Tết lạ vùng biên
Từ đất Mũi Cà Mau tới địa đầu Lũng Cú, từ rừng dương Trà Cổ đến trảng bàng Hà Tiên... có thể nói thiên nhiên đã ưu ái cho Việt Nam một giang sơn gấm vóc kì vĩ và tươi đẹp.
Cùng với đó là các giá trị truyền thống ngàn năm nay vẫn bền bỉ chảy trong huyết quản của cộng đồng 54 dân tộc anh em, tạo nên những nếp sống và nền văn hóa hết sức đặc thù và đa dạng. Đặc biệt là vào ngày tết, mỗi dân tộc lại có một phong tục độc đáo và đôi khi... kỳ lạ.
Kỳ thú tục ăn trộm lấy may
Dưới chân ngọn cờ Lũng Cú, hàng trăm năm nay, dân tộc Lô Lô luôn được coi là những người có công đầu khai phá vùng đất Đồng Văn. Chính vì thế, ngày nay, các dân tộc khác ở Đồng Văn như Mông, Dao, Tày, Hoa... vẫn thường tổ chức cúng ma Lô Lô để tỏ lòng biết ơn người đi trước. Với người Lô Lô thì từ khi khai thiên lập địa đã có trống đồng, vì vậy, trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người. Trống chỉ được dùng vào việc tế trời đất trong ngày tết, cúng ma cho người chết và nhảy múa trong ngày lễ cúng tổ tiên vào tháng 7 âm lịch.
Âm hưởng trầm vang của trống có ảnh hưởng rất lớn đến phong tục tập quán và dân ca, dân vũ. Trong ngày tết vui, người Lô Lô mới đem những chiếc trống cổ cùng những vũ điệu nguyên sơ ra để trình diễn như một phức điệu đẹp của núi rừng, của tấm lòng tôn kính tổ tiên và cùng cầu mong cho mọi gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe.
Người già ở Séo Lủng - cái bản nhỏ còn hơn một hạt bụi trên quả địa cầu của người Mông nằm nơi chóp nón của vùng biên cương cực Bắc - nhẩn nha đọc hai câu dân ca khi nhận xét về người hàng xóm đã đến “khai thiên lập địa” vùng đất này: “Mưa nhẹ trên đường phố/ Chó sủa Lô Lô về” với hàm ý ám chỉ đường ăn nết ở nhẹ nhàng, khéo léo và hay mỉm cười của những người Lô Lô trong vùng.
Từ chiều 30 tết, các gia đình Lô Lô đã niêm phong tất cả đồ đạc và dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được nghỉ tết. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được niêm phong, nhất định không ai được động vào trong 3 ngày tết.
Người Lô Lô có quan niệm vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, nếu có thể mang về nhà mình một chút phẩm vật cầu may thì năm đó gia đình sẽ hanh thông, thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ. Chính vì lẽ đó mà khi gần tới khắc sang canh, một ai đó trong gia đình sẽ ra ngoài để “khù mi”, tức là "ăn trộm chơi" hay "ăn trộm lấy may".
Vật được trộm không cần có giá trị lớn, cũng không lấy số lượng nhiều mà chủ yếu mang tính biểu tượng của tâm linh, gắn với đời sống nông nghiệp của đồng bào như củ tỏi, bắp ngô, thanh củi, bó rơm...
Giữa đêm đen 30, nhà nhà đi trộm, người người đi trộm một cách lặng lẽ. Họ đi qua nhau như thể không nhìn thấy, không chào hỏi hay bày tỏ thái độ gì. Thậm chí, chủ nương rẫy phát hiện có người ăn trộm hoa màu nhà mình nếu không quá nhiều thì cũng sẽ vờ như không biết.
Người Lô Lô Chải có quy ước là sẽ lấy trộm 12 thứ tượng trưng cho 12 tháng, nếu không may bị phát hiện khi đang trộm vật phẩm thứ bao nhiêu, ứng với tháng nào thì năm mới sẽ tránh không làm việc lớn vào tháng đó. Họ cũng kiêng nhổ cây bị đứt gãy nên nếu gặp phải cây có bộ rễ quá chắc thì họ sẽ bỏ đi tìm cây khác. Còn người Lô Lô đen và Lô Lô hoa thì quan niệm số 3 là số may mắn nên họ thường trộm mỗi thứ 3 cái.
Át tiếng gà gọi sáng mong năm mới an lành
Cũng trên cao nguyên đá, dải đất Phố Là, Phố Bảng lại là quê hương của cộng đồng người Pu Péo với số dân ít ỏi chỉ hơn 600 người. Những căn nhà của người Pu Péo có nhiều điểm tương đồng với nhà trình tường của người Mông, người Hoa anh em. Nhưng, đường nét kiến trúc và cách bài trí của người Pu Péo khiến ngôi nhà có nhiều công năng hơn. Họ tự hoàn thiện cho mình một lối kiến trúc chuyên biệt phân bố không gian sinh hoạt trong một tầng nhà duy nhất theo cách rất khoa học.
Các cột đá kê dưới chân cửa thường được khắc hình con gà trống và mặt trời là biểu tượng cho âm dương tương hợp, là nguồn gốc của sự tăng trưởng và phồn thịnh của con người cùng vạn vật trong vũ trụ. Có lẽ cũng bởi quan niệm này nên vào lúc giao thừa, người Pu Péo còn có tục “đón giọng gà” hay “cướp giọng gà” để cầu mong may mắn cho năm mới.
Dù định cư đã nhiều đời, song bà con Pu Péo vẫn giữ thói quen sử dụng lịch mà theo đó, mỗi giáp có 12 năm, mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Tuy cách tính khác nhau nhưng hoàn toàn khớp với cách tính lịch âm của chúng ta hiện nay. Khi chúng tôi đến Phố Là, vừa lúc cụ Củng Diu Suyền tính toán đã đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày mời tổ tiên về ăn tết.
Vì thế, cụ rủ chúng tôi cùng lên rừng lấy cây “suy sáng phù” để treo trước cửa nhà. Đây là một loại cỏ thơm, có thể dùng để chữa chướng bụng. Treo như vậy với mục đích chống tà ma, ngoài tổ tiên của gia đình ra thì những linh hồn lạ hoặc ma quỷ không thể vào nhà.
Cụ Suyền kể, sắp sang năm mới, nhà nào nhà nấy phải cắt cử người canh chừng đám gà trống của nhà mình. Tới giao thừa thì đốt pháo hoặc khua gậy vào chuồng gà để lũ gà giật mình táo tác gáy. Chỉ chờ có thế, cả bản nhà nọ tiếp nhà kia nối giọng hát vang bài hát mừng năm mới để át tiếng gáy của gà. Vì quan niệm tiếng gà đánh thức ông mặt trời, để vạn vật âm dương giao hòa nên ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Sau đó là lễ cúng mừng năm mới với lễ vật là “mí uột lìn” - bánh chưng trắng mừng năm mới đối với “mí uột lặng” bánh chưng đen được ăn vào tối 29 tết để kết thúc năm cũ. Sáng mùng 1, những chàng trai cô gái Pu Péo trong những bộ đồ đẹp nhất sẽ cùng nhau ra suối gánh “nước vàng, nước bạc”.
Họ đốt hương cầu nguyện trước khi lấy nước rồi rải một lớp giấy vàng, 1 lớp giấy bạc vào 2 thùng để gánh về. Có lẽ, quan niệm của họ là luôn trân quý những gì mà thiên nhiên ban tặng nên rừng và nguồn nước của người Pu Péo được giữ gìn, bảo vệ rất tốt.
Câu chuyện kể và dứt cũng là lúc bữa cơm ngày cuối năm lên mâm. Những lát thảo quả muối thơm nồng, miếng thịt lợn gác bếp, đĩa đậu trắng và bát muối dầm ớt cay xè... dưới đôi tay khéo của vợ trưởng thôn Củng Phú Xuẩn đã được bày. “Mừng mùa lúa mới, mừng con cháu về đây sum họp, chào anh em, đồng chí hôm nay về đây mừng cho gia đình năm nay nhiều vận may.
Mời nâng chén rượu này để cùng nhau gắn bó, đoàn kết...”, bài dân ca được bí thư Cháng Mí Hồ hát trong bữa cơm khiến không gian thêm ấm áp, tình quân dân ngày càng bền chặt, cho biên cương no ấm, vững vàng...
Xem lá gan lợn để đón lành, tránh dữ
Ở nơi hút tít đầu nguồn con sông Đà xanh thẳm trên biên giới Lai Châu, ngày tết của đồng bào Hà Nhì cũng vô cùng độc đáo với những phong tục đầy nhân văn. Người Hà Nhì dù có đói kém đến đâu cũng bắt buộc phải lo cho được miếng thịt lợn dâng cúng tổ tiên nên nhiều gia đình ăn củ mài, cơm nếp quanh năm nhưng nhất định phải tự nuôi một con lợn đực thiến từ đầu năm.
Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè nói rằng, khi mổ lợn ăn tết, người ta phải hết sức cận thẩn để lấy nguyên vẹn lá gan ra ngoài. Giống như người Kinh thường có tục xem bói chân gà, người Hà Nhì lại căn cứ vào lá gan để đoán cát - hung trong năm mới. Nếu lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn căng đầy thì năm đó gia đình chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.
Đối với người Hà Nhì ở Điện Biên thì đêm giao thừa sẽ là đêm cả bản cùng giã gạo làm bánh dày, bánh trôi cho đến khi bình minh ló rạng. Canh ba ngày mới, các gia đình thi nhau xem nhà nào mổ lợn xong sớm nhất, chọc tiết lợn ngọt nhất thì năm mới sẽ dồi dào tài lộc, con cháu đông đàn dài lũ. Khi thịt lợn được làm tinh tươm, chia rạch ròi ba phần xương, thịt và mỡ thì cũng là lúc xửng hấp bánh dày, bánh trôi vừa chín tới.
Chiếc bánh đầu tiên được đem cúng mời tổ tiên rồi mới chia cho mọi người cùng ăn. Bánh dày được ăn cùng lạp xường nên có phong vị thật khó tả, nồng ấm bởi được kết hợp từ nhiều loại thảo mộc. Bánh trôi chấm với mật ong rừng có vị ngọt tinh khiết đến mức còn thoang thoảng hàng chục mùi phấn hoa rừng.
Trong ngày tết, nhất định thanh niên, con trẻ phải được người già hát cho nghe sử thi “Phùy ca Na ca”. Đó là câu chuyện kể về sự chiến đầu dũng mãnh của người Hà Nhì chống lại người Hán rất hấp dẫn và nhiều lần nhắc đi nhắc lại một mệnh đề như khẳng định quyết tâm giữ đất của người Hà Nhì.
Tác phẩm biểu đạt nhiều thông tin quan trọng về xã hội, truyền thống nông nghiệp và phong tục tập quán của cộng đồng người này. Tín ngưỡng của đồng bào cũng chỉ rõ họ kiêng ăn thịt mèo trong năm mới bởi họ quan niệm mèo có họ với hổ nên nếu giết mèo, hổ sẽ trả thù, gây họa cho cả bản.
Giống như nhiều dân tộc khác, người Hà Nhì cũng phải “làm lý” để xin phép tổ tiên, thần linh trước khi hát “Phùy ca Na ca”. Một mâm cơm trên đó nhất thiết cần có một con gà và hai chén rượu được dâng lên, sau khi khấn vái mời bề trên về ăn thịt, uống rượu và nghe con cháu hát, người chủ lễ đồng thời là người hát sẽ ngân nga từ đầu sử thi. Vừa uống vừa hát, vừa đưa tay ra điệu bộ và diễn nét mặt theo nội dung lời hát, khi mệt, sẽ có người khác đỡ lời để câu hát luôn liền điệu, liền vần.
Một phong tục rất “đáng yêu” khác là năm mới, người con gái Hà Nhì chưa chồng được quyền chọn người con trai mình thích để trao gửi “khước xuân” mà không đòi hỏi hay ràng buộc bất cứ trách nhiệm, điều kiện gì. Chàng trai được chọn sẽ là người đàn ông đầu tiên của cô gái và nếu sau lần tìm “khước xuân” ấy có để lại những hạt giống cho người Hà Nhì thì cả bản sẽ cùng quý yêu đứa trẻ ấy và người chồng sau này của cô gái cũng sẽ yêu thương, chăm sóc nó như con ruột.
Trên dọc dài biên giới, tôi đã đi và mê đắm thưởng thức các điệu dân ca, dân vũ ngày tết cùng các phong tục đầy bất ngờ, chứa đựng nhân sinh quan của các dân tộc anh em, chợt như mình đã tìm thấy trong lịch sử, trong tự nhiên, trong văn hóa, trong con người nơi đây bao điều để suy ngẫm về lẽ đời, về cuộc sống giữa thế giới đang rối bời xung đột hôm nay.
Và vỡ ra một điều giản dị rằng, dân tộc nào cũng vậy, dù nhỏ bé hay hùng mạnh, dù phồn thịnh hay nghèo khó thì ngày tết vẫn luôn là ngày đoàn viên, ngày nguyện cầu cho quốc thái dân an, xóm làng bình yên, vạn vật sinh sôi, phát triển.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tet-la-vung-bien-577959/