Tết là để sum vầy!

Ngày mà cuộc sống còn cơ cực, tôi mong tết những năm sau này đủ đầy hơn chút. Cho đến khi Covid ập đến, tôi mong ước về một cái tết bình an, sum vầy. Và giờ, chỉ cần nghe đến tết, bất ở đâu, bất kể bao xa, bác tôi, cô bạn tôi, chị em tôi đều khăn gói trở về nhà.

Nhớ tết xưa khốn khó

Thuở còn cơ cực, ba vào Nam làm thuê, biền biệt theo năm tháng. Hồi ấy chẳng có điện thoại, nhớ ba chỉ biết làm hai việc, một là biên thư cho ba, hai là cố học thật giỏi để tết về ba thưởng. Mỗi lần thấy mấy đứa trẻ trong làng xúng xính quần áo đẹp, tôi đều nhớ lời ba trong thư “Đợi cuối năm về, ba sắm đồ mới cho con”.

 Mâm cúng gia đình tôi chiều 30 tết

Mâm cúng gia đình tôi chiều 30 tết

Chiều tối 30 tết, má tôi mới bắt đầu lọ dọ lên chợ, chỉ vì ngày hôm ấy ba mới đem những đồng tiền đủ sắc màu về. Và quan trọng hơn cả, mọi thứ chiều tối 30 sẽ rẻ hơn so với ngày thường. Đôi khi má còn được tặng kèm thêm vài ba món đồ như lọ nước mắm hay củ nén, củ hành.

 Khoảnh khắc cả gia đình bên nhau, sửa soạn cho tết

Khoảnh khắc cả gia đình bên nhau, sửa soạn cho tết

Quà má mua về, nào là hạt hướng dương ngọt thanh, hương thơm dừa lan dần nơi đầu mũi. Nào là những gói kẹo đủ sắc màu, mỗi màu tương ứng mỗi vị. Như màu xanh vị ổi chua ngọt, màu vàng vị soda chanh đá chua chua mát lạnh, màu hồng vị vải thiều ngọt dịu tươi mát,...

Nếu năm nào ba làm ăn khấm khá, nhà tôi sẽ có thêm kẹo bắp dẻo mềm mắc tiền hơn một chút. Mỗi lần mở chiếc kẹo, hương bắp non thoảng qua và vị ngọt dịu khiến tôi mê mẩn không thôi.

Mấy lần bóc bánh kẹo để bày lên bàn, mấy chị em tôi trộm nhìn thèm thuồng, nửa muốn nửa không, vì sợ ăn hết rồi không còn gì dọn đãi khách nữa.

Tết năm Covid xa cách

Ngày dịch bệnh bùng phát và hoành hành, tết trong tôi là những bất an, lo lắng. Tôi nhớ ngày đọc tin tức đại dịch Covid bắt đầu lây lan, rồi sau đó là cách ly, rồi mất mát. Cuộc sống của gia đình tôi cũng thay đổi cái xoạch.

Khi ấy, nhà không còn túng thiếu như xưa, hạt dưa má mua đủ, bánh kẹo lạ mắt thơm ngon, bộ bàn ghế mới thay thế cho chiếc ghế nhựa đã cũ từ bao giờ. Nhưng hạt dưa chẳng ai buồn cắn, kẹo cũng không thấy ngọt nữa, chỗ ngồi dành cho khách chưa bao giờ được lấp đầy.

Tôi nhớ bác tôi, mấy chục năm bôn ba xứ người, chờ cái tết về cùng gia đình làm bánh tét, vậy mà Covid ập đến, thế là đành gói gằn lòng nỗi nhớ mà ở lại. Cả cô bạn tôi du học xứ người, ba má ở nhà ngóng đợi, nhưng chỉ là dòng tin báo bình an. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, quãng thời gian ấy, không thể đi lại thoải mái được. Chứ tết mà, ai mà chẳng muốn về nhà.

Nhưng thật may vì trong những ngày tháng cách ly vì dịch bệnh, có công nghệ hiện đại, để dù ở xa, ta vẫn thấy như cạnh nhau. Những cuộc điện thoại thăm hỏi, những tin nhắn an ủi, những video call gửi lời cầu chúc, mọi thứ cứ thế thay cho buổi gặp mặt trực tiếp.

Nhiều người bảo tết Covid không vui, nhưng mà tôi nghĩ, còn có nhìn thấy nhau trong đời, như thế là vui rồi.

Tết ngày nay sum vầy

Ngày mà cuộc sống còn cơ cực, tôi mong tết những năm sau này đủ đầy hơn chút. Cho đến khi Covid ập đến, tôi mong ước về một cái tết bình an, sum vầy. Và giờ, chỉ cần đến tết, bất kể ở đâu, bất kể bao xa, chị em tôi, chú bác, cô dì hay những người bạn của tôi đều khăn gói trở về nhà.

Tôi từng ngốc nghếch mong mình lớn lên thật nhanh, đi xa nhà để thoải mái vùng vẫy ở một vùng trời to lớn hơn. Nhưng khi trưởng thành, đi học rồi đi làm xa nhà, thời gian ở bên gia đình ngày càng ít đi. Lại nhìn người thân, bạn bè đôi khi vì lý do nào đó không thể về nhà, tôi mới thấm thía, không gì quý giá khoảnh khắc được quây quần bên gia đình.

 Mỗi khi xa nhà, nhìn những hình ảnh này lại muốn xách balo lên và đi... về nhà

Mỗi khi xa nhà, nhìn những hình ảnh này lại muốn xách balo lên và đi... về nhà

Nếu một ngày nào đó, bạn phân vân tết này có nên về nhà không, thì đừng chần chừ nhé. Về nhà, để cùng thắp nén nhang thành kính cho ông bà. Về nhà, để thấy trăm hoa đua nở. Về nhà, để hít hà mùi nếp dẻo thơm, để cùng ngồi bên bếp lửa ấm bập bùng cháy, để cùng kể cho nghe buồn vui năm cũ và mong ước cho năm mới sung túc. Về nhà, để nghe tiếng “càu nhàu” thân thương của ba má, để biết rằng xuân này người vẫn còn bên ta.

HẢI DƯƠNG

Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-la-de-sum-vay-post726345.html