Tết lại trên quê hương Vua Lê Đại Hành
Hàng năm, sau khi hết 3 ngày Tết Nguyên đán, vào mùng 7 và mùng 9 tháng Giêng âm lịch, người dân tại các làng thuộc xã Xuân Lập (Thọ Xuân) lại tưng bừng tổ chức ăn tết lại. Tết lại chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng người dân trong làng mổ lợn, làm giò chả, nem, gói bánh lá răng bừa và chuẩn bị nhiều món ăn để mời bạn bè, anh em.
Người dân các làng của xã Xuân Lập thi làm lễ chay tiến vua dịp tết lại.
Từ xưa, làng Trung Lập, xã Xuân Lập đã được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt” của xứ Thanh. Vùng đất “tài hoa tinh kết ngọc long lanh” này gắn liền với tên tuổi lừng danh của Vua Lê Đại Hành. Nơi đây có nhiều tục lệ độc đáo như: cày ruộng tịch điền, lễ cầu yên, lễ đốt áo chầu, tục chạp lăng, chạp làng, tục xôi nén, làm bánh lá răng bừa, tục kết chạ, nấu bánh chưng vào chum... và tục ăn tết lại.
Tương truyền từ bao đời nay, hết 3 ngày tết đi (Tết Nguyên đán), dân làng lại rục rịch chuẩn bị tết lại. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, tết lại bắt nguồn từ sự kiện Vua Lê Đại Hành đi đánh giặc đúng dịp Tết Nguyên đán. Khi cuộc chiến kết thúc, đất nước bình yên, người dân mới trở về quê hương. Lúc đó tết đã qua, Vua Lê Đại Hành cho phép binh sĩ và Nhân dân ăn tết lại để có một cái tết trọn vẹn. Dân làng nô nức tổ chức giã giò, gói bánh chưng, bánh lá răng bừa mở hội. Do là tết mừng chiến thắng nên “tết lại” rầm rộ hơn tết chính.
Tết lại không được tổ chức cùng ngày, các làng trong xã Xuân Lập có ngày ăn tết lại khác nhau. Ví như hàng năm, cứ vào mùng 7 tháng Giêng là làng Trung Lập lại tổ chức ăn tết lại, còn ba làng: Vũ Hạ, Vũ Thượng, Phú Xá thì đều tổ chức tết lại vào ngày mùng 9 tháng Giêng. Từ ngày mùng 6 người dân trong làng Trung Lập đã mổ lợn, làm giò chả, nem, gói bánh lá răng bừa. Tục ăn tết lại được thực hiện theo một quy trình cụ thể: tế lễ ở đền Vua Lê, lễ mừng thọ người cao niên; lễ trình làng xin nhiêu tổ chức tại đình làng. Lễ trình làng xin nhiêu được thực hiện khi các gia đình trong làng có con trai đến 18 tuổi có cơi trầu rượu, khai báo với làng để trở thành chính đinh và được chia ruộng làng.
Gói bánh lá răng bừa đón tết lại.
Về quê hương Vua Lê Đại Hành vào ngày 7, ngày 9 tháng Giêng, trên bàn thờ nhà nào cũng có bánh chưng xanh, bánh lá răng bừa, mâm ngũ quả... và trong nhà còn quất vàng, đào thắm. Nhà nhà tới chúc nhau năm mới an khang thịnh vượng, tấn tài tấn lộc, làm ăn gặp nhiều may mắn hơn năm trước. Điều đặc biệt là các gia đình đều làm cỗ và bánh lá răng bừa để cúng gia tiên, mời anh em, bạn bè ở xa trong ngày tết cổ truyền không tới được ăn bữa cơm đoàn kết với gia đình. Ngày này cũng chính là dịp những người con gái lấy chồng xa quê có dịp về thăm lại người thân, bạn bè, bà con chòm xóm, tận hưởng không khí ấm cúng của gia đình bên mâm cỗ đầu xuân.
Ông Mai Văn Toàn ở làng Trung Lập cho biết: Người dân quan niệm, tết đi đã làm lễ cúng tiễn ông bà ông vải rồi, thì tới tết lại cũng phải sắm sửa mọi thứ khác để mời các cụ về ăn tết mới. Tết lại có khi còn to hơn cả Tết Nguyên đán, con cháu khắp nơi đều phải cùng tề tựu về.
Đồng chí Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết: Phong tục ăn tết lại là một truyền thống văn hóa của địa phương từ nhiều đời nay. Những người con xa quê hương dù ở mọi miền đất nước và có bận trăm công ngàn việc cũng sắp xếp về sum họp cùng gia đình, bà con dân làng. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, huyện Thọ Xuân tổ chức Lễ khai xuân tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Hoàn nhằm tưởng nhớ công lao của đức Vua Lê Đại Hành, giữ gìn và phát huy truyền thống ăn tết lại tại địa phương... UBND xã Xuân Lập và các làng tổ chức tế lễ truyền thống, thi làm lễ chay tiến vua; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí như: giao lưu bóng chuyền, bóng đá, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt... để Nhân dân giao lưu.
Tết lại chỉ là phong tục riêng có ở một số địa phương. Tục ăn tết lại ở Xuân Lập là một phong tục độc đáo với nét đặc trưng văn hóa riêng đã góp phần tạo nên những sắc thái văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú trong bức tranh toàn cảnh tết của Việt Nam.