Tết Hàn Thực (3/3) năm 2025: Cúng thế nào cho đúng?
Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch, là dịp tri ân tổ tiên với lễ cúng bánh trôi, bánh chay. Nhưng cúng sao cho đúng là điều mà nhiều người Việt băn khoăn?
Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Hàn Thực
Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với câu chuyện về Giới Tử Thôi – một trung thần thời Xuân Thu. Sau này, ngày 3/3 Âm lịch được lưu giữ trong văn hóa Việt Nam nhưng đã mang màu sắc riêng, thiên về việc tưởng nhớ tổ tiên hơn là kiêng lửa như nguyên bản.
Ở Việt Nam, trong ngày này, các gia đình thường làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng. Bánh trôi, bánh chay không chỉ tượng trưng cho sự thanh khiết, mà còn thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với người đã khuất.

Tết Hàn thực còn được gọi là Tết Bánh trôi, Bánh chay. Ảnh: Như Ý - Báo Dân tộc và Phát triển
Cúng Tết Hàn Thực thế nào cho đúng?
Theo thầy cúng Hoàng Minh Quân, người có nhiều năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cúng lễ Tết Hàn Thực không cần quá cầu kỳ. Mâm cúng truyền thống thường gồm:
Bánh trôi, bánh chay (tượng trưng cho sự thanh tịnh và tưởng nhớ tổ tiên); Hương, hoa tươi, trầu cau (thể hiện sự thành kính); Nước sạch, rượu trắng (biểu trưng cho sự thanh khiết); Mâm ngũ quả (tùy theo từng vùng miền).
Ngoài ra, tùy theo điều kiện gia đình, có thể chuẩn bị thêm xôi chè hoặc đồ chay, nhưng không nên sát sinh hay cúng đồ mặn vào ngày này.
"Lễ vật quan trọng nhưng không cần xa hoa. Điều cốt lõi là sự thành tâm của người cúng. Nếu tự tay làm bánh trôi, bánh chay để dâng lên, đó sẽ là cách bày tỏ lòng hiếu kính trọn vẹn nhất", thầy Quân chia sẻ.

Thầy cúng Hoàng Minh Quân chia sẻ về việc cúng lễ trong ngày Tết Hàn thực
Nhiều người có thói quen đi lễ chùa hoặc đền phủ vào ngày Tết Hàn Thực, nhưng không phải ai cũng biết cách dâng lễ đúng. Khi dâng lễ, nên đặt lễ vật một cách trang nghiêm, không bày biện lộn xộn. Tiền công đức cần bỏ vào hòm công đức thay vì rải khắp nơi. “Khi ta công đức đúng cách, số tiền ấy mới thực sự được các Ngài chứng giám và mang lại phước lành”, thầy Quân nhấn mạnh. Khi thắp hương, không cần đốt quá nhiều một lúc để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.

Mâm cúng không cần quá cầu kỳ, chủ yếu là lòng thành. Ảnh: Như Ý - Báo Dân tộc và Phát triển
Điều quan trọng nhất khi cúng Tết Hàn Thực không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở tâm thế của gia chủ.
"Cúng lễ không phải là để cầu xin lợi lộc, mà là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên. Khi làm lễ, nên giữ tâm thanh tịnh, thành kính, tránh cúng bái qua loa hoặc chỉ làm vì hình thức", thầy Quân chia sẻ.
Ngoài ra, khi đi lễ chùa, không nên cầu khấn quá nhiều điều phức tạp hay mang tính vụ lợi. Hãy chỉ xin bình an, trí tuệ và sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Lưu ý quan trọng khi cúng Tết Hàn Thực
Thời gian cúng: Tốt nhất là buổi sáng hoặc trưa ngày 3/3 Âm lịch.
Vị trí cúng: Mâm cúng thường đặt trên bàn thờ gia tiên, không nhất thiết phải cúng ngoài trời.
Hạn chế đốt vàng mã: Tết Hàn Thực không phải ngày lễ cần đốt vàng mã, nên tránh để tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Tết Hàn Thực không chỉ là một ngày lễ truyền thống mà còn là dịp để mỗi người hướng về cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên. Khi hiểu đúng ý nghĩa và thực hành cúng lễ đúng cách, mỗi gia đình không chỉ duy trì truyền thống mà còn lan tỏa giá trị tâm linh một cách trọn vẹn nhất.