Tết miền ấu thơ

Qua rằm tháng Chạp, anh bạn thân gọi điện thoại rủ về quê ăn Tết. Vài lời thăm hỏi về chuyện làng, chuyện xóm lòng bồi hồi khôn tả, bao nhiêu ký ức về những cái Tết ngày thơ ấu lại hiện về như mới hôm qua!

Tết! Đó là thiên đường của tuổi thơ tôi. Tất cả những gì đẹp đẽ nhất, rực rỡ nhất của ký ức thời thơ ấu đều đậm hương mùi Tết. Ngày ấy, cứ đến đầu tháng Chạp, lũ trẻ chúng tôi đã ngóng đến Tết. Những tờ lịch cuối cùng được bóc xuống để đếm ngược thời gian đến Tết với sự nôn nao lạ thường. Tết đồng nghĩa với được nghỉ học. Tết là được xúng xính mặc đồ mới… Ấy thế nên, khi trường sơ kết học kỳ I, phát thưởng cho học sinh, lũ trẻ chúng tôi tự cho phép mình thả lỏng việc học để hòa mình vào lễ hội lớn nhất năm.

Gói bánh chưng ngày Tết là một nét đẹp văn hóa được gìn giữ qua bao đời nay.

Gói bánh chưng ngày Tết là một nét đẹp văn hóa được gìn giữ qua bao đời nay.

23 tháng Chạp, tiễn ông Táo về trời là Tết đã đến gõ cửa mọi nhà. Năm nào cũng vậy, cứ đến độ này anh em tôi được giao nhiệm vụ tổng vệ sinh làm sạch nhà cửa, đường đi lối lại. Tranh thủ chút nắng ngày cuối năm, mẹ tôi phơi củ kiệu, cà rốt, đu đủ để làm dưa món ăn kèm bánh chưng, còn ba tôi đi chọn cây tre cao nhất, thẳng nhất để chuẩn bị dựng nêu đón Tết. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Cái tục lệ ấy đã được người Việt trao truyền qua hàng ngàn năm trên mọi miền đất nước.

Trong ký ức của tôi, Tết là một bản giao hòa giữa sắc màu, âm thanh và mùi vị. Những ngày giáp Tết, tiếng heo kêu eng éc khắp làng trên xóm dưới. Người khá giả thì cứ vài ba nhà chung nhau mổ thịt một con, người nghèo cũng chờ để mua vài cân thịt. Trên chiếc nong ngả giữa sân, bác thợ cả ra thịt chia cho từng nhà để chế biến thành món ăn truyền thống như thịt kho măng, thịt đông, làm nhân bánh chưng, bánh tét… Lũ trẻ chúng tôi vẫn thường vây quanh để chờ xin chiếc bong bóng. Lấy được bong bóng rồi, cả nhóm hồ hởi đem đập cho bong bóng giãn ra, hun bằng tro bếp cho dai, sau đó bơm hơi vào rồi đem chơi. Lâu lắm rồi tôi cũng chẳng còn nhớ kết quả của những trận chơi bóng heo đó như thế nào nhưng bao năm đã qua, tôi vẫn luôn nhớ tiếng heo kêu eng éc trong buổi chiều đông lạnh của những ngày cuối năm, thứ âm thanh gợi lên sự đủ đầy của người dân quê mỗi khi Tết đến xuân về.

Trẻ em vui Tết ở Nha Trang xưa.

Tết miền ấu thơ! Bao giờ cũng vậy, đêm trước đi chợ Tết, tôi nôn nao không ngủ được, chỉ mong trời sáng để theo mẹ ra chợ làng bên. Sớm tinh mơ, từ mọi nẻo đường, các bà, các chị hối hả đạp xe, quẩy gánh đến phiên chợ. Người họp chợ đông như nêm. Tiếng chào mời, trả giá râm ran cả một vùng. Trong ký ức trẻ thơ của tôi, chợ Tết đẹp đẽ, hấp dẫn đến lạ kỳ. Ở đó có bà cụ miệng bỏm bẻm nhai trầu chống gậy đi xem chợ Tết, có người bán bóng bay con mèo xanh - đỏ - tím - vàng, có gian hàng pháo với những băng pháo đỏ tươi, có màu xanh của những hàng bán lá dong để gói bánh chưng… Cả một thế giới sắc màu nhảy múa trước đôi mắt trong veo của đứa trẻ. Mỗi lần đi chợ Tết, bao giờ tôi cũng nài nỉ xin mẹ mấy trăm đồng để mua vài dây pháo tép về chơi với lũ bạn cùng xóm. Những dây pháo nhỏ xinh dài hơn gang tay với trái pháo chỉ bằng đầu đũa ấy mới chỉ là khúc dạo đầu của một mùa chơi pháo Tết, điều chúng tôi mong chờ nhất, nhớ nhất chính là những phong pháo đỏ rực nổ vang rền, giòn giã để đón xuân. Thời đó, quê tôi thường chuộng pháo Nam Ô (Đà Nẵng) vì tiếng nổ giòn, vang hơn pháo Bình Đà (Hà Tây cũ). Năm nào, cứ gần Tết anh em chúng tôi cũng nài nỉ ba mua pháo Nam Ô nhưng không hiểu sao ba tôi lại thường mua pháo Bình Đà. Mỗi lần ba tôi đem phong pháo Tết về, anh em chúng tôi “thất vọng” ra mặt. Nỗi buồn đó cũng qua nhanh trong sự chộn rộn Tết. Giao thừa, làng trên xóm dưới pháo nổ đì đùng báo hiệu một năm mới đã đến. Đêm trừ tịch bỗng nhiên bừng lên rực rỡ, lung linh. Tết nào mấy anh em tôi cũng thức để được xem đốt pháo, vừa xem pháo nhà mình vừa lắng tai nghe và bình luận xem pháo nhà nào nổ to nhất; khi đi ngủ còn mong trời mau sáng để dậy nhặt pháo rụng chưa nổ. Quê tôi có lệ, ngày mùng một Tết không ai quét sân, bởi nhiều xác pháo trên sân là ăn Tết lớn, là niềm kiêu hãnh của mỗi gia đình. Từ một truyền thống tốt đẹp, việc chơi pháo của dân tộc dần trở thành cuộc chơi lãng phí và cả nguy hiểm khi nhiều người tai nạn vì chơi pháo. Và rồi Nhà nước đã cấm đốt pháo từ Tết năm 1995. 30 năm nay Tết không còn tiếng pháo, nhưng nghĩ lại lòng vẫn náo nức, mùi thuốc pháo hình như còn đâu đây!

Từ làng quê tôi mua chiếc vé đường dài ra phố thị đã hai mươi năm. Cũng đôi lần về quê ngày Tết, nhưng Tết quê giờ không còn như xưa. Nhiều nếp cũ phai dần theo năm tháng. Ở quê bây giờ, không mấy ai trồng cây nêu, nhiều gia đình không còn tổ chức gói bánh chưng mà chỉ đến hàng quán đặt lấy vài cặp bánh để cúng ông bà. Người dân quê cũng không còn mấy ai mổ heo để ăn Tết. Cuộc sống đủ đầy, trẻ con không còn háo hức đi chợ phiên... Vắng tiếng heo kêu eng éc chiều cuối năm, làng quê vắng vẻ lạ thường, nhạt đi cái phong vị Tết truyền thống vốn có. Tết quê đấy nhưng lại không phải Tết quê trong hoài niệm. Tết trong mắt những đứa trẻ thuở ấu thơ ấy ngỡ vừa mới hôm qua, hóa ra đã xa vắng mất rồi. Chiếc vé đi tuổi thơ chỉ là chuyện trong mơ!

THÀNH NGUYỄN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202501/tet-mien-au-tho-8431814/