì thì nói ra để các cụ phù hộ cho.

Thằng bé ngoan ngoãn chắp tay , nhắm mắt, miệng lẩm bẩm. Tôi nhìn mà lăn tăn - chả biết nó khấn các cụ bằng tiếng gì ? Tiếng Việt, tiếng Đức, tiếng Anh hay tiếng Latinh ?

Hằng năm trước Giao thừa, tôi thường bảo các con ( trước là thằng lớn, giờ là thằng bé) đi ra cửa hàng mua một gói muối rồi về xông nhà luôn. Nhớ lời cổ nhân " đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi " đấy. Con mình xông nhà mình kiểu gì cũng là tốt nhất.

Cúng ở nhà xong, tôi mang một con gà, 1 đĩa xôi, hoa quả ra cửa hàng để cúng Giao thừa .

Vào đúng giờ ăn nên khách vào khách ra liên tục. Thắp hương xong lại tiếp tục đường cày đảm đang như thường .

12 giờ đêm. Hết giờ làm việc cũng là lúc ở Việt Nam đã 6 giờ sáng mồng một Tết. Trời Berlin tuyết rơi lất phất, gió se se lạnh. Tôi cảm giác giống mưa phùn khi XUÂN sang như ở quê nhà. Ngửa cổ hít hà khí Xuân mà thấy nao nao.

Trên đường về chẳng may bị ngã dập ống chân. Lê được về đến nhà thì ống chân đã sưng vù. Thằng em bé giờ đang ngon giấc để mai đi học sớm. Lấy rượu ra xoa bóp mà cứ luôn méo mồm vì đau. Nhìn sang bên thấy trên mâm cơm cúng Giao thừa còn 1 nửa con gà, 1 nửa đĩa xôi - thằng con phần cho mẹ. Ừ, thôi, cứ coi như bữa cơm hàng ngày cho dạ đỡ lao xao.

Thế là xong Tết. Ăn đi rồi nghỉ. Mai còn đi cày - bụng bảo dạ, dạ vâng lời ngoan ngoãn.

Đào Như Lý

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tet-cua-ke-tha-huong-a10158.html