Tết của tôi: Nhớ tết quê
Vậy là chẳng còn bao ngày nữa là Tết. Khi ngồi gõ những dòng chữ này, trong lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc chộn rộn đến khó tả. Có cái gì đó như rưng rưng, như xốn xang len lỏi trong lòng.
Quảng cáo
Ngoài kia, trời đang nắng đẹp, dường như mùa đông đang cuộn mình lại cho bớt cái hanh hao để nhường chỗ cho xuân sang. Giai điệu mừng xuân vui nhộn từ chiếc tivi nhà hàng xóm phát ra càng làm tôi có cảm giác mùa xuân đã gần kề. Lòng tôi cũng như reo vui cùng lời hát, như muốn hòa mình vào nhịp xuân đang cựa mình thức dậy. Bỗng nhiên, dòng tâm thức của tôi như một con sông đang cuộn trôi dào dạt bỗng gặp một khúc quanh đột ngột, chùng lại. Tôi nhớ tết quê.
Mười năm ăn tết xa quê, tôi vẫn nhớ như in những ngày tôi còn ở bên cha mẹ và các em.
Nhớ những ngày gần tết, chị em tôi lo phụ mẹ cha dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn màn, lau chùi bàn ghế. Chiều hai tám tháng Chạp, chúng tôi sẽ xúm xít vây quanh bên mẹ phụ lau lá dong, xem mẹ gói bánh. Cái chính là để khi mẹ gói xong còn ít đỗ xanh thừa sẽ nài nỉ mẹ nấu chè khoán ăn chơi. Mẹ lúc nào cũng chiều lòng lũ con bằng một nụ cười hiền dịu.
Nhớ nhất là ngày hai chín, ba mươi, khi mọi việc đã yên bề đâu đấy, mẹ sẽ dẫn chúng tôi ra chợ để mua cho mỗi đứa bộ quần áo mới, dép mới. Có lẽ, cả một năm, đó là lúc chúng tôi mong chờ nhất.
Chúng tôi líu ríu đi theo mẹ, ướm thử quần áo, giày dép. Để khi về, khuôn mặt đứa nào cũng rạng rỡ, đôi mắt đứa nào cũng hấp háy niềm vui. Về đến nhà là vội vàng mang đồ ra thử lại. Thử hoài, thử mãi, chẳng muốn cởi ra. Đối với bọn trẻ con như tôi những ngày nghèo khó, bộ quần áo mới ngày tết là cả một gia tài tuổi thơ dịu đẹp. Cho đến bây giờ, nhớ lại, niềm vui đó vẫn đong đầy như thể vừa mới hôm qua.
Tôi nhớ cả những ngày đầu năm đi chúc tết. Đi đến nhà ai cũng rộn ràng những lời chúc may mắn, an lành cho cả năm. Ngày ấy, mọi người chúc tết nhau bài bản lắm, hay lắm cơ. Tùy người già hay trẻ mà có những lời chúc cho phù hợp.
Đối với những ông bà già thì chúc: “Năm mới, cháu chúc ông bà thêm một tuổi mới, luôn dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi”. Với những cô dì chú bác thì ngoài chúc sức khỏe, hạnh phúc còn them: “làm ăn thuận buồm xuôi gió, tấn tài tấn lộc…”. Còn những em bé đang còn đi học thì người lớn sẽ chúc: ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành…
Sau ba ngày tết đi thăm người thân, chúng tôi sẽ được tham gia, đi xem những lễ hội ở làng. Các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm, đánh cờ người, kéo co… được tổ chức từ ngày mồng năm cho đến hết tháng Giêng và thu hút hầu hết dân làng đến xem. Rồi cả hội chùa cũng diễn ra trong không khí xuân vui nhộn. Người người đi về trẩy hội, du xuân, đến trước cửa thiền thành kính thắp nén hương cúi mình trước điện Tam bảo cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe, bình an.
Lại một tết nữa cận kề, lại một tết nữa tôi xa quê, lòng cứ mong ngày về. Về ăn tết quê để được thấy mình nhỏ lại giữa đất trời quê hương hiền hòa, ấm lòng người con xa xứ. Về để được làm nũng với chính tuổi thơ bên cha mẹ, được sống lại lần nữa với những kí ức dịu ngọt tết quê.
Và về để thêm một lần gom góp cho mình những kỉ niệm những tết xưa, rồi cất giữ làm của riêng để nuôi dưỡng, ru vỗ tâm hồn bớt xao xác nhớ thương khi không có dịp trở về.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tet-cua-toi-nho-tet-que-post54721.html