Tết đến rồi, về nhà thôi!
Mấy ngày giáp tết, lòng ai cũng không khỏi chộn rộn nỗi nhớ quê. Những đứa con xa xứ hối hả từng ngày với công việc, mong sao cho kịp chuyến xe về quê ăn tết. Cha má ở quê chăm mấy bụi vạn thọ, tưới gốc mai, để dành dăm ba trái dừa làm mứt, gói bánh,... rồi ra vào gỡ những tờ lịch cuối năm. Nay hăm bảy tháng Chạp, chắc mai mốt, tụi nhỏ về...
“Đến ngày giỗ tết phải mau về nhà”
Những ngày gần tết, chị Cẩm Nhung (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thu dọn cửa hàng, khệ nệ nào bánh mứt, quà tết chuẩn bị về quê. Mấy đứa con của chị xúng xính quần áo mới, nhảy chân sáo, háo hức khi được về quê ăn tết. Chúng phụ mẹ bưng quà bánh để lên xe rồi chia “đây là quà của ông cố, còn đây là quà của ông bà ngoại”. Xe lăn bánh, mấy đứa nhỏ hát vang “tết tết tết tết đến rồi”. Ngoài đường, xe cộ tấp nập.
Đoạn đường từ huyện Bình Chánh (TP.HCM) đến huyện Châu Thành (tỉnh Long An) chừng 40km, vậy mà phải hơn 3 giờ, gia đình anh chị mới về đến quê. Tết mà, ngoài đường xe đông mắc cửi, ai cũng lỉnh kỉnh bánh mứt mang về quê cho cái tết thêm đủ đầy. Ở quê giờ chẳng thiếu gì, chợ xã, chợ huyện bày bán đủ loại bánh mứt nhưng gói mứt được tự tay con chọn, mang từ phố về quê có lẽ là món mứt ngon nhất đối với cha má.
Chị Cẩm Nhung chia sẻ: “Hầu như tháng nào gia đình tôi cũng thu xếp về quê vài ba lần nhưng không lần nào đầy cảm xúc như chuyến về quê chiều cuối năm, nao nao khó tả! Thích nhất là đoạn đường về quê, mọi người đều hối hả nhưng vui lắm! Nôn về quê nhưng ai cũng chạy xe cẩn thận, tết rồi, lỡ có gì, mệt lắm! Xe nào cũng lỉnh kỉnh đúng nghĩa về quê ăn tết”.
Cùng tâm trạng với chị Cẩm Nhung, anh Trí Hải (Công ty TNHH Formosa Taffeta Việt Nam) cho biết, năm nào cũng dự định dành mấy ngày tết đi du lịch với bạn bè nhưng cứ đến chiều 28, 29 tháng Chạp lại nôn nao về quê. “Chiều xong việc ở công ty là tôi khăn gói về Cà Mau liền. Đoạn đường từ Long An về Cà Mau gần 300km, vậy mà chẳng thấy xa. Tết về quê vui lắm, xe cộ dập dìu, chúng tôi đi xuyên đêm mà không cảm thấy mệt.
Cứ thấy biển số xe của đồng hương là chạy lên hỏi “ăn tết lớn không?”. Chúng tôi từ những người xa lạ bỗng chốc thân quen trên đoạn đường “về quê ăn tết”. Thích nhất là lúc ghé quán nghỉ chân, những câu chuyện cứ xoay quanh tết, mọi người hỏi thăm nhau như đã thân quen tự thuở nào. Lúc ra xe còn không quên dặn nhau: “Chạy xe cẩn thận đó, tết rồi!”.
Tết là phải về nhà! Điều đó như thôi thúc những người con xa xứ. Về để được cùng cha chùi mấy bộ lư đồng, lau dọn bàn thờ tổ tiên. Về để cùng má canh nồi bánh tét. Về để mua cho mấy đứa em vài bộ đồ mới. Những khoảnh khắc đó ngoài tết ra thì chẳng bao giờ có được. Thế nên “Đi đâu mặc kệ đi đâu/ Đến ngày giỗ tết phải mau về nhà”.
Cảm giác mong tết để được về nhà như thôi thúc mọi người, để rồi mặc dù có bao nhiêu dự định đi nữa nhưng cứ đến những ngày giáp tết, người người lại quay về. Bởi nơi đó có cha má đang chờ, nơi đó chan chứa tình yêu thương. Bao nhiêu mệt mỏi, muộn phiền của một năm như được bỏ lại phía sau để nhường chỗ cho ngày tết sum vầy.
“Tết về có bánh chưng xanh”
Sống và làm việc ở TP.HCM ngót ngét 20 năm nhưng năm nào, chị Bích Thủy cũng về thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đón tết cùng gia đình. Với chị, những ngày giáp tết, cùng đại gia đình quây quần gói bánh mới cảm nhận được hết không khí ấm áp. Bôn ba cả năm rồi, đây có lẽ là thời khắc mọi người tạm gác lại bộn bề cuộc sống, dành trọn thời gian để tận hưởng giây phút sum vầy cùng những người yêu thương.
Năm nào cũng vậy, cứ tầm cuối Chạp, đại gia đình chị Bích Thủy lại quây quần, cùng nhau trang hoàng nhà cửa. Và dù bận rộn đến đâu, chị vẫn dành một ngày để gói bánh chưng. “Như đã thành thông lệ, tết đến, gia đình tôi lại gói bánh chưng. Nhiều người chọn cách mua bánh gói sẵn về dâng cúng ông bà, tổ tiên nhưng gia đình tôi vẫn duy trì gói bánh bao nhiêu năm nay và xem đó là nếp nhà. Khó có thể tả được cảm xúc khi cùng những người thân trong nhà gói bánh, chia sẻ với nhau bao buồn, vui của một năm cũ. Chị em chúng tôi kể cho nhau nghe về những ngày còn nhỏ sống với cha mẹ ở quê, nhớ những cái tết xưa đơn giản, mộc mạc mà đầm ấm vô cùng. Đó có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất trong một năm khi được sống trọn vẹn cho gia đình” - chị Bích Thủy chia sẻ.
Cũng giống như gia đình chị Bích Thủy, những ngày cuối Chạp, anh Lưu Văn Khoa (ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) chẻ lạt, rọc lá chuối để mấy chị em trong nhà gói bánh tét. Sống ở vùng quê, anh Khoa cũng không nhớ mình biết gói bánh tét từ khi nào. Lúc nhỏ, thấy má và mấy dì gói bánh, anh theo phụ rồi học cách gói. Chừng 29, 30 tháng Chạp, nhà anh lại chuẩn bị nếp, đậu xanh, thịt mỡ để gói bánh. Cha má mất, mấy chị em trong nhà mỗi người sinh sống một nơi nhưng cứ đến tết lại tụ họp, quây quần gói bánh. Hàng xóm thấy vậy cũng “ké” năm ba đòn. Chiều mát, tấm đệm được trải ra giữa sân, người trộn thau nếp, thau chuối, người ướp thịt mỡ, trộn đậu xanh để gói bánh. Mấy đứa nhỏ chạy lăng xăng gom củi để chuẩn bị nấu bánh. Chập tối, nồi bánh được bắc lên bếp củi, mọi người quây quần cắn hạt dưa, kể cho nhau nghe bao buồn, vui của một năm cũ và những dự định cho năm mới.
Tết đến, dễ dàng chọn mua vài cái bánh chưng, vài đòn bánh tét nhưng nhiều nhà vẫn giữ thói quen gói bánh như giữ lấy cái tết truyền thống và không khí đoàn viên trong gia đình.
Mời nhau ly rượu đầu năm
Mấy ngày này, ông Lê Văn Ba (ấp Cầu Kinh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) tranh thủ phơi mấy mẻ khô. Này là cá lóc đồng, ông mua được từ những người cắm câu gần nhà. Năm nào cũng vậy, gần tết, ông kiếm mớ cá xẻ phơi khô để mấy ngày mùng lai lai cùng anh em chòm xóm. Những ngày đầu năm mới, tạm gác lại công việc thường nhật, mọi người dành thời gian để thăm hỏi, chúc tết. Và ly rượu đầu năm là một phần không thể thiếu trong buổi họp mặt. Ông Ba chia sẻ: “Tết mà, phải có vài ba ly rượu mới thắm tình anh em.
Ở vùng quê này từ bao đời nay rồi, chòm xóm vẫn giữ phong tục chúc tết đầu năm. Cứ xong giao thừa, mấy anh em lại tụ họp đi chúc tết từ đầu xóm đến cuối xóm. Đến nhà nào cũng nhấp vài ly rượu, kể dăm ba câu chuyện vui. Đoàn chúc tết cứ thế càng lúc càng đông người hơn. Điểm cuối là tại nhà tôi, anh em lai rai vài xị đế Gò Đen, nhắm với khô cá lóc”. Tết quê chỉ có vậy thôi, mùng 1, mùng 2, mùng 3 về hai bên nội, ngoại, thắp nhang cho ông bà, tổ tiên, dùng bữa cơm đầu năm với họ hàng. Tết nay đơn giản và gọn nhẹ hơn xưa nhiều nhưng những phong tục, nếp nhà thì vẫn được trao truyền, lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Là con trai trưởng trong gia đình, lại ở nhà thờ của dòng họ nên mỗi năm, cứ độ hăm ba tháng Chạp là gia đình anh Nguyễn Thanh Bình (ấp Phước Toàn, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) đã chuẩn bị tết tươm tất. Chiều 30 tết, đại gia đình tụ họp về nhà thờ để cùng ăn bữa cơm tất niên. Ngoài các món ăn truyền thống thì bữa cơm chiều cuối năm của nhà anh Bình không thể thiếu rượu nếp than. Rượu này được nấu theo công thức gia truyền từ thời bà cố anh truyền lại.
Thời đó, cũng nhờ nghề nấu rượu mà bà cố, rồi bà nội anh nuôi mấy người con khôn lớn. Lúc má anh về làm dâu cũng được bà nội trao truyền “bí kíp” nấu rượu. Tuy giờ đây không còn nấu rượu để bán như trước nhưng dịp lễ, tết nào, nhà anh Bình cũng nấu vài ơ rượu, chủ yếu là rượu nếp than vì loại rượu này nồng độ cồn thấp, vị ngọt dễ uống và có thể pha với nước đá làm nước giải khát. Đó cũng là cách gia đình anh Bình giữ lại hương vị trứ danh của rượu xứ Gò Đen.
Mời nhau ly rượu đầu năm trở thành phong tục không thể thiếu trong những ngày tết. Ly rượu như bắt đầu câu chuyện tết với những lời chúc tốt lành. Nhấp ly rượu, thưởng thức những món ngon ngày tết trong không khí ấm áp của ngày sum họp thì còn gì bằng! Câu chuyện như được kéo dài hơn, thú vị hơn nhưng không vì thế mà đánh mất ý nghĩa vốn có. Mời nhau ly rượu đầu năm là mời cái tình, cái nghĩa, chúc nhau mọi điều tốt đẹp trong năm mới chứ không phải “vin” vào đó mà sa vào cuộc say bí tỉ, làm mất nét đẹp của ly rượu mừng.
Tết là để về nhà! Về cùng má làm mứt dừa, mứt bí, phụ cha tưới mấy luống vạn thọ, chưng vài cành mai tết trong nhà. Tết rồi, về nhà thôi, cha má đang chờ!./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tet-den-roi-ve-nha-thoi--a170330.html