Tết độc lập nơi rẻo cao

Thu sang, heo may về làm bớt nắng cuối hạ, mây nhởn nhơ bay, trời xanh thắm. Trong tiết trời thu trong veo ấy, người dân vùng cao Thái Nguyên hồ hởi đón Tết độc lập. Đã qua lâu lắm rồi những ngày đói khổ, hôm nay, cuộc sống ở những bản, làng nơi rẻo cao của tỉnh đã no ấm hơn. Bởi thế, không khí đón cái Tết độc lập trong mỗi nếp nhà cũng thật nhiều ý nghĩa.

Dịp nghỉ lễ, Tết, chị Hoàng Thị Lan, bác sĩ trạm y tế xã Phú Đô (Phú Lương) đưa con từ TP. Thái Nguyên về thăm mẹ cha ở bản Na Sàng.

Dịp nghỉ lễ, Tết, chị Hoàng Thị Lan, bác sĩ trạm y tế xã Phú Đô (Phú Lương) đưa con từ TP. Thái Nguyên về thăm mẹ cha ở bản Na Sàng.

Mong chờ ngày sum họp

Mùa thu về, những ruộng lúa ở các bản, làng vùng cao xanh mướt mát. Đâu đâu cũng bắt gặp sắc cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng. Càng sát ngày lễ, ông Hoàng Thanh Cao, người con của bản Mông Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) càng thấy trong lòng đầy rạo rực. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết: Không riêng tôi mà tất cả những người con của bản đều mong đến ngày 2-9 để đón Tết độc lập.

Theo chia sẻ của ông Cao, từ lâu, Tết độc lập đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi rẻo cao. Đây là dịp để những người bạn thân thiết có thể ngồi bên nhau trút bầu tâm sự và con cháu ở phương xa có thời gian tụ họp về vui vầy bên gia đình, người thân.

Lời tâm sự của ông Cao là minh chứng sinh động về những đổi mới ở vùng cao Thái Nguyên hôm nay. Khác với hình ảnh quanh năm làm bạn cùng ruộng lúa, nương ngô, lớp trẻ vùng cao ngày mới đã nuôi dưỡng ước mơ xây tương lai bằng cách học lên cao đẳng, đại học. Cũng bởi thế, nhiều người con sinh ra, lớn lên nơi rẻo cao đã trưởng thành và lập nghiệp xa quê hương, xa cha mẹ, người thân. Không thể ngày ngày cận kề phụng dưỡng mẹ cha, nhiều người chỉ mong đến dịp nghỉ lễ, Tết để về đoàn tụ cùng gia đình.

Khi mẹ cha ngóng trông con, khi đàn con cố gắng thu xếp mọi bộn bề của công việc, nhịp sống hối hả ngoài kia để được trở về trong vòng tay yêu thương của đấng sinh thành, những bữa cơm sum họp thật ý nghĩa. Chị Hoàng Thị Lan, người dân tộc Mông, bác sĩ đang công tác tại Trạm Y tế xã Phú Đô (Phú Lương), cho hay: Ở tuổi đôi mươi, tôi về thành phố theo học đằng đẵng nhiều năm tại Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. Ra trường, đi làm rồi nhanh chóng kết hôn, sinh con, tôi đang có cuộc sống hạnh phúc viên mãn khi ở nhà chồng luôn được quan tâm, chăm sóc. Dù vậy, tôi rất thương mẹ cha cả một thời tuổi trẻ lam lũ, vất vả ngược xuôi nuôi chị em tôi khôn lớn thành người. Đây là lý do tôi luôn mong đến kỳ nghỉ lễ để về ăn bữa cơm sum vầy cùng những người thân yêu. Năm nay, kỳ nghỉ lễ kéo dài, vợ chồng tôi đưa con về chơi với ông bà mấy hôm cho vui cửa, vui nhà.

Dịp Tết độc lập cũng là khoảng thời gian các nhà máy, xí nghiệp tạo điều kiện cho công nhân nghỉ ngơi. Vì lẽ đó, những người trẻ nơi các bản, làng vùng cao sau bao ngày đi làm ăn xa có điều kiện về thăm nhà. Ông Hầu Phình, bản người Mông Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai), nói: Khoảng 3 năm nay, nhiều thanh niên của bản đã lựa chọn đi làm công nhân ở tận Bắc Giang, Bắc Ninh… Được nghỉ lễ, họ tranh thủ về thăm gia đình nên không khí ở bản rộn ràng hơn rất nhiều.

Mùa thu nay khác rồi

Không khí nhộn nhịp, ấm áp trong những ngày nghỉ lễ đón Tết độc lập ở vùng cao Thái Nguyên hôm nay chính là thành quả từ sự nỗ lực của những ngày đã qua. Vậy là sau những năm tháng chiến tranh gian khổ ác liệt, nạn đói, nạn dốt, đi theo những thăng trầm của đất nước, trải qua 79 mùa thu cách mạng, người dân nơi rẻo cao ở mảnh đất Thái Nguyên đã có những đổi thay rất tích cực.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, huyện vùng cao Võ Nhai đã cấp 60 tấn phân bón cho 170 hộ dân ở Dân Tiến, Bình Long, phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, huyện vùng cao Võ Nhai đã cấp 60 tấn phân bón cho 170 hộ dân ở Dân Tiến, Bình Long, phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con.

Ấn tượng nhất là khi những cung đường khó như “lên trời” ở nhiều bản người Mông như: Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai); Tèn, Liên Phương, xã Văn Lăng và Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ); Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương)… đã được hạ thấp độ cao, mở rộng và cứng hóa. Ông Hoàng Văn Nhính, người dân tộc Mông, bản Na Sàng, chia sẻ: Hơn 8 năm trước, đường vào Na Sàng rất khó đi. Người dân đi chợ, đưa con đi học… phải vượt con đường mòn xuyên qua núi, một bên là vực thẳm, một bên là vách đá rất vất vả. Nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư, đầu năm 2015, con đường vào bản đã được mở mới, rộng rãi, không còn vòng vèo nữa, đi lại rất thuận tiện.

Cùng với mở đường, trụ sở UBND các xã, trường học, trạm y tế ở vùng cao cũng được xây dựng khang trang. Những nếp nhà của bà con cũng đã được xây dựng vững chãi… tạo nên bức tranh vô cùng sinh động. Đến nay, 100% hộ dân trong tỉnh đã được sử dụng điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chấm dứt cảnh “ăn cơm đèn, đi ngủ điện” ở khắp các bản làng xa xôi.

Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, chia sẻ: Hiện, trên 99% xóm, bản ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được kiên cố hóa. Đường mở rộng, tiền đồ và tương lai tươi sáng của con trẻ cũng rộng mở theo khi 100% trẻ em ở vùng cao được đến trường đúng độ tuổi. Đồng bào dần “bước” qua đói nghèo khi từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tỉnh giảm trên 2% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.

Nhiều hộ dân ở vùng cao đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đơn cử như mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xóm Trung Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai).

Nhiều hộ dân ở vùng cao đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đơn cử như mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xóm Trung Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai).

Vậy là mùa thu nay, đời sống của người dân vùng cao đã khác. Đây chính là thành quả có được từ việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch, nhóm giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn như Chương trình 135; Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020. Thêm vào đó còn có cả sự chủ động, tích cực của mỗi người dân nơi rẻo cao... Đặc biệt là sự tiếp sức của 3 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Hôm nay, dù nhịp sống ở vùng cao chưa được hối hả, sôi động như ở chốn thị thành nhưng đã mang một gam màu tươi sáng. Đây chính là luồng sinh khí mới tiếp tục thổi vào đời sống của người dân nơi rẻo cao, tạo ra những khởi sắc trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất Thái Nguyên trong những năm tiếp theo.

Huệ Dinh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/tet-doc-lap-noi-reo-cao-8a010ce/